Cùng với mỗi loài cây trong vườn Bác, cây dừa hai mầm do nhân dân Nam Tiến gửi tặng đã gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và làm việc trong Phủ Chủ tịch. Không chỉ thể hiện tình cảm chân thành, sâu sắc của nhân dân Nam Tiến (nay là thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) dành cho Bác Hồ kính yêu, cây dừa còn mang ý nghĩa cao đẹp, tượng trưng cho tư tưởng, tình yêu thiên nhiên và phong cách sống giản dị, gần gũi của Người.
Hai mắt không thể nhìn được nữa nhưng ông Nguyễn Văn Vũ vẫn giữ gìn cẩn thận bức ảnh Bác.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trong 15 năm cuối cuộc đời (từ năm 1955 đến 1969). Nơi đó, có ngôi nhà sàn, ao cá, vườn cây, giàn hoa, đường xoài… đầy thân thuộc, tạo nên giá trị và những nét đẹp sinh động, độc đáo trong bức tranh toàn cảnh về nơi ở và làm việc của người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Cũng chính tại nơi đây, suốt hơn nửa thế kỷ qua, hàng triệu con người từ khắp bốn phương vẫn nối chân đến thăm và lắng nghe bao câu chuyện xúc động về Bác, để càng thêm thấu hiểu những giá trị nhân cách, lối sống, tư tưởng, tình yêu thiên nhiên, yêu thương con người của Bác. “Bác đi rồi cây xanh vẫn còn đó, hiến cho đời những mùa xuân nho nhỏ…”. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, khu vườn tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo tồn nguyên vẹn với một quần thể thực vật phong phú, tạo thành không gian xanh tươi, yên bình, giản dị nhưng sống động và có sức cuốn hút lạ thường giữa lòng Thủ đô Hà Nội náo nhiệt, sầm uất. Trong khu vườn ấy, có cây đa kiên trì, cây xanh bốn mùa, cây bụt mọc, cây vú sữa miền Nam, cây xoài, cây dừa… mỗi cây trồng đều mang một câu chuyện, một bài học sâu sắc, thấm đượm tính nhân văn gắn liền với kỷ niệm cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở khoảng vườn gần bờ ao cá phía đối diện với nhà sàn, có cây dừa lạ mắt, một gốc có hai thân vươn cao, đã bao mùa trĩu quả và tỏa bóng mát cho du khách qua lại. Cây dừa đặc biệt này là món quà mà nhân dân “làng dừa” - xã Nam Tiến, nay là thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao gửi biếu Bác 61 năm về trước.
Chúng tôi tìm về thị trấn Lâm Thao, ngõ lối xưa, phương trời cũ, nơi những hàng dừa cao vút từng rợp bóng đón Bác về thăm để gặp gỡ một nhân chứng lịch sử: Ông Nguyễn Văn Vũ, nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Lâm Thao, người trực tiếp được gặp Bác Hồ năm 1962, cũng là cậu thiếu niên năm đó đã tự tay bứng cây dừa hai mầm trong vườn nhà anh trai cả để gửi cán bộ xã mang đi biếu Bác. Ngược dòng lịch sử, ngày 19/8/1962, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Sau khi dự mít tinh và nói chuyện với cán bộ, nhân dân thị xã Phú Thọ, 8 giờ 30 phút ngày 19/8, Bác Hồ đã đến thăm HTX Nam Tiến - đơn vị điển hình tiên tiến về năng suất lúa cao sản của tỉnh. Bác ân cần hỏi thăm từ người già đến trẻ nhỏ, khen ngợi những thành tích đã đạt được của các xã viên, cán bộ và đảng viên, đồng thời nhắc nhở một số công tác của HTX, căn dặn bà con phải đoàn kết xây dựng HTX, đoàn kết với công nhân các nhà máy để phát triển sản xuất và cải thiện đời sống. Về thăm HTX Nam Tiến, Bác tranh thủ vào thăm một số gia đình xã viên và hỏi thăm đời sống của bà con. Trước khi chia tay, bà con xã viên Nam Tiến người mang dừa, người đem bí ngô đến biếu, Bác vui vẻ nhận, cảm ơn và tặng lại bà con.
Đã hơn 60 năm trôi qua, khắc ghi lời Bác, cậu thiếu niên đeo khăn quàng đỏ Nguyễn Văn Vũ đã phấn đấu học tập, rèn luyện để cống hiến cho quê hương, Tổ quốc. Ông Vũ giờ đã ở tuổi thất thập, mái tóc nhuốm màu sương gió. Dù đôi mắt không còn thấy được ánh sáng nữa, nhưng trong tâm trí của ông còn nhớ rất rõ hình ảnh và những lời căn dặn của Bác. Trong câu chuyện xúc động về cây dừa hai mầm mà chúng tôi may mắn được nghe, như cơn sóng đầy, những kỷ niệm quý giá được cất sâu qua lớp bụi phủi thời gian lại tràn về, sống dậy thăm thẳm trong tiềm thức của ông. “Được gặp Bác Hồ, chúng tôi vui sướng, hạnh phúc vô cùng. Gia đình tôi có bảy anh em trai, ngày đó trồng được rất nhiều dừa. Một thời gian sau khi Bác Hồ về thăm Nam Tiến, trong số những quả dừa mà anh cả tôi ươm, có một quả ra được cùng lúc hai mầm rất độc lạ mà cả xã không ai có. Thế rồi một đồn mười, mười đồn trăm, biết chuyện nhà tôi có quả dừa mọc hai mầm, các anh cán bộ ở xã đến xem và ngỏ ý muốn mua lại để mang về Hà Nội tặng Bác. Anh cả tôi đồng ý tặng ngay mà không lấy tiền, rồi gọi tôi ra vườn, giao nhiệm vụ bứng cây dừa, bọc lại cẩn thận rồi chuyển cho các đồng chí cán bộ xã. Lúc đó, hai mầm dừa đã vươn cao khoảng một mét, phía dưới quả, rễ đã mọc tua tủa với sức sống mãnh liệt…”.
|
Hàng dừa miền Nam và cây dừa hai mầm soi bóng bên ao cá Bác Hồ, tỏa bóng mát cho du khách về thăm.
Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu, cuối năm 1962, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Tiến vinh dự được tặng Bác cây dừa một gốc hai mầm để ươm trồng trong vườn cây của Bác, với ý nghĩa Bắc - Nam một nhà, cùng chung một nguồn cội. Theo lời kể bồi hồi của ông Vũ, bấy giờ, anh Vũ Văn Ước là người vinh dự được bà con nhân dân cử đi Thủ đô Hà Nội. Lấy thân tre thay đòn gánh, một bên anh Ước buộc quả dừa hai mầm, một bên buộc tám bắp ngô to, mẩy gánh đi biếu Bác, để báo cáo với Bác rằng nhân dân Nam Tiến trồng ngô được mùa, năng suất cao. Hai món quà giản dị mà ý nghĩa với bao tình cảm, tấm lòng của những người con Nam Tiến đã theo chân anh Ước lên tàu về Hà Nội, đến tận cổng Phủ Chủ tịch. Vì hôm ấy Bác bận họp, nên qua người bảo vệ, Bác xin nhận món quà và gửi lời cảm ơn đến cán bộ và nhân dân Nam Tiến.
Nhận được quả dừa hai mầm, Bác đã căn dặn các chiến sĩ trong Phủ Chủ tịch rằng: “Đây là giống dừa lạ, các cô, các chú nên trồng gần đường đi lại để mọi người đều được xem”. Theo lời gợi ý của Người, quả dừa hai mầm đã được trồng trong khu vườn cây gần bờ ao cá, đối diện với nhà sàn tạo thành cây dừa một gốc hai thân lạ mắt. Hơn sáu thập kỷ trôi qua, được chăm sóc tốt, hai thân cây dừa giờ đã vươn cao hơn 10m, lừng lững đứng bên đường, bao mùa cho trái ngọt sai trĩu và tỏa tán lớn che mát cho người qua lại.
Hai cây dừa hai mầm phát triển tốt, thân vươn cao, tỏa tán rộng trong khu vườn Bác Hồ.
Bất chợt lặng yên trong chốc lát rồi như chợt nhớ ra điều gì, ông Vũ lật đật đứng lên, cầm gậy lần đường đi vào phòng. Trong căn phòng tối, trên mặt chiếc tủ gỗ cũ là “gia tài” mà ông đã dành cả cuộc đời tích góp: Giấy khen, bằng khen, huy hiệu tuổi Đảng, chiếc đài cát sét cũ kỹ... và tấm ảnh Bác được lồng khung, đặt ngay ngắn. Ông lần tìm và đưa tôi ảnh Bác, bức ảnh lưu dấu những kỷ niệm nghẹn ngào vào ngày mà đoàn đại biểu thị trấn Lâm Thao - con em của xã viên HTX Nam Tiến xưa về Hà Nội viếng Bác năm 2016. Trong chuyến viếng thăm ấy, các cán bộ của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ngỏ ý muốn nhờ địa phương sưu tầm thêm một cây dừa hai mầm nữa để bảo tồn giống dừa đặc biệt này, bởi cây dừa cũ đã già cỗi. Ngày 19/8/2016, một lần nữa, thị trấn Lâm Thao vinh dự được trao tặng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cây dừa một gốc hai mầm thứ hai. Cây dừa do ông Tạ Văn Gia ở khu Tân Sơn ươm trồng trong vườn nhà và gửi biếu, hiện được trồng ngay cạnh cây dừa hai mầm trước đây, như một sự tiếp nối và bảo tồn, như tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn mà nhân dân Nam Tiến xưa và thị trấn Lâm Thao nay hướng về Người cha già kính yêu của dân tộc.
Cây dừa vốn là hình ảnh đặc trưng của miền Nam thân thương. Trong thời gian lâm bệnh nặng, Bác vẫn hướng về miền Nam với nỗi nhớ da diết. Trước giờ phút lâm chung, khi đang nằm trên giường bệnh, một lần tỉnh dậy, Người nói muốn uống nước dừa. Hiểu rõ tình cảm của Bác với miền Nam, anh em phục vụ đã hái dừa trên hai cây dừa trồng trước nhà sàn, lấy nước dâng Bác. Người đã nhấp một chút nước dừa miền Nam như muốn mang về cõi vĩnh hằng hình ảnh của miền Nam yêu dấu. Cùng với cây dừa miền Nam, cây dừa Indonesia, cây dừa hai mầm của Nam Tiến đã gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và làm việc trong Phủ Chủ tịch. Sau khi Bác mất, nhà thơ Tố Hữu vào thăm lại nhà sàn, nhìn những cây dừa càng nhớ Bác, ông đã viết những vần thơ sâu lắng:
Dừa ơi! Cứ nở hoa đơm trái Bác vẫn chăm tay tưới ướt bồn...
Cẩm Nhung
Theo https://baophutho.vn