Ninh Bình: Gặp lại người thiếu niên năm xưa trong đoàn đại biểu viếng Bác

Bà Nguyễn Thị Vững bên hàng cây mới trồng của thôn Hệ.

Từng được gọi là "em gái Nguyễn Bá Ngọc"

Bà Nguyễn Thị Vững run run xúc động khi đưa cho chúng tôi xem bức hình ghi lại hình ảnh Đoàn đại biểu của tỉnh Ninh Bình vào viếng lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969. "Khi tham gia vào đoàn đại biểu của tỉnh đi viếng Bác, tôi mới tròn 14 tuổi. Tôi đã được gặp Bác Hồ, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Lần gặp Bác duy nhất ấy tôi không bao giờ quên được. Từ lúc ấy, tôi đã thầm hứa với Bác, cháu sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để thật xứng đáng với 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng"- bà Vững mở đầu câu chuyện.

Ký ức về những kỷ niệm xưa như trở về ngay trước mắt. Bà Vững kể: Đó là một đêm mùa thu năm 1969. Khi đang ngủ say giấc sau một ngày chăn trâu vất vả, tôi được mẹ gọi dậy để thông báo tôi được lựa chọn tham gia vào đoàn đại biểu của tỉnh đi viếng Bác. Mẹ tôi vội vàng chuẩn bị cho tôi một vài bộ quần áo tươm tất nhất, sau đó tôi được đưa đến nơi tập trung ngay trong đêm để cùng các bác lãnh đạo tỉnh, các thành viên trong đoàn lên đường ra Hà Nội. Tới Hà Nội, tôi được sắp xếp chỗ ở cùng với các bạn thiếu nhi ở các tỉnh khác. Tôi cũng được lựa chọn là 1 trong 6 thiếu niên được túc trực bên linh cữu Người.

Bà Vững kể tiếp, sở dĩ tôi có được niềm vinh dự tham gia cùng đoàn đại biểu của tỉnh đi viếng Bác Hồ là bởi câu chuyện như thế này. Cẩn thận lấy ra từ trong chiếc túi được cất kỹ trong tủ, bà Vững mang ra cho chúng tôi xem một bài báo đã cũ. Bài báo này viết về hành động bình tĩnh, dũng cảm của cô bé Nguyễn Thị Vững khi cứu bạn dưới làn bom đạn của giặc Mỹ. Bài báo hiện đang được trưng bày tại một Bảo tàng ở Hà Nội. Bà Vững đã xin được in lại, nâng niu, gìn giữ suốt nhiều năm qua.

Vừa đưa cho tôi xem bài báo, bà Vững vừa kể lại: Năm 1966, khi ấy tôi mới 11 tuổi. Một ngày, tôi và các bạn trong xóm đi chăn trâu như thường lệ ở cánh đồng Gừng thì máy bay của giặc Mỹ lao tới, trút bom xuống cánh đồng. Tôi bị sức ép của bom hất ngã, đất vùi lên người. Tỉnh dậy, tôi đưa mắt tìm các bạn. Cảnh tượng khi ấy thật thê thảm. Các bạn đứa thì chết, đứa thì bị thương nặng. Những con trâu to khỏe, béo tròn vừa mới gặm cỏ cũng đã chết. Không kịp suy nghĩ nhiều, tôi phải cố gắng đưa các bạn bị thương về trạm y tế xã, đề phòng máy bay của Mỹ quay trở lại.

Bà Nguyễn Thị Vững xúc động đọc lại bài báo viết về mình.

Vậy là cô bé Vững người nhỏ thó lưng cõng một bạn, tay dìu một bạn. Hai người bạn được Vững cõng đó là Sỏi và Chính. Đến gần núi Đụn thì Vững được y sĩ của bệnh xá hỗ trợ dìu các bạn bị thương vào sơ cứu. Hành động dũng cảm của Vững được nhân dân trong xã ca ngợi, nhiều người tặng cho cô bé cái tên " Em gái Nguyễn Bá Ngọc" của Ninh Vân. Nguyễn Thị Vững được Ủy ban thiếu niên nhi đồng tỉnh gửi quà tặng; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thanh niên lao động Ninh Bình tặng giấy khen… Đặc biệt, thiếu niên Nguyễn Thị Vững vinh dự được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người.

Lớn lên, cô gái trẻ Nguyễn Thị Vững theo học sư phạm rồi làm cô giáo trường làng. Với lòng yêu nghề, mến học sinh, cô giáo Vững luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trước khi về hưu vào năm 2010, bà Vững từng trải qua vai trò là Hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Vân; Hiệu phó Trường THCS Ninh Vân…

Vận động nhân dân trồng cây nhớ Bác

Thôn Hệ, xã Ninh Vân có khoảng 450 hộ. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề chế tác đá mỹ nghệ. Từ nghề này đã mang lại cuộc sống khấm khá cho người dân, song cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Để hạn chế tác hại của nghề đá, giữ gìn sức khỏe mọi người, Ban công tác mặt trận thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ làm nghề tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bà Nguyễn Thị Vững kể tiếp, khi bà về hưu vào năm 2010, bà công tác trong Ban Khuyến học xã.  Đến năm 2020, bà được bầu làm trưởng Ban công tác mặt trận thôn Hệ. Bà Vững dẫn tôi đi thăm hàng cây mà nhân dân thôn Hệ mới trồng dịp Tết vừa qua. Gần 60 cây hoa ban sống và phát triển tốt, bắt đầu rợp bóng che mát con đường bê tông chạy dài giữa hai cánh đồng lúa đang kỳ vàng óng. Hàng cây này là thành quả lần vận động đầu tiên của bà Vững trên cương vị mới. Chỉ sau vài ngày phát động, tùy theo khả năng mà bà con đều nhiệt tình ủng hộ, đóng góp với tổng số tiền 55 triệu đồng. Ngày trồng cây, các gia đình trong thôn đều hăng hái tham gia. Thôn cũng đã phân công các gia đình cùng tham gia chăm sóc, bảo vệ cây.

Cụ Nguyễn Thị Văn, ngoài 80 tuổi, là một trong những người nhiệt tình ủng hộ cho phong trào trồng cây ở địa phương. Cụ Văn đã ủng hộ thôn 1 triệu đồng, đồng thời nhận một cây để chăm sóc, bảo vệ.

Cụ Văn chia sẻ: Chúng tôi nhận thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, vì thế khi được Trưởng ban công tác mặt trận thôn vận động và phát động phong trào hưởng ứng Tết trồng cây theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi và bà con trong thôn đều nhiệt tình tham gia. Những hàng cây do chính tay bà con trong thôn trồng và chăm sóc có ý nghĩa lớn, vừa là để nhớ ơn Bác Hồ, vừa là nêu gương để các thế hệ con, cháu noi theo. Chúng tôi sẵn sàng góp công, góp của để trồng thêm nhiều hàng cây xanh khác nữa.

Bên cạnh công tác bảo vệ môi trường, bà Vững còn phối hợp với các đoàn thể trong thôn phát động nhân dân tham gia vào các phong trào ý nghĩa, thiết thực khác, như phong trào chung tay Vì trẻ em nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, Vì nạn nhân chất độc da cam… Từ đó, lan tỏa hành động đẹp, những tấm lòng thơm thảo trong cộng đồng dân cư, tạo nguồn lực hỗ trợ học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, trong năm 2020, bà Nguyễn Thị Vững đã vận động nhân dân đóng góp ủng hộ cho lực lượng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 số tiền 13 triệu đồng và hơn 10 triệu đồng cùng nhiều hàng hóa cho đồng bào lũ lụt miền Trung.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Theo https://baoninhbinh.org.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website