Đồng bào Tây Nguyên chưa được đón Bác về thăm, nhưng với tình cảm thiêng liêng và sâu nặng, trong tâm trí mỗi người dân trên đại ngàn hùng vĩ luôn in đậm hình ảnh Bác Hồ, để trong mỗi hành động, mỗi việc làm như luôn có Bác, quyết tâm xây dựng buôn làng giàu đẹp, văn minh.
Trong Thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam họp tại Pleiku, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xơ Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Thực hiện lời dạy của Người, ngay sau Đại hội, các đại biểu nhanh chóng trở về buôn làng, vận động quần chúng, tổ chức các lễ hội cộng đồng, bày tỏ niềm tin tuyệt đối của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Đặc biệt, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, mặc dù đói cơm, lạt muối, ăn lá, măng rừng, vô cùng gian khổ, nhưng hàng vạn đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hăng hái gia nhập quân đội cách mạng, tham gia du kích, lập làng kháng chiến, cầm súng bảo vệ quê hương. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng bào Tây Nguyên phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất, kề vai, sát cánh, anh dũng cầm súng chiến đấu chống giặc, đem hết sức mình xây dựng, bảo vệ cách mạng, lập nên những chiến công vang dội.
Tác phẩm “Nghe lời Bác dạy” của họa sĩ Vương Trình. Ảnh: toquoc.vn
Ngày 30/11/1968, trong điện gửi đồng bào chiến sĩ Tây Nguyên, Bác Hồ khen ngợi: “Quân và dân Tây Nguyên, già, trẻ, gái, trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua giết giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Người căn dặn: “Ðồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên đã đoàn kết càng phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng không ngừng, phát huy mạnh mẽ thắng lợi đã giành được, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch, ra sức củng cố và phát triển vùng giải phóng và phục vụ tiền tuyến”.
Khắc ghi lời dạy của Bác, trong mọi giai đoạn cách mạng, đồng bào Tây Nguyên luôn phấn đấu kiên cường, đấu tranh bền bỉ; cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, làm nên những kỳ tích anh hùng, hiển hách.
Sau ngày đất nước thống nhất, tiếp tục thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước có sự đầu tư lớn cả về sức người, sức của; khai thác vùng đất giàu truyền thống cách mạng; giàu tiềm năng, thế mạnh, đầu tư xây dựng để Tây Nguyên phát triển, vững bước đi lên cùng cả nước. Ngày 18/1/2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị, quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 là 7,98%, tốc độ tăng GRDP và các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Tây Nguyên đều cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước 1,254%.
Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, ý chí, khát vọng và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước về xây dựng vùng Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững.
Ngày 15/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 22/11/2022, kết luận Hội nghị triển khai Nghị quyết số 152/NQ-CP tại thành phố Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên gói gọn trong 8 chữ “Đột phá - Bao trùm - Toàn diện - Bền vững”.
Trên vùng đất Tây Nguyên bất khuất, những người chủ của núi, của rừng đã và đang phấn đấu kiên cường, bền bỉ, vững niềm tin đi tới. Tháng Năm - trên những lô cao su, cà phê, chè, hồ tiêu xum xuê, xanh tốt, âm hưởng lời ca bài hát “Tình ca Tây Nguyên” văng vẳng giữa đất trời xanh thẳm: “Bài ca Tây Nguyên, em yêu trọn đời, cầm tay anh dắt em đi trên đường dài”. Đó chính là con đường sáng mà đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mãi mãi vững tin theo Đảng, Bác Hồ kính yêu.
Nguyễn Chiến
Theo https://www.baokontum.com.vn