Học Bác để xây dựng quê hương
bt1.jpg

Từng là thôn với đầy rẫy khó khăn của xã Gia Phú, vậy nhưng hôm nay, thôn Chính Tiến vươn lên trở thành điểm sáng trong các phong trào của địa phương. Góp phần không nhỏ vào kết quả đó không thể không kể đến sự nỗ lực, góp sức của những người nông dân nơi đây trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.

Năm 2019, sau khi sáp nhập với thôn Xuân Tiến (tên thôn mới là Chính Tiến), thôn vẫn còn gần 20 hộ nghèo và hơn 40 hộ cận nghèo. Ông Đỗ Công Đĩnh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Chính Tiến nhớ lại: Ngày mới sáp nhập, Chi hội Nông dân chỉ có 81 hội viên/158 hộ, đến thời điểm này, 100% hộ có thành viên tham gia. Những nông dân của vùng quê Chính Tiến học và làm theo Bác từ những việc làm nhỏ nhưng thiết thực, chăm chỉ lao động, đoàn kết giúp đỡ nhau vươn lên.

bt3.jpg

Để mục sở thị những điều được nghe, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Dư. Căn nhà mới xây kiên cố, khang trang, mô hình chăn nuôi kinh tế hiệu quả - những điều vốn chỉ xuất hiện trong mong ước nay đã thành hiện thực đối với gia đình chị. Từng là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, cách đây vài năm, chị Dư tham gia lớp dạy nghề sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Từ kiến thức học được cùng sự động viên, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của bà con trong thôn, vợ chồng chị quyết tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Với mô hình chăn nuôi hiệu quả, năm 2020, gia đình chị Dư thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Hiện đàn vật nuôi của gia đình thường xuyên duy trì ở mức 2.000 con gia cầm, 40 con lợn. Thành quả lao động đã giúp chị trả hết nợ ngân hàng và có nguồn vốn để duy trì, mở rộng sản xuất.

bt2.jpg

Vốn một thời loay hoay tìm cách phát triển kinh tế, hiện nay, Chính Tiến là vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển lâm nghiệp của xã Gia Phú. Thôn hiện có 11 mô hình gia trại, 12 trang trại, trong đó có một số mô hình cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm; hơn 20 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Để gắn kết, giúp đỡ hội viên, Chi hội Nông dân thôn Chính Tiến duy trì xây dựng nguồn quỹ trong suốt nhiều năm qua, hiện kết dư lên tới gần 190 triệu đồng, thông qua đó giúp đỡ 11 hội viên vay vốn. Sự đoàn kết, vươn lên trong lao động của người dân đã tạo nên những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo ở Chính Tiến, đến nay, thôn chỉ còn 3 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo.

bt4.jpg

Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở thôn Soi Chát, xã Sơn Hải thời gian qua cũng diễn ra rất sôi nổi, trong đó có vai trò quan trọng của 76 hội viên Chi hội Nông dân thôn. Hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, hội viên nông dân thôn Soi Chát luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong hiến đất, góp công sức mở đường. Từ đầu năm 2022 đến nay, để mở rộng tuyến đường liên xã từ 4 m lên hơn 6 m với chiều dài 1,8 km và tuyến đường liên thôn Soi Chát - Cánh Địa dài 3,6 km, nông dân nơi đây đã hiến hàng nghìn m2 đất và đóng góp tiền, hàng trăm ngày công lao động. Ông Hoàng Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Soi Chát cho biết: Đường mới rộng mở, kinh tế phát triển là điều nông dân nơi đây mong chờ, vậy nên hội viên luôn tích cực hưởng ứng. 

Hiện trên địa bàn huyện Bảo Thắng có 188 chi hội nông dân thuộc 188 thôn, tổ dân phố, với tổng số trên 16.600 hội viên, chiếm trên 82% hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của các cấp hội nông dân huyện Bảo Thắng triển khai và tổ chức sôi nổi, trở thành nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của tổ chức hội các cấp. Cuộc vận động đã khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết của hội viên, khích lệ nông dân hăng say lao động, hưởng ứng các phong trào thi đua với mục tiêu phát triển toàn diện trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, phát triển khu vực nông thôn và thay đổi đời sống người nông dân.

bt5.jpg

Với sự chăm chỉ, cần cù, biến những tiềm năng thành lợi thế để phát triển, nông dân Bảo Thắng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, đến nay, huyện đang có hơn 3.500 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong xây dựng nông thôn mới, nông dân là lực lượng nòng cốt, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để thực hiện các công trình, phần việc. Riêng trong năm 2022, hội viên nông dân trên địa bàn huyện hiến gần 7.000 m2 đất, đóng góp hơn 12,6 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; trên 97% gia đình hội viên nông dân đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Việc học và làm theo Bác thời gian qua đã cho thấy hình ảnh, vai trò của nông dân Bảo Thắng ngày càng quan trọng trong xây dựng, kiến thiết quê hương. Khát khao về cuộc sống sáng tươi, về dựng xây quê hương phát triển đã đánh thức quyết tâm, thôi thúc sự vươn lên, tinh thần đoàn kết, cống hiến của người nông dân trong xây dựng Bảo Thắng trở thành huyện phát triển của tỉnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website