Long An: Học và làm theo gương Bác trong trường học

Trường THPT Gò Đen tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để giáo dục cho học sinh

Nhiều mô hình hay

Xác định công tác giáo dục truyền thống cho học sinh (HS) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Trường THPT Gò Đen (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) luôn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thông qua các hội thi, giờ chào cờ, sinh hoạt lớp. Theo Bí thư Đoàn trường THPT Gò Đen - Võ Thành Đạt, Hội thi Tuyên truyền ca khúc cách mạng và Hội thi Kể chuyện về Bác là một trong những hoạt động thiết thực thu hút đông đảo HS tham gia.

Từng đoạt giải Nhất Hội thi kể chuyện về Bác, em Nguyễn Thế Vinh - HS lớp 12C1, Trường THPT Gò Đen, bộc bạch: “Năm lớp 10, em đại diện lớp tham gia Hội thi Kể chuyện về Bác. Với em, việc được kể và nghe những câu chuyện về Bác là một điều thiêng liêng. Những mẩu chuyện về Bác dù ngắn hay dài đều truyền tải thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống. Em ấn tượng với câu chuyện Cái đồng hồ của Bác, qua câu chuyện giúp em hiểu thêm bài học về tinh thần đoàn kết. Con người cũng vậy, trong một tập thể, tổ chức, ai cũng quan trọng. Chúng ta phải ý thức về tinh thần đoàn kết của dân tộc, chỉ có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh tổng hợp”.

Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, Đoàn trường THPT Gò Đen còn tổ chức thăm, dọn vệ sinh Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức; phối hợp Đoàn Thanh niên xã Phước Lợi tổ chức thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Các hoạt động này nhằm giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm trong mỗi HS.

Song song đó, Trường THPT Gò Đen còn triển khai, thực hiện mô hình trồng hoa, cây xanh, rau để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho trường. Tận dụng những khoảng đất trống tại trường, ngay từ đầu năm học, mỗi chi đoàn được giao một phần diện tích đất để trồng trọt. Tùy vào điều kiện và sở thích mà các em lựa chọn loại cây trồng phù hợp như hoa, cây ăn quả, rau,…

Bí thư Đoàn trường THPT Gò Đen - Võ Thành Đạt cho biết: “Đây là mô hình rất hay giúp các em trải nghiệm thực tế. Tất cả công đoạn từ việc xới đất, gieo hạt, chăm sóc cây, thu hoạch đều được các em tự lên kế hoạch rồi phân chia thực hiện. Thông qua hoạt động, nhà trường muốn giúp các em biết trồng trọt; đồng thời, giáo dục ý thức, biết trân quý sức lao động và những sản phẩm mà mình tạo ra. Hơn hết, hoạt động còn góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết của HS trong chi đoàn”.

 

Câu lạc bộ Văn học Trường THPT Chuyên Long An tổ chức hội thi sân khấu hóa tác phẩm văn học

Thay đổi nhỏ, giá trị lớn

Những năm qua, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thầy và trò Trường THPT Chuyên Long An (phường 4, TP.Tân An) không ngừng nỗ lực học tập và làm theo gương Bác. Việc vận dụng, đổi mới trong giảng dạy luôn được nhà trường quan tâm thực hiện. Đặc biệt, sân khấu hóa tác phẩm văn học là một trong những đổi mới trong bộ môn Ngữ văn của thầy và trò Trường THPT Chuyên Long An.

Theo thầy Trần Thành Được - giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Long An, sân khấu hóa không chỉ đơn thuần là sân chơi ngoại khóa như một số trường mà còn được xếp vào chương trình học của môn Ngữ văn đối với HS lớp 10 và 11, mỗi lớp sẽ có 3 tiết sân khấu hóa/năm. Sân khấu hóa là một hình thức tái hiện tác phẩm văn học nhằm tạo sự chân thật, hứng thú cho các em khi học Ngữ văn.

Em Đinh Thị Hồng Gấm - HS lớp 10T2, Trường THPT Chuyên Long An, cho biết: “Mặc dù hoạt động này sẽ mất rất nhiều thời gian so với việc chỉ mang tập, sách lên lớp nghe giáo viên giảng bài rồi ghi chép nhưng em cảm thấy rất vui và bích. Chúng em cùng nhau nghiên cứu tác phẩm, lên kịch bản, phân vai, chuẩn bị đạo cụ, dành thời gian tập diễn với nhau. Ngoài nghiên cứu tác phẩm, nhóm còn dành thời gian để xem những dị bản khác nhau của tác phẩm, tìm các bài phân tích tâm lý nhân vật để tham khảo. Từ đó, mọi người rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học giúp chúng em nhớ lâu và hiểu sâu về tác phẩm. Ngoài việc học, hoạt động này còn giúp các bạn trong lớp gắn kết và hiểu nhau hơn”.

Thầy Được chia sẻ: “Không phải tác phẩm nào cũng sân khấu hóa, có những tác phẩm cần sự cảm nhận, truyền thụ của giáo viên. Giáo viên dạy Ngữ văn sẽ định hướng cho HS chọn các tác phẩm văn học để sân khấu hóa. Các tác phẩm được chọn phải nằm trong chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông thường, những tác phẩm có nhiều nhân vật, cảnh diễn xuất sẽ được các em lựa chọn”.

“Thời gian qua, việc sân khấu hóa tác phẩm văn học đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, chất lượng dạy và học môn Ngữ văn được nâng lên. Bên cạnh sân khấu hóa, HS còn sôi nổi tham gia hoạt động kể chuyện dưới cờ. Các câu chuyện kể thường có nội dung ngắn gọn. Thông qua hoạt động này, HS được làm chủ sân khấu, không chỉ đơn thuần là kể chuyện, các em còn tương tác với khán giả, đằng sau mỗi câu chuyện là những bài học quý báu về cuộc sống” - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An - Nguyễn Thị Như An cho biết.

Được triển khai, thực hiện bằng nhiều hình thức cụ thể, đa dạng, các mô hình học tập và làm theo gương Bác trong trường học ngày càng phát huy hiệu quả, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học./.

Hoài An

Theo https://baolongan.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website