Gặp gỡ những nông dân Khmer làm giàu nhờ học theo gương Bác

Theo Bác, "Cần, tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai". "Nghĩa là Cần thì việc gì, dù khó khăn mấy, cũng làm được". "Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi". Do đó, "Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người". Từ việc học tập tính cần, kiệm ở Bác mà ông Lý Quờn, xã Thạnh Quới và ông Trầm Sanh, xã Đại Tâm cùng ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và  Trung ương nhiều năm liền.

Ghé nhà ông Lý Quờn, xã Thạnh Quới đúng lúc ông vừa đi kéo lưới bắt cá về để chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Nở nụ cười tươi, ông Quờn thông tin, mấy mươi năm qua quen với lối sống tiết kiệm mà nhờ vậy đã giúp ông có số ruộng lên đến 40ha, 3 chiếc máy cày lớn (đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm). Ông còn xây dựng được căn nhà trị giá gần 4 tỷ đồng.

Ông Lý Quờn, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cày đất chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa Hè - Thu năm 2023. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Quờn tâm sự: "Lúc mới lập gia đình (năm 1991) ra sống riêng, tôi được gia đình cho 6,5 công đất ruộng, đất rẫy và dựng căn nhà nhỏ bằng cây, lá đơn sơ. Với 5 công đất ruộng chỉ làm lúa 1 vụ/năm, năng suất không đáng kể, còn 1,5 công đất rẫy tận dụng trồng màu quanh năm nên có thu nhập kha khá. Qua vài năm dành dụm được một số tiền bán lúa, bán rau, tôi mua máy xới tay đi xới đất thuê cho bà con trong và ngoài địa phương. Tiền thu nhập tôi tích lũy mua thêm ruộng, khi số ruộng tăng lên mua thêm máy cày lớn đi cày đất tiếp".

Theo lời ông Quờn, nhờ diện tích đất sản xuất lúa lớn nên việc liên kết với công ty bán lúa sau thu hoạch rất ổn định, giá bán đảm bảo cao hơn so với bên ngoài thị trường. Với diện tích 40ha lúa, ông Quờn xuống giống 2 vụ/năm, giống lúa chọn canh tác thường là các giống đặc sản chủ yếu là giống lúa ST, năng suất trung bình 5,5 - 6 tấn/ha/vụ; tổng sản lượng lúa thu về ước 470 tấn/năm, trừ chi phí lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài nguồn thu nhập từ ruộng lúa, ông Quờn còn có 3 chiếc máy cày đi cày thuê, mỗi 1 năm số lượng ruộng cày thuê hơn 240ha, trừ chi phí lợi nhuận hơn 240 triệu đồng. Ông Quờn còn dành 1 công đất trồng rẫy có thu nhập từ tiền bán rau màu từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Số tiền này, ông dành chi tiêu hàng ngày trong gia đình, còn tiền thu nhập từ bán lúa, tiền đi cày thuê ông để dành tích lũy mua ruộng thêm.

“Mặc dù đời sống gia đình đã khấm khá, nhưng tôi vẫn giữ thói quen chi tiêu tiết kiệm trong gia đình và luôn lao động cần cù, chăm chỉ để làm tấm gương cho con cháu noi theo. Bản thân tôi còn tích cực tham gia đóng góp các nguồn quỹ do địa phương kêu gọi; vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn bằng gạo, tiền cũng như tham gia các phong trào do hội nông dân các cấp phát động. Tôi có được thành quả ngày nay chính là nhờ sự cần, kiệm. Đức tính này, tôi học từ Bác. Nhờ vậy mà từ nông dân có cuộc sống khó khăn, tôi đã vươn lên trở thành hộ khá giàu, với mức thu nhập hơn 1,7 tỷ đồng/năm. Thông qua việc học tập và làm theo gương Bác, tôi đã được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen" - ông Quờn chia sẻ.

Cũng là nông dân học theo Bác đức tính cần, kiệm, ông Trầm Sanh, xã Đại Tâm đã “tích tiểu thành đại”, chỉ từ quán nước giải khát ven đường. Hiện tại, gia đình ông Sanh đã có vài cửa hàng bán vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng xăng dầu, cùng 10 chiếc xe tải chở hàng thuê và 10ha canh tác lúa.

“Xuất phát điểm của gia đình tôi khó khăn nên lúc bắt đầu mới lập nghiệp, tôi rất siêng năng làm việc. Đầu tiên, tôi mở quán cà phê nhỏ tại nhà bán cho bà con trong xóm, lợi nhuận qua nhiều năm có được tôi mua 3 công ruộng và 1 công đất rẫy để làm. Tích góp qua từng năm có số tiền lớn, tôi mở cửa hàng bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và việc làm ăn ngày càng phát triển, cứ vài ba năm mua thêm vài công đất lúa. Cùng với đó, tôi mở rộng dần ngành nghề kinh doanh như: bán vật liệu xây dựng, làm cây xăng bán xăng dầu và mở cửa hàng tạp. Theo tính toán, nguồn thu nhập từ việc kinh doanh các cửa hàng, 10ha đất canh tác lúa đặc sản và 10 chiếc xe tải chở thuê, số tiền thu về hơn 700 triệu đồng/năm. Thông qua việc kinh doanh và làm nông, tôi tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động nông thôn. Hiện tại, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, tôi vẫn tích cực điều hành hoạt động kinh doanh của gia. Đồng thời, tham gia các hoạt động do địa phương phát động, đặc biệt là đóng góp các nguồn quỹ giúp cho học sinh khó khăn vượt khó học tốt, hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm cho các hoàn cảnh nghèo. Sau mấy mươi năm, học theo Bác đức tính cần, kiệm, tôi đã có cơ ngơi vững chắc” - ông Trầm Sanh kể.

 

 Ông Trầm Sanh, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) bên cửa hàng vật liệu xây dựng của gia đình. Ảnh: THÚY LIỄU

“Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, 2 hội viên nông dân Khmer Lý Quờn và Trầm Sanh là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương nhiều năm liền. Câu chuyện vượt khó của 2 hội viên nêu trên là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu. Từ đó đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, mức sống nông dân, qua đó giúp cho bà con đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh”- đồng chí Đặng Tấn Giang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng nhận xét.

Thông tin từ Hội Nông dân tỉnh, thực hiện phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2019 - 2022, số lượng hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là 138.597 hộ, trong đó danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp được công nhận là 80.411 hộ. Trong đó, hội viên đạt giỏi cấp Trung ương 337 hộ, cấp tỉnh 2.149 hộ, cấp huyện 10.498 hộ, cấp cơ sở 67.427 hộ. Trong thời gian tới, Hội Nông tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh; tuyên tuyền, vận động cán bộ hội và hội viên nông dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website