Năm 1895, khi đó mới 5 tuổi, Nguyễn Sinh Cung theo cha từ Nghệ An vào Huế lần thứ nhất. Năm 1901, khi mẹ mất, Nguyễn Sinh Cung cùng cha quay trở lại Nghệ An và đổi tên là Nguyễn Tất Thành.
Năm 1906, khi 16 tuổi, Nguyễn Tất Thành lần thứ hai theo cha rời Nghệ An vào Huế. Từ đây, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã liên tục di chuyển vào phía Nam, vừa học tiểu học, vừa trau rồi vốn chữ Hán, vừa học thêm tiếng Pháp; rồi tham gia dạy học và bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước.
Năm 1911, tại Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn – Gia Định), Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Văn Ba đã xuống tàu buôn Latouche-Tréville làm đầu bếp và xuất dương sang Pháp, bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách phong kiến, thực dân.
Năm 1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại, Nguyễn Tất Thành, lúc này đã là Nguyễn Ái Quốc, quay trở về Việt Nam lãnh đạo phong trào cách mạng; và cùng với những người đồng chí của mình chỉ đạo thực hiện thành công Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chính quyền phong kiến, thực dân, giải phóng dân tộc, giành lập độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam; thành lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.
Tiếp theo những năm tháng sau đó, trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vừa xây dựng kiến thiết đất nước, vừa đấu tranh với giặc ngoại xâm, Người vẫn chưa có dịp trở lại thăm quê hương Nghệ An.
|
Bác Hồ về thăm lại ngôi nhà xưa ở làng Kim Liên trong lần đầu về thăm quê sau 51 năm xa cách (ngày 14/6/1957) - Ảnh tư liệu |
Mãi đến năm 1957, Bác mới có dịp trở lại thăm quê hương Nghệ An sau 51 năm xa cách. Đó là ngày 14/6/1957. Có một điều rất đặc biệt là khi ấy Bác Hồ về thăm lại quê hương không phải với cương vị Chủ tịch nước, mà chỉ với tư cách là một người con đi vắng xa nhà rất lâu, nay thăm lại quê cha, đất mẹ, thăm lại nơi chôn rau, cắt rốn, thăm lại bạn bè, bà con lối xóm với tình cảm rất đỗi giản dị và thân thương, bồi hồi, xúc động.
Theo nhiều nhân chứng kể lại, sáng ngày 14/6/1957, khi Bác Hồ vừa đến Nghệ An, một đồng chí lãnh đạo tỉnh mời Bác đi vào nhà khách mới được xây dựng, nhưng Bác ngăn lại: "Bác xa nhà, xa quê đã lâu rồi nên phải về thăm nhà trước đã. Nhà khách là dành để tiếp khách, cho khách ở. Bác là người nhà chứ có phải là khách đâu!".
Rồi Bác về luôn làng Kim Liên (huyện Nam Đàn), thăm lại ngôi nhà xưa nhân dân làng Kim Liên dựng cho thân phụ của Bác là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Bác đứng tần ngần, nhìn bao quát hai ngôi nhà và chỉ cho những người đi theo, đâu là nơi trồng cây ổi, chỗ nào có cây thanh yên... đã mọc trên mảnh vườn xưa của nhà Bác.
Bác đi vào nhà, đi đến đâu cũng chỉ cho mọi người vị trí đặt, để các đồ vật. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của Bác. Bác Hồ lại đi ra sân, đứng ngắm lại ngôi nhà đã gắn bó một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời Bác. Ngôi nhà này là nơi chứng kiến quá trình lao động, học tập và trưởng thành của Bác; là nơi ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước, về nhận thức xã hội và ghi dấu những hoạt động cứu nước bước đầu của Người. Ra phía sau nhà, một cụ già hàng xóm bước ra chào Bác và hỏi: “Bác còn nhớ tôi không?”. Bác lấy tay vỗ trán một lúc, nói: “Có phải Điền không”?. Ông Hoàng Điền chạy lại ôm lấy người bạn chăn trâu, thả diều thuở ấu thơ, và khóc vì quá xúc động.
Sau đó, Bác ra nói chuyện với đồng bào, mở đầu bằng một câu thơ: “Quê hương nghĩa trọng tình cao. Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình” với giọng trầm ấm của người gốc xứ Nghệ. Bác Hồ bùi ngùi nhớ lại khi ra đi quê hương còn nô lệ, nay trở về rất đỗi vui mừng vì đất nước được tự do, đồng bào no ấm. Bác dặn dò: “Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm”. Nhiều người dân xúc động không kìm được nước mắt trước tình cảm quê hương sâu đậm trong trái tim vị lãnh tụ, dù xa nhà đã hơn 50 năm.
Trước khi lên ôtô, Bác Hồ tặng 5 gói trà Ba Đình cho các cụ và mấy gói kẹo Hà Nội cho các cháu thiếu nhi trong làng.
Chiều hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hơn 3.000 đại biểu cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An. Phấn khởi trước sự họp mặt đông đủ các tầng lớp nhân dân, Bác đọc câu thơ:
“Chúng ta đoàn kết một nhà,
Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu”.
Sau đó, Bác nói: "Tôi là một người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay là lần đầu trở về thăm tỉnh nhà. Có thể nói là:
Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!".
Bác khen ngợi những thành tích mà tỉnh Nghệ An đã giành được trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và trong 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế; nêu một số khuyết điểm mà cán bộ và nhân dân Nghệ An cần khắc phục như chưa chú ý đến vấn đề thực hành tiết kiệm; chưa làm tốt nghĩa vụ thuế và trả nợ cho Nhà nước.
Về nhiệm vụ của cán bộ và nhân dân Nghệ An, Bác chỉ rõ: cải thiện đời sống của nhân dân là mục đích của Đảng và Nhà nước, nhưng phải hiểu rõ muốn cải thiện sinh hoạt thì phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, phải có thời gian phấn đấu. Bác Hồ nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể trước mắt mà đồng bào và cán bộ Nghệ An phải chú ý thực hiện là: Phải làm tốt công tác sửa sai; hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế và trả nợ cho Nhà nước; phòng chống thiên tai; thực hiện đoàn kết; phát triển nếp sống thuần phong, mỹ tục, thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước. Kết thúc buổi họp mặt, tất cả mọi người cùng hát bài “Kết đoàn” trong không khí thân tình, vui vẻ.
Buổi tối, Bác Hồ thăm Bộ Tư lệnh Quân khu 4, có văn công quân khu biểu diễn. Ban Tổ chức xếp hai hàng ghế sa-lông và hai ghế đệm trước sân khấu. Khi vào hội trường, với tác phong giản dị, gần gũi như khi vẫn còn ở quê hương, Bác đặt dép, ngồi trên đôi dép. Thế là hai hàng ghế không có ai ngồi phải khiêng ra. Trong buổi diễn, một nữ diễn viên ngâm bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” làm Bác vô cùng xúc động…
Ngày 18/12/1961, Bác Hồ còn về thăm lại quê hương Nghệ An một lần nữa. Nhưng người dân Nghệ An, nhất là người dân Nam Đàn vẫn nhớ như in những kỷ niệm và tình cảm giản dị, mộc mạc, chân tình, xúc động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 14/6/1957, khi lần đầu Bác về thăm quê.
|
Trong ngôi nhà xưa ở làng Kim Liên, Bác Hồ xúc động bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày còn thơ ấu (Ảnh tư liệu) |
Năm 1989, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bác Hồ, nhạc sĩ Thuận Yến đã sáng tác bài hát “Người về thăm quê” với giai điệu thật cảm động, gợi lại những kỷ niệm những lần Bác Hồ về thăm quê hương khiến cho người nghe xúc động trào dâng nước mắt:
“Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương.
Người về đây thăm làng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha.
Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ,
Thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo.
Đi suốt cuộc đời mới được thăm quê hương.
Gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt cửi,
Gặp lại giọng trầm đêm trăng cha làm thơ,
Gặp lại tuổi thơ khi nghe hát câu đò đưa”…
-----------------
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 5 (1955-1957);
- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10 (1955-1957);
- Báo Gia đình và Xã hội
- Báo Lao động
Ban Tư liệu - Văn kiện