Đồng bào Tây Nguyên với Bác Hồ

 

Ông Phạm Hùng Anh ở thôn Tân Quý, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pác ( Đắk Lắk)
Ông Phạm Hùng Anh ở thôn Tân Quý, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pác (Đắk Lắk) bên các tranh ảnh, sách báo và các tài liệu mà ông sưu tầm về Bác Hồ.

Cứ vào dịp sinh nhật Bác, bà con buôn Bu Yúk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk lại sum vầy trong căn nhà nhỏ của bà H’Yiêng Đắk Chắt, để nghe bà kể lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ. Vào năm 1963, khi tham gia giao liên gùi tải đạn dược, lương thực tiếp tế cho khu căn cứ H10, H’Yiêng bị địch phục kích bắn trọng thương, nên được tổ chức đưa ra bắc để chữa trị. Sau khi hồi phục, H’Yiêng đi học văn hóa. Trong thời gian này, H’Yiêng được gặp Bác Hồ. Bà xúc động kể: Đó là vào một buổi sáng tháng 3-1964, tôi và một số anh, chị em được thông báo chuẩn bị đi gặp Bác Hồ. Lúc đó, mình cứ cuống cả lên, quên cả rét, chỉ kịp lấy một chiếc khăn quàng cổ, cùng bộ đồ thổ cẩm rồi lên xe. Đến Phủ Chủ tịch, mọi người không ai chịu ngồi mà đều đứng ở tiền sảnh để đón Bác. Khi thấy Bác bước từ đằng xa đến, dang rộng vòng tay đón mọi người, chúng tôi chạy ùa lại đón Bác, như những người con lâu ngày được gặp lại các ama, amí. Ai cũng muốn được đứng thật gần Bác, để được nghe Bác nói. Tôi vinh dự được đứng cạnh Bác. Là một lãnh tụ, nhưng Bác thật giản dị và gần gũi. Bác hỏi tôi: Vết thương của cháu đã khỏi chưa? Ở trong đó bố mẹ còn sống không, cuộc sống ra sao, có đói cơm, lạt muối không? Nghe Bác hỏi, tôi khóc rưng rức. Bác vỗ về căn dặn: Hãy vững tin vào cách mạng, cố gắng học thật giỏi để phục vụ đất nước sau này… Sau ngày giải phóng, được trở về buôn làng, ghi nhớ lời dạy của Bác, H’Yiêng luôn động viên chồng, con, người thân và bà con trong buôn, trong xã chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo con cái học hành chu đáo… Bí thư Đảng ủy xã Đác Phơi Y Hiếu H’mốk cho biết: Ở xã Đắk Phơi, bà H’Yiêng là người may mắn được gặp Bác Hồ. Với tấm lòng sắt son, một lòng vì cách mạng của bà, trở thành bài học quý giá cho thế hệ sau học tập, phát huy trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

Ở Tây Nguyên, những người may mắn được gặp Bác Hồ không nhiều và với họ, những lần được gặp Bác là thời khắc, kỷ niệm sâu đậm, khó quên nhất trong cuộc đời. Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Thị Xuân La, dân tộc H’Re theo cha mẹ tập kết ra Bắc năm 1954, được tạo điều kiện học ở Trường Dân tộc Trung ương, sau đó nhờ có năng khiếu múa, được tuyển vào Đoàn Nghệ thuật nhân dân Tây Nguyên. Trong thời gian học ở miền Bắc, Xuân La chỉ một lần được gặp Bác, nhưng đã ghi đậm trong chị suốt cả quãng đời làm nghệ thuật và tham gia cách mạng. Chị kể: Khi ấy, tôi khoảng sáu, bảy tuổi, đang chơi trò bập bênh với một cậu bạn ở sân, bỗng nhiên có tiếng reo: Bác Hồ đến! Bác Hồ đến! Cậu bạn bất ngờ nhảy xuống làm tôi mất thăng bằng rơi xuống đất, đau quá tôi khóc thét lên. Bỗng Bác đến bế tôi hỏi vì sao khóc, cho kẹo rồi vỗ về. Lúc ấy, tôi cũng chưa biết nhiều về Bác Hồ, chỉ thấy một ông già râu tóc bạc phơ, hiền hòa bế mình, cảm giác yên tâm vì gần gũi nên không khóc nữa. Tuy vậy, tôi còn nhớ rất rõ hôm ấy, Bác nói chuyện nhiều lắm, khi ấy tôi còn nhỏ không nhớ nhiều, nhưng hiểu đại ý lời Bác nói rằng, miền Nam đang thắng lớn, các cháu là “Hạt giống đỏ” của miền Nam, phải học thật tốt, chăm ngoan, đoàn kết... Khắc ghi lời dạy của Bác, chị Xuân La đã không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, đóng góp cho cách mạng và đồng bào Tây Nguyên. Năm 1997, chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, từng là Phó đoàn nghệ thuật Đam San, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Gia Lai và bây giờ dù đã về hưu, nhưng chị vẫn thường xuyên tham gia đóng góp vào việc truyền dạy cho thế hệ sau những kỹ năng nghề múa.

Dù Bác Hồ chưa một lần đến Tây Nguyên, nhưng đồng bào ở đại ngàn luôn dành cho Bác những tình cảm thương yêu nhất, sâu đậm nhất. Tình cảm của người dân Tây Nguyên với Bác đã đi vào những câu chuyện, thơ ca, những việc làm cụ thể hằng ngày. Dù không có tín ngưỡng thờ cúng, nhưng sau khi Bác mất đến nay, nhà nhà đều lập bàn thờ và treo ảnh Bác với niềm kính yêu vô hạn.

Về các buôn làng Tây Nguyên hôm nay, niềm tin, lòng kính yêu của đồng bào với Bác không chỉ là lời nói mà đã trở thành những hành động, việc làm cụ thể thiết thực hằng ngày. Ông Phạm Hùng Anh ở thôn Tân Quý, xã vùng sâu Vụ Bổn, huyện Krông Pác, tỉnh  Đắk Lắk, năm nay 85 tuổi, nhưng đã hơn 50 năm miệt mài sưu tầm tranh, ảnh, sách báo và các tài liệu liên quan đến Bác. Công việc thầm lặng của ông không chỉ vun đắp tình yêu, sự kính trọng với vị lãnh tụ của dân tộc, mà còn góp phần làm lan tỏa tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho người dân ở địa phương. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhà cửa chật hẹp, nhưng ông luôn dành không gian sang trọng nhất trong phòng khách của gia đình, đặt tủ tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 50 năm qua, dù một bức ảnh, một quyển sách cũ, một bài báo viết về Bác đều được ông trân trọng giữ gìn. Lặng lẽ, miệt mài sưu tầm, kho tư liệu về Bác của ông cứ dày thêm. Đến nay, ông đã có gần 1.000 bức ảnh, tư liệu về Bác. Ngôi nhà nhỏ của ông trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh, người dân địa phương khi tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp của Bác Hồ.

Khó có thể kể hết những tình cảm, những câu chuyện cảm động mà đồng bào Tây Nguyên dành cho Bác Hồ kính yêu. Với niềm tin yêu vô hạn dành cho Bác, trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng bào Tây Nguyên luôn sát cánh cùng đồng bào cả nước, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Cũng với niềm tin ấy, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay, đồng bào Tây Nguyên luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu phá hoại của kẻ xấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, ra sức lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đẩy lùi đói nghèo lạc hậu, xây dựng buôn làng, Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.

 

Công Lý, Phan Hòa

Theo nhandan.com.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website