Trong 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người dân huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.
Theo bà Lê Thị Huệ-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đak Đoa, trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt coi trọng sự lãnh đạo các cấp ủy Đảng, xây dựng chương trình, kế hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; sửa đổi, bổ sung các chuẩn mực đạo đức, xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị.
“Điểm nổi bật là các tổ chức Đảng đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hoạt động. Kết quả là nhiều chỉ tiêu trong các nghị quyết Đảng bộ huyện đều đạt và vượt. Cùng với đó là giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, cơ quan, đơn vị”-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đak Đoa nhấn mạnh.
Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, 5 năm qua, cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong huyện đã xây dựng, duy trì nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực: xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, đảm bảo quốc phòng-an ninh… Điển hình là Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã triển khai Đề án 04 về tổ chức thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” tại xã Hà Đông, giai đoạn 2017-2022.
Trao đổi kinh nghiệm học tập và làm theo Bác. Ảnh: Thanh Nhật
Ông Đinh Ơng-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa-cho hay: “Sau một thời gian nỗ lực đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, linh hoạt dưới nhiều hình thức, đến nay, xã Hà Đông đã thực sự khởi sắc về mọi mặt. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhiều mô hình mới được đưa vào sản xuất, các chính sách hỗ trợ người dân được quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn mới khởi sắc trông thấy”.
Nói thêm về kết quả đạt được khi thực hiện Đề án 04, ông Hoàng Cam-Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông-cho biết: Nhờ triển khai hiệu quả Đề án, xã đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Từ năm 2019 đến nay, xã đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng 15 ha cà phê cho 37 hộ; hỗ trợ 20 con bò sinh sản cho hộ nghèo, đồng thời hỗ trợ giống cây ăn quả để bà con cải tạo vườn tạp. Từ một xã nghèo, Hà Đông bây giờ xuất hiện nhiều tấm gương dám nghĩ, dám làm gắn với các mô hình kinh tế hiệu quả cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Tiêu biểu là gia đình ông Y-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Năm 2017, ông Y mạnh dạn mở lò bánh mì và thu mua măng le tươi để sấy khô bán ra thị trường. “Tôi mua lò bánh mì với giá hơn 10 triệu đồng. Ngày thường, bà con chủ yếu ở lại trên rẫy nên lò bánh mì của tôi chỉ hoạt động ngày thứ bảy và chủ nhật. 2 ngày này, tôi làm khoảng 2.000 ổ bánh mì (giá 2.000 đồng/ổ) và đều tiêu thụ hết. Vào mùa măng le, gia đình tôi thu mua để sấy khô bán ra thị trường”-ông Y chia sẻ.
Cán bộ, đảng viên huyện Đak Đoa trao đổi nội dung phù hợp để học tập và làm theo Bác. Ảnh: Đinh Yến
Trong khi đó, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo Bác bằng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Mô hình “Góp của, góp công xây dựng nông thôn mới” của Đảng ủy các xã: Glar, A Dơk, Tân Bình, Nam Yang, Trang, Hải Yang, Ia Băng, Hnol là ví dụ. Mô hình “Đối thoại, giải quyết kịp thời công việc ngay từ cơ sở” của Đảng ủy thị trấn, Đảng ủy Quân sự huyện, Đảng ủy Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang, Đảng ủy xã Đak Sơ Mei cũng là những cách làm hay.
Mô hình “Liên kết sản xuất, giúp nhau làm kinh tế giữa hộ dân tộc thiểu số có đất nhưng thiếu vốn, khoa học-kỹ thuật sản xuất với các hộ người Kinh có vốn, có kinh nghiệm sản xuất, nhưng lại thiếu đất sản xuất” ở các xã: Hà Bầu, Đak Krong, Hnol, Kon Gang, Trang, Kdang mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình “Kết nghĩa giữa doanh nghiệp, chủ rẫy, chủ trang trại với thôn, làng liền kề” của Đảng ủy xã Kdang giúp giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
“Thời gian tới, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tiếp tục tham mưu giúp Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các chuyên đề về học tập và làm theo Bác. Xác định nội dung trọng tâm để việc học tập và làm theo Bác phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Cùng với đó là tiếp tục biểu dương, khen thưởng kịp thời, xây dựng nhân rộng các mô hình, cách làm hay trên tất cả các lĩnh vực để việc học tập và làm theo Bác đạt được kết quả toàn diện hơn nữa”-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đak Đoa cho biết thêm.
ĐINH YẾN
Theo https://baogialai.com.vn