Nằm cách trung tâm huyện 48 km, Sơn Vĩ là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã lãnh, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả giúp nhân dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; góp phần cụ thể hóa lời căn dặn của Bác: “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no”.
Gia đình anh Hoàng Văn Dảo, thôn Lũng Làn xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn đen.
Xã Sơn Vĩ có 19 thôn, bản, 1.265 hộ với 8 dân tộc cùng sinh sống. Do địa hình chia cắt mạnh, diện tích núi đá chiếm đến 140,8 ha, thiếu đất sản xuất, thiếu nước, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá vào mùa Đông nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Nhìn nhận rõ những khó khăn do điều kiện tự nhiên mang lại, cấp ủy, chính quyền xã tập trung hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các cây, con thế mạnh, vận động nhân dân ra sức tăng gia sản xuất.
Đến Sơn Vĩ thời điểm này, những thửa ruộng bậc thang khô cằn vì thiếu nước trước đây đã được phủ bởi màu xanh tươi tốt của mạ non. Anh Hoàng Văn Hùng, thôn Phìn Lò chia sẻ: Do nằm ở độ cao lớn nên những thửa ruộng ở đây thường xuyên thiếu nước. Trước đây, nếu vào thời điểm gieo mạ mà ruộng vẫn không có nước thì bà con sẽ bỏ hoang. Nhưng vài năm trở lại đây, dưới sự tuyên truyền, vận động của cán bộ xã, thôn, người dân đã tích cực tăng gia sản xuất. Đất cằn thì gánh phân bỏ xuống, thiếu nước thì đào mương, dẫn nước từ khe núi về. Dù công sức bỏ ra khá lớn, nhưng đến vụ thu hoạch gia đình nào cũng phấn khởi, vì có đủ gạo ăn, không còn lo thiếu đói nữa. Cán bộ khuyến nông còn hướng dẫn chúng tôi áp dụng các giống lúa mới, cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao của UBND xã trong việc hướng dẫn người dân sản xuất đúng khung thời vụ và áp dụng các giống lúa mới, nên vụ Mùa năm nay, toàn xã gieo cấy được trên 169 ha lúa, tăng hơn 50 ha so với năm 2020. Năng suất, sản lượng lúa cũng tăng đáng kể nhờ áp dụng giống mới và sản xuất “5 cùng” trên các cánh đồng. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho người dân.
Với thổ nhưỡng phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây đậu tương, khoảng 2 năm trở lại đây, chính quyền xã đã vận động nhân dân áp dụng giống đậu tương Hoa Kiều vào sản xuất. Đây là giống cho năng suất, chất lượng cao, theo dự kiến từ thời điểm gieo trồng đến khi cho thu hoạch là 3,5 tháng, năng suất ước đạt 17 tạ/ha, hiệu quả hơn so với nhiều giống đậu tương khác. Hiện, mỗi năm toàn xã gieo trồng khoảng 217 ha đậu tương, tăng khoảng 1,5% diện tích so với 2015. Việc áp dụng giống mới đã giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, đẩy mạnh thâm canh và mở rộng diện tích; từng bước hướng đến sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất. Tích cực liên kết với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho người dân.
Cấp ủy, chính quyền xã xác định chăn nuôi là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện, tổng đàn gia súc của xã đạt trên 7.800 con, đàn gia cầm 29.565 con. Phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là hướng đi đang được xã Sơn Vĩ đẩy mạnh. Đến nay, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều gia trại với hệ thống chuồng chăn nuôi quy củ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình chăn nuôi lợn đen thương phẩm của anh Hoàng Văn Dảo, thôn Lũng Làn; chăn nuôi tổng hợp vườn – ao – chuồng của anh Hứa Phù Sẻng, thôn Lũng Làn… Ngoài ra, xã đang triển khai chương trình chăn nuôi dê sinh sản tại các thôn Lũng Chỉn, Trù Sán, Tù Lủng. Sau hơn 2 năm thực hiện, từ 158 con dê giống ban đầu, đến nay đã sinh sản được 184 dê con tại 3 thôn, góp phần giúp các hộ nghèo giải quyết khó khăn về con giống, khuyến khích người dân phát triển kinh tế gia đình.
Đồng chí Ma Văn Lương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã chủ động gắn việc học tập và làm theo Bác với thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH ở địa phương. Đặc biệt, chú trọng phát triển kinh tế, giảm nghèo, vận động nhân dân thi đua sản xuất, thi đua xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, nỗ lực xây dựng vùng biên ngày càng giàu đẹp, ấm no.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Theo http://baohagiang.vn