Nhiều đảng viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Bí thư Chi đoàn thôn Mác Hạ, xã Tân Trịnh (Quang Bình) Lục Văn Hạnh luôn trăn trở, phải làm sao thay đổi cuộc sống, chất lượng sống của bản thân cũng như các thanh niên trong thôn. Lúc đó, người thanh niên 30 tuổi nhận thấy mình cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm để các thanh niên noi theo. Nhưng bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào ở mảnh đất rộng lớn nhưng nghèo khó? Anh quyết định phát triển kinh tế từ những lợi thế của gia đình: vườn - ao - chuồng.
Trong những đợt sinh hoạt chính trị của Chi đoàn, anh vẫn nhắc đi nhắc lại lần về thăm Hà Giang của Bác Hồ năm 1961, nhớ những tình cảm mà Bác dành cho đồng bào nơi đây cùng lời dặn dò của Người “Muốn sản xuất tốt phải có đủ nước, nhiều phân bón và cải tiến nông cụ. Cần phải phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn...”. Từ đó, anh quyết định tìm hiểu những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Ban đầu, do chưa có vốn để đầu tư, nên anh chọn cách “lấy ngắn, nuôi dài” và bắt tay vào quy hoạch, cải tạo hơn 2 ha đất vườn đồi để trồng keo và chè Shan tuyết; đồng thời, phát triển chăn nuôi gà thịt thả đồi. Công xá chủ yếu nhờ anh em bạn bè, tiền cây, con giống tích cóp, vay mượn từng chút một. Rồi dần dần, anh đào ao với diện tích khoảng 500 m2 để nuôi các loại cá: rô phi, chép, trắm, trôi... Anh học và áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, cùng với kiến thức, kinh nghiệm đúc kết qua thực tế; mô hình V.A.C của gia đình anh ngày càng phát triển. Năm 2015, sau khi thu hoạch gỗ keo, anh Hạnh chuyển đổi 2 ha đất đồi sang trồng cam sành; đến nay, đồi cam của gia đình anh đã cho thu hoạch và mỗi năm anh thu được gần 100 triệu đồng từ cam; diện tích chè Shan tuyết cũng cho thu 10 – 12 triệu đồng/tháng. Mỗi năm gia đình anh Hạnh thu nhập gần 200 triệu đồng từ mô hình V.A.C. Anh cũng động viên và giúp đỡ các đoàn viên thanh niên trong xóm phát triển kinh tế trong điều kiện và khả năng của mình.
Anh Lục Văn Hạnh thu hái chè Shan tuyết. Ảnh: baohagiang.vn
Người đảng viên, nông dân dân tộc Tày Hà Thị Chư ở xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) nguyên là Bí thư Đảng uỷ xã Việt Lâm tâm sự: “Mình về hưu rồi, nhưng luôn trăn trở khi mình cũng nghèo, người dân quanh đây cũng nghèo, trước thì nói vì bận công tác, nay có thời gian, sao lại không tập trung phát triển kinh tế. Đọc những câu chuyện về Bác Hồ, thấy rằng, cứ thời gian rảnh là Bác lại trồng rau, nuôi gà, thả cá. Mình có đất, có đồi, tại sao không trồng cây, nuôi cá? Hơn nữa, mình là một đảng viên, thì mình phải thực hiện bằng được, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà. Mình mà chịu khó lao động, tăng gia sản xuất thì không thể nghèo được, từ đó làm gương cho bà con nữa chứ.
Từ đó, chị Chư xây dựng khu vườn chuồng trại rộng trên 1.000 m2 nuôi gà thả, lúc đầu là những loại gà thông thường, sau dần dần phát triển nuôi những loại gà quý hơn như gà ri, gà Đông Cảo; nguồn giống gà do gia đình tự sản xuất. Chỉ 1-2 năm sau, mỗi năm chị xuất bán ra thị trường từ 300 - 350 kg gà thương phẩm, đến nay thu nhập từ nuôi gà thả vườn của chị mỗi năm lãi từ 30 - 35 triệu đồng.
Sau đó, chị tiếp tục đầu tư xây 4 ao nuôi cá kiên cố, mỗi ao có diện tích trên 1.000 m2. Nhờ có nguồn nước suối chảy quanh năm nên nước trong các ao nuôi cá luôn được luân chuyển. Trong mỗi ao, chị thả nhiều loại cá để tận dụng hết các tầng nước và thực hiện đánh tỉa thả bù, do đó chị có nguồn thu nhập đều đều. Một năm chị thu hoạch cá và tiến hành thả bù khoảng 2- 3 đợt, mỗi đợt xuất bán từ 2,5 – 3 tạ, tổng tiền thu nhập từ việc bán cá sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi từ 90 – 100 triệu đồng/năm.
Với mô hình gà thả vườn và ao cá, gia đình chị Chư được nhiều hộ nông dân của xã Việt Lâm học tập và làm theo, chị còn tham gia góp ý về các chủ trương, đường lối trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cho Đảng ủy xã.
Nhân rộng các điển hình tiên tiến làm theo Bác
Học và làm theo Bác, những người như anh Hạnh, chị Chư đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con vùng núi Hà Giang, giúp họ có động lực, niềm tin để thay đổi cuộc sống trên chính mảnh đất mà họ sinh ra và lớn lên. Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp người nông dân nơi đây vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Toàn tỉnh hiện nay có 120 trang trại gà, bò, cá…, tổng đàn trâu, bò đạt trên 291 nghìn con; giá trị chăn nuôi trâu, bò đạt trên 600 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều địa phương tập trung phát triển chăn nuôi lợn, gà, dê, ong và nuôi thủy sản mang lại nguồn lợi lớn giúp người dân nâng cao thu nhập.
Năm 2020, Hà Giang thu trên 990 tỷ đồng từ cây cam. Ảnh: Phạm Văn Phú
Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã, hộ gia đình tập trung phát triển các loại cây ăn quả như cam, táo, lê; các loại cây dược liệu. Hiện, toàn tỉnh có trên 8.700 ha cam, diện tích cho thu hoạch khoảng 6.755 ha; giá trị sản xuất cam năm 2020 đạt trên 990 tỷ đồng. Tổng diện tích trồng cây dược liệu toàn tỉnh đạt 17.129,5 ha; thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến dược liệu như: Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng; Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ cao Hà Giang…
Năm 2020, có 68.688 hộ đăng ký phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đạt 60% tổng số hộ nông dân. Số hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi năm 2020 là 10.040 hộ, đạt 113% so với chỉ tiêu. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp đạt trên 7.435,9 tỷ đồng; giá trị thu hoạch bình quân/ha đất trồng cây hàng năm đạt 50 triệu đồng; tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp đạt 40,5%.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang Hoàng Hải Lý cho biết, lời căn dặn của Bác “tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi, cải tiến nông cụ, trồng rừng, phát triển cây ăn quả, dược liệu…” được nhiều nông dân Hà Giang áp dụng, thực hiện và đã thành công, tạo nên nền nông nghiệp phát triển, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân. Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi diễn ra sôi nổi, đa dạng trên các lĩnh vực… đã đem lại hiệu quả thiết thực, giải quyết việc làm, tạo chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ngành nghề nông thôn; góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, làm cho đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng nâng cao.
Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung nguồn lực thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp bền vững; thu hút đầu tư và xây dựng mối liên kết chặt chẽ 4 nhà; đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh quy mô lớn; phát triển công nghiệp chế biến nông sản, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính; đẩy mạnh phát triển rừng…”. Đặc biệt, tiếp tục nhân rộng các điển hình tiên tiến làm theo lời Bác và phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, làm tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra./.
Nguyễn Huyền