(HCM.VN) – Anh là người có nhiều sáng kiến trong các phong trào thi đua lao động của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và cũng là người đầu tiên đặt chân xuống mức -300m - độ sâu kỷ lục của ngành than vào thời điểm năm 2011, mở ra một giai đoạn chinh phục độ sâu mới của toàn ngành.
Chính mẫu chân của anh ở độ sâu -300m ấy đã được đúc bằng đồng và hiện nay đang được trưng bày trang trọng tại phòng Truyền thống của Công ty CP Than Hà Lầm, nơi anh đang công tác.
|
Anh Nguyễn Trọng Thái (mũ trắng) cùng đồng đội trước giờ vào ca. (Ảnh: NVCC) |
Sinh năm 1974, đến nay, Nguyễn Trọng Thái (quê Hải Dương), đã có 21 năm trong nghề thợ đào lò, và làm duy nhất ở một đơn vị - Công trường kiến thiết cơ bản 1 (chuyên mở những đường lò cơ bản phục vụ các đơn vị khai thác than), thuộc Cty cổ phần than Hà Lầm, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Anh hiện giờ là tổ trưởng, tổ gồm 38 thành viên. Được biết, ở Cty cổ phần than Hà Lầm, ai làm tổ trưởng thì tổ mang tên người đó, như một cách vừa khích lệ tinh thần làm việc cũng như tăng trọng trách của người đứng đầu. Anh giữ chức vụ này đã hơn 15 năm, một phần bởi như anh nói chỉ muốn làm lính chiến, dù cùng trang lứa với anh, nhiều người đã lên chức cao.
Được biết, đội kiến thiết cơ bản như tổ của anh Thái là những người tiên phong đi mở đường nên rất vất vả, nguy hiểm. Anh Thái cho biết, “chỉ riêng sức nóng và độ ngạt thôi cũng kinh khủng rồi, vì thông thường, chúng tôi chỉ mở đường lò chính tới các vỉa than, nên hầu hết các đường lò đều là đường độc đạo, chứ không có phần thoáng và mát như sau khi các đơn vị khai thác mở thông nhiều đường.” Tuy nhiên, từ yêu nghề, anh Thái đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công việc để vơi bớt khó khăn, đem lại hiệu quả và năng suất cao hơn. Năm nào ít anh có 3-4 sáng kiến. Có năm anh là tác giả của hơn chục sáng kiến, trong đó có sáng kiến được cấp bằng sáng chế. Trừ mấy năm đầu mới vào nghề, còn sau đó, năm nào anh cũng lọt vào diện thợ đào lò xuất sắc nhất của tập đoàn. Anh cũng nằm trong số ít người giành danh hiệu chiến sĩ thi đua của tập đoàn 10 năm liền.
Hơn 20 năm trong nghề, điều anh Thái thấm thía nhất đó là: công việc trong lòng đất đòi hỏi một sự hiệp đồng chặt chẽ, sản phẩm làm ra không phải của riêng ai, chỉ một sơ suất thì không phải chỉ ảnh hưởng đến năng suất làm việc cũng như thu nhập chung của tổ mà nguy hiểm hơn là đe dọa đến tính mạng của đồng đội. Nghề đã đào tạo anh trở thành người có trách nhiệm với công việc, có tinh thần đoàn kết và tính can trường, ga dạ. Người thợ tiên phong luôn phải có ý chí của người đi đầu. Và giờ đây, với cương vị của một người thợ bậc cao, tôi luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, phải là nòng cốt, là người tiên phong, là người anh để quy tụ anh em đồng nghiệp.
Anh Thái tâm sự “trước hết mình phải là người làm tốt công việc của cá nhân được giao, rồi đến việc kèm cặp, hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp cùng làm tốt vì sản phẩm là kết quả làm việc của cả tập thể, cả dây chuyền, không phải là phép cộng số học đơn thuần. Do đó, những kinh nghiệm, bài học được đúc rút trong lao động sản xuất của bản thân cũng như của đồng đội đều phải được tập thể trao đổi cặn kẽ để chuyển thành kỹ năng của mỗi thành viên trong tổ, để tạo được ê kíp làm việc nhịp nhàng, trách nhiệm và hiệu quả. Tập thể anh em tổ tôi nhận thức sâu sắc rằng làm gì cũng phải do đơn vị, vì đơn vị, phải tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua trong đơn vị, phải hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ được giao; song làm như thế nào thì lại phải do mình. Đã đi làm thì phải làm có năng suất, việc hôm nay không để đến ngày mai, phải đảm bảo an toàn cho mình và cho đồng đội, phải có thu nhập cao, không thể thua kém bạn bè, đồng nghiệp”.
Và như vậy, hàng ngày đi làm, anh Thái và anh em trong tổ luôn trăn trở nghiên cứu, tìm tòi để có biện pháp, có cách làm an toàn hơn, giảm nhẹ sức lao động hơn nhưng năng suất cao hơn, tiết kiệm hơn, thu nhập cao hơn. Bằng cách nghĩ, cách làm và tinh thần trách nhiệm như vậy, hơn 20 năm công tác ở Công ty CP Than Hà Lầm, anh đã có hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất rất có giá trị kinh tế cao - là một trong những cá nhân tiêu biểu dẫn đầu phong trào này ở Tập đoàn TKV. Sáng kiến mà anh tâm đắc nhất là “dập bụi trong khi thi công bằng cách sử dụng bơm áp lực, bơm nước”.
Hơn 15 năm thống lĩnh tổ thợ đào lò mang tên mình, đơn vị của anh luôn duy trì ở vị trí đứng đầu: Năng suất cao nhất và ít sự cố nhất. Liên tục 7 năm liền (2001 - 2007), Tổ sản xuất Nguyễn Trọng Thái luôn đạt năng suất kỷ lục dẫn đầu Tập đoàn về sản lượng đào lò với mức bình quân từ 2,1 - 2,4m/ca, tính bình quân Tổ đào được khoảng hơn 3.000 m đường lò/năm.
Anh là một trong số 19 cá nhân trong cả nước, cũng là cá nhân duy nhất của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam được vinh danh tại chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2014.
Anh là nhóm trưởng nhóm thợ lò đặc biệt tinh nhuệ, có kinh nghiệm và thành tích xuất sắc trong công tác đào lò của Tập đoàn TKV tích cực tham gia cứu hộ ở vụ sập hầm thủy điện của Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (tỉnh Lâm Đồng) vào cuối tháng 12 năm 2014 vừa qua.
Với những cống hiến không mệt mỏi cho Công ty CP Than Hà Lầm nói riêng, Tập đoàn TKV nói chung, anh vinh dự được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (năm 2007); Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2010); Chiến sỹ thi đua Bộ Công Thương (năm 2012); Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh (năm 2013); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2016 vì có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.
Hiền Hòa