Yên Bái: Những người lính đi đầu trên trận tuyến mới

 

Cựu chiến binh Hoàng Đình Lành (người ngoài cùng, bên trái) giới thiệu với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về đồi quế của gia đình.
Cựu chiến binh Hoàng Đình Lành (người ngoài cùng, bên trái) giới thiệu với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về đồi quế của gia đình.

 

Trở về từ chiến trường Tây Nguyên, thương binh 4/4 Nguyễn Minh Đông sinh năm 1949, ở thôn Hạnh Phúc, xã Y Can, huyện Trấn Yên bước vào "cuộc chiến” phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 1976, đảm nhiệm vị trí Đội trưởng Đội Sản xuất hợp tác xã, bản thân luôn chống chọi với những cơn đau đầu do ảnh hưởng của chiến tranh để lại, ông Đông cùng vợ lao động miệt mài chỉ mong có đủ chi phí sinh hoạt và nuôi con ăn học. 

Khắc ghi lời dạy của Bác "Thương binh tàn nhưng không phế”, với ý chí của một người lính vượt lên thương tật, phát huy tiềm năng, lợi thế ở địa phương, ông tập trung trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo cuộc sống. 

Cách đây gần 10 năm, khi địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thương binh Nguyễn Minh Đông đã quyết định chuyển đổi hơn 2 ha đồi rừng trồng sắn sang trồng cây quế. Mỗi năm từ khai thác tỉa, bóc vỏ, gia đình ông có thu nhập gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông duy trì phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tăng thêm thu nhập. 

Ông Đông tâm sự: "Là người lính bộ đội Cụ Hồ, được sống trong thời bình mình càng phải nỗ lực vươn lên không thể khuất phục đói nghèo, không thể trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội...”. 

Dũng cảm trong thời chiến, nỗ lực ở thời bình, đến nay, thương binh Nguyễn Minh Đông là một trong những hộ khá ở địa phương. Mỗi khi có dịp cùng đồng đội, đồng ngũ ôn lại những kỷ niệm trong thời gian chiến đấu, kể về cuộc sống bình dị hôm nay, ông Đông luôn tự hào bởi bản thân đã góp một phần công sức tô thắm phẩm chất người lính Cụ Hồ. 

Từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, sau khi xuất ngũ, CCB Hoàng Đình Lành trở về quê hương lập nghiệp ở thôn Ngọn Ngòi, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên. Từ diện tích đất đồi cha ông để lại, ông Lành chăm chỉ làm ăn, từng bước phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy diện tích trồng cây keo, cây bồ đề kém hiệu quả, ông Lành chuyển sang trồng cây quế. 

Đến nay, với gần 6 ha quế từ 3 - 12 năm tuổi, được ông trồng chia nhỏ thành nhiều lứa tuổi nên hàng năm từ diện tích khai thác trắng, cộng với tỉa cành, lá bán gia đình ông đạt trên 200 triệu đồng. 

Nhận thấy một phần diện tích đất đồi chưa tận dụng khai thác triệt để, ông Lành quyết định đầu tư san tạo mặt bằng trên 250 m2, xây dựng hệ thống chuồng trại phát triển chăn nuôi lợn thịt thương phẩm với khoảng 100 đầu lợn thịt và 15 con lợn nái để duy trì giữ nguồn giống tốt. 

Ông Lành chia sẻ: "Chăn nuôi lợn không khó, nhưng để nuôi đạt hiệu quả cao thì người nuôi phải cần cù, chịu khó, biết cách lấy công để làm lãi. Hàng ngày, phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên phòng dịch bệnh, cách phun thuốc sát trùng xung quanh chuồng trại…”. 

Kết hợp, chăn nuôi và trồng rừng, gia đình CCB Hoàng Đình Lành tận dụng được thời gian nông nhàn, tạo việc làm, tăng thu nhập, mỗi năm tổng nguồn thu nhập của gia đình ông Lành đạt khoảng 300 triệu đồng và là một trong những hộ tiêu biểu đóng góp tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương, góp phần cùng xã Mậu Đông nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. 

Những điển hình CCB vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương đã và đang được các cấp Hội CCB trong tỉnh nhân rộng, lan tỏa và làm sâu sắc tinh thần của cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các cấp Hội cơ sở.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website