Bác Hồ với thiếu nhi đất Cảng

 

Bác Hồ thăm Trường Nhi đồng miền Nam tại Hải Phòng. (Ảnh tư liệu)
Trong lần về thăm Hải Phòng ngày 20/10/1946, Bác từ Pháp trở về nước qua bến Ngự, lần đầu tiên Người đặt chân đến Hải Phòng. Tại đây, sau khi lên bờ, Bác dự lễ chào cờ và duyệt đội danh dự Việt - Pháp. Phần nghi lễ xong, Bác quay lại bến Ngự cám ơn các đoàn đại biểu nhân dân. Đặc biệt, Bác đã giang tay đón và ôm hôn thật chặt hai em thiếu nhi chạy tới bên Bác. Hình ảnh xúc động của vị Lãnh tụ tối cao với thiếu nhi đất Cảng trong lần đầu tiên ấy vẫn còn lưu giữ trong tâm trí nhiều thế hệ người Hải Phòng đến tận hôm nay.
 
Ngày 2/6/1955, Bác trở lại thăm Hải Phòng (lần thứ hai), tức là chỉ 20 ngày sau khi thành phố được giải phóng (ngày 13/5/1955). Trong khi nói chuyện với cán bộ lãnh đạo, đại biểu nhân dân thành phố, Bác có nhắc lại những kỷ niệm ân tình với nhân dân Hải Phòng, trong đó có tình cảm của các cháu thiếu nhi. Bác nói đại ý: Tuy xa cách nhưng Đảng, Chính phủ và tôi luôn luôn nhớ đến đồng bào. Tôi thường nhận được thư của các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, nhi đồng và của anh chị em công nhân Hải Phòng bí mật gửi lên Việt Bắc. Rồi Bác căn dặn, giao nhiệm vụ cho các ngành, các giới, trong đó, đối với công tác giáo dục thiếu nhi, Bác nhắc nhở “Anh em trí thức thì thi đua xây dựng lại nền văn hóa dân tộc của ta, giáo dục con em trở thành những công dân tốt”.
 
Riêng với thiếu nhi, Bác dặn: “Các cháu nhi đồng nên ngoan ngoãn, chăm học, siêng làm, giúp đỡ cha mẹ, thương yêu bạn bè”.
 
Trong lần thứ Ba (ngày 30 và 31/5/1957) về thăm thành phố, ngoài lịch đến thăm công nhân Nhà máy Xi măng, Cảng Hải Phòng và thủy thủ tàu HC.15, Quân y viện 7; Bác đã dành thời gian đến thăm Trường Nhi đồng miền Nam và Trường Kim Đồng. Khi đến Trường Nhi đồng miền Nam (trên đường Lạch Tray), Bác đề nghị các giáo viên, phụ trách cho các cháu xếp ghế ngồi xung quanh Bác. Bác ân cần thăm hỏi tình hình học tập, sức khỏe của các cháu, chụp ảnh chung và cùng liên hoan với các cháu. Đặc biệt cảm động, khi Bác dặn cán bộ, giáo viên: “Bác để ý thấy có hai ba cháu còn đau mắt, các cô các chú phải tra thuốc cho các cháu mau lành nhé”.
 
Ngày 31/5/1957, Bác vào thăm Trường Kim Đồng Hải Phòng (nay là địa điểm khoa Mắt của Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp). Vốn dĩ đây là một trại trẻ, được lập từ đầu thế kỷ 20 để gom các trẻ em lang thang, mồ côi; năm 1955, được đổi là Trường Kim Đồng để nuôi dạy trẻ mồ côi. Vừa bước vào trường, Bác đã nhắc nhở phải tháo dỡ ngay hàng rào dây thép gai bao quanh trường (do trước đó, có nhiều trường hợp các cháu trốn trại). Sau đó, Bác vào thăm từng phòng ở, phòng ăn, phòng học và nơi các cháu vui chơi. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe các cháu cùng các thầy cô giáo. Bác ân cần khuyên các cháu cần nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ vững kỷ luật, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, chăm chỉ học hành. Còn các thầy, các cô phải làm cho các cháu coi đây như là ngôi nhà của mình, như chính người thân của mình. Đến đây, mọi người mới thấu hiểu được vì sao, Bác lại yêu cầu dỡ bỏ hàng rào dây thép gai trước đó.
 
Trong các ngày 31/3 và 1/4/1959, lần thứ Tư, Bác lại về thăm Hải Phòng. Khi vượt biển ra thăm nhân dân đảo Cát Bà, Cát Hải, Bác đã rất chú ý thăm hỏi tình hình làm ăn, sinh sống của ngư dân, của bà con người Hoa trên đảo, nhất là việc ăn học của trẻ em, con cháu của các ngư dân làng cá… Trong bài nói chuyện với cán bộ, nhân dân huyện đảo, với giọng thân mật, Bác khen ngợi nhân dân trong huyện, ngoài việc đã tích cực tham gia vào tổ sản xuất và hợp tác xã, tăng gia sản xuất đạt nhiều thành tích”, đã biết quan tâm chăm lo để “con em ng­­ư dân có nơi để học tập, các xã ở xa, khó khăn cũng có tr­­ường lớp”. Bác căn dặn phải “…đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để đời sống nhân dân ngày một ấm no hạnh phúc… tăng c­­ường đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, chăm chỉ học tập xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa tốt hơn”.
 
Khi trở về khu vực nội thành, Bác đến thăm Trường Học sinh miền Nam số 7. Bác thăm khu vực nhà bếp, nhà ở và nói chuyện với hơn 500 cán bộ, giáo viên và học sinh của trường. Người căn dặn thầy trò phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, học tập giỏi, lao động giỏi và luôn tiến bộ. 
 
Trong lần thứ sáu về thăm Hải Phòng (ngày 18/1/1960), Bác về thăm cán bộ, nhân dân tỉnh Kiến An (cũ). Một kỷ niệm đáng nhớ đối với tuổi nhỏ đất Cảng đến tận hôm nay là việc Bác dành tặng hoa cho thiếu nhi. Số là, khi sắp kết thúc cuộc mít-tinh do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiến An tổ chức đón Bác, Người hỏi: “Có 3 bó hoa Bác tặng cho ai ?” Thấy Ban Tổ chức nói: tặng cho chiến sĩ Binh đoàn bộ đội chủ lực, tặng phụ nữ, thanh niên thì Bác cười: “Phụ nữ, thanh niên không tặng Bác thì thôi”. Vừa nói, Bác vừa bước xuống sân tặng hoa cho một cụ già cao tuổi (cụ Nguyễn Văn Hợp, người xã Tân Phong huyện kiến Thụy); một bó tặng cho một chiến sỹ; bó còn lại, Bác tặng và ôm hôn một cháu nhi đồng trong đoàn thiếu nhi tham dự đón Bác hôm ấy.
 
Lần cuối cùng Bác về thăm Hải Phòng (lần thứ chín, ngày 23/1/1963), Bác vẫn không quên bố trí thời gian trong lịch trình dày đặc của mình để đến thăm Trường học sinh miền Nam số 4.
 
Tại Trường học sinh miền Nam số 4, các cán bộ lãnh đạo, giáo viên, học sinh đón Bác trong hội trường. Bác mặc bộ kaki trắng, đeo khăn quàng đỏ, các cháu quây quần xung quanh. Bác cười rất vui trong vòng vây của trẻ nhỏ. Bác hỏi: Các cháu ở đây có vui không? Các cháu ăn có no không? Rồi Bác lấy kẹo chia cho các cháu. Em Minh Hiền, một học sinh ngoan, hát hay được cử lên hát cho Bác nghe. Tiếp đó, Bác cầm đàn ghita của đội văn nghệ nhà trường, đệm đàn cho thầy trò cùng hát bài “Kết đoàn”. Khi ra về, Bác chúc thầy trò nhà trường năm mới học tập tốt, thực hiện 5 điều Bác dạy và thi đua với thiếu nhi Tiệp Khắc.
 
Những câu chuyện trên đây đã trở thành lịch sử song nó vẫn còn lưu truyền sâu đậm trong tâm khảm các thế hệ tuổi thơ và nhân dân Hải Phòng hôm qua, hôm nay và mai sau về tấm lòng nhân ái, tình yêu thương bao la của Bác - vị Cha già kính yêu của dân tộc./. 
 
 

Vương Giao Tuyến


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website