Phát huy vai trò của “binh chủng báo chí”, tạo động lực mới thi đua yêu nước

 

Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay, trên tất cả các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều phong trào TĐYN, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Trong việc tổ chức các phong trào TĐYN, công tác tuyên truyền có vị trí, vai trò rất quan trọng, nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về TĐYN, những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; về nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; phát hiện, biểu dương và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến (ĐHTT), gương “người tốt, việc tốt” trong các ngành, các cấp, các lĩnh vực, ngành nghề; hướng dẫn, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hành động cách mạng, thúc đẩy các phong trào TĐYN phát triển mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của từng ngành, từng địa phương, kế hoạch công tác của từng cơ quan, đơn vị và của cá nhân.

Nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương báo cáo
Nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương báo cáokết quả sản xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh (31-5-1957). Ảnh tư liệu.

Trong công tác tuyên truyền về các phong trào TĐYN, tuyên truyền trên báo chí là một kênh tuyên truyền phổ biến, hiệu quả và tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Cả nước ta hiện có 858 cơ quan báo chí in, 105 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí, 66 đài phát thanh, truyền hình, với gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ đang hoạt động trên khắp mọi vùng, miền của Tổ quốc và ở nước ngoài. Báo chí là một “đội quân” hùng hậu - là một “binh chủng” lớn mạnh nhất tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền các phong trào TĐYN, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xã hội, cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Vì vậy, huy động được sức mạnh của các cơ quan báo chí tham gia vào công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên các phong trào TĐYN là một nhiệm vụ quan trọng.

Thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí luôn coi việc tuyên truyền các phong trào TĐYN là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và thực hiện nhiệm vụ này bằng nhiều phương thức, hình thức thể hiện trên các loại hình báo chí khác nhau. Hầu hết các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đều thường xuyên dành thời gian, thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, tổ chức các cuộc thi viết, tọa đàm, giao lưu trực tuyến để tuyên truyền, phổ biến những thành quả của các phong trào TĐYN trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, giới thiệu các nhân tố mới, ĐHTT, gương “người tốt, việc tốt”, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân được khen thưởng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xã hội. Điển hình như: Báo Nhân Dân với chuyên mục “Gương sáng, việc hay”, “Người tốt, việc tốt”; Báo Quân đội nhân dân với chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Quân đội tham gia xây dựng nông thôn mới”...; Báo Hà nội mới với chuyên mục “Nét đẹp người Thủ đô”; Báo Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam với chuyên mục “Gương sáng soi chung”... Các cơ quan báo chí đã tuyên truyền, phổ biến rộng rãi việc lấy ý kiến nhân dân về các tập thể, cá nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Đây là một kênh thông tin rất quan trọng giúp Hội đồng Thi đua, khen thưởng các cấp thẩm định, đánh giá khách quan, chính xác về những tập thể, cá nhân được đề nghị tôn vinh, khen thưởng.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ (ngày 7-4-2014) của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”, các cơ quan báo chí đã kịp thời tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân ĐHTT trên các lĩnh vực và các phong trào TĐYN gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ (ngày 14-5-2011) của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. Có thể nói, công tác tuyên truyền trên báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, về tổ chức và thực hiện các phong trào TĐYN - một động lực quan trọng để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Mặc dù có những đóng góp không nhỏ vào công tác tuyên truyền về các phong trào TĐYN, nhưng công tác tuyên truyền trên báo chí cũng còn những hạn chế nhất định cả về nội dung, hình thức thể hiện và tính hiệu quả trong tuyên truyền. Một số cơ quan báo chí chưa coi trọng đúng mức, chưa tiến hành thường xuyên việc tuyên truyền những nhân tố mới, ĐHTT, gương “người tốt, việc tốt”; chưa xây dựng kế hoạch truyền thông về các phong trào TĐYN mang tính tổng thể và lâu dài… Thậm chí, có những thời điểm, thông tin tiêu cực chiếm tỷ lệ lớn trên một số báo in, báo điện tử. Vì vậy, những nội dung cần tuyên truyền về các phong trào TĐYN, phổ biến và nhân rộng các nhân tố mới, ĐHTT chưa đến được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Các nhân tố mới, ĐHTT là kết quả của các phong trào TĐYN. Vì vậy, việc định hướng dư luận, biểu dương và tôn vinh các nhân tố mới ĐHTT, gương “người tốt, việc tốt”, hạn chế và tiến tới đẩy lùi các tiêu cực trong xã hội là việc làm cụ thể và hết sức quan trọng góp phần tích cực đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả các phong trào TĐYN. Yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên truyền các phong trào TĐYN là phải bảo đảm chuyển tải đầy đủ các nội dung thi đua và biện pháp tổ chức thực hiện, phổ biến kịp thời các mô hình, ĐHTT, tạo sự lan tỏa trong xã hội. Hình thức tuyên truyền cần đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền các phong trào TĐYN trên báo chí, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước 5 năm 2016 - 2020, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, tăng cường sự chỉ đạo, định hướng của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đối với công tác tuyên truyền các phong trào TĐYN trên báo chí. Chỉ thị số 34-CT/TƯ (ngày 7-4-2014) của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” đã nêu rõ: “Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền các phong trào TĐYN, mà trọng tâm là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và tuyên truyền, nhân rộng các ĐHTT, người tốt, việc tốt”. Theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí triển khai công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội về tổ chức và thực hiện các phong trào TĐYN trong toàn quốc và phong trào thi đua của từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, biểu dương, tôn vinh các nhân tố mới, ĐHTT, hạn chế và tiến tới đẩy lùi tiêu cực trong xã hội theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Công tác tuyên truyền trên báo chí phải bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của ngành, địa phương, để tạo ra sức mạnh tổng hợp, giải pháp hiệu quả thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ và rộng khắp.

Hai là, các cơ quan báo chí định kỳ hàng năm, quý, tháng xây dựng kế hoạch tuyên truyền các phong trào thi đua, tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng các chuyên đề có chất lượng; đổi mới cách trình bày, hình thức thể hiện các sản phẩm báo chí để tăng sức hấp dẫn đối với công chúng, qua đó góp phần cổ vũ, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Ba là, các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên sơ kết, tổng kết các mô hình, ĐHTT và chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về việc triển khai thực hiện các phong trào TĐYN ở ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình; tạo điều kiện cho phóng viên các cơ quan báo chí tìm hiểu, nghiên cứu tình hình thực tế, qua đó phát hiện các nhân tố mới, ĐHTT để tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng trong xã hội. Việc lựa chọn nhân tố mới, ĐHTT để tuyên truyền, phổ biến phải tạo ra được sự quan tâm của xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả của các phong trào TĐYN.

Bốn là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng tác nghiệp báo chí và hiểu biết về lĩnh vực tuyên truyền cho các phóng viên, biên tập viên, khơi dậy tính sáng tạo trong mỗi tác phẩm báo chí, đa dạng về thể loại, hình thức, phong phú về nội dung. Phân công các phóng viên, biên tập viên có trình độ chuyên môn, chuyên ngành để theo dõi từng lĩnh vực cụ thể. Tổ chức cho phóng viên, biên tập viên đi thực tế ở địa phương, cơ sở để tìm hiểu, phát hiện, viết bài tuyên truyền về những nhân tố mới, ĐHTT. Để tổ chức phong trào thi đua đạt hiệu quả, việc phát hiện nhân tố mới, ĐHTT là nội dung rất quan trọng. Phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cần thu thập đầy đủ các tư liệu liên quan, trực tiếp gặp gỡ để tìm hiểu người thật, việc thật; có như vậy, việc tuyên truyền nhân tố mới, ĐHTT mới chính xác, khách quan.

Năm là, xây dựng và tổ chức đội ngũ cộng tác viên rộng khắp để phát hiện các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong các ngành nghề, lĩnh vực, ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, kịp thời tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng trong xã hội; đồng thời thu hút được trí tuệ của toàn xã hội, nâng cao chất lượng thông tin, tăng cường tính phong phú và đa dạng của thông tin trên báo chí tuyên truyền về các phong trào TĐYN.

Sáu là, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần biểu dương, động viên và khen thưởng kịp thời đối với những cơ quan báo chí có thành tích trong công tác tuyên truyền, những phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên có bài viết, tác phẩm báo chí có chất lượng tuyên truyền về nhân tố mới, ĐHTT, gương “người tốt, việc tốt”.

Công tác tuyên truyền các phong trào TĐYN, phát hiện, phổ biến và nhân rộng những nhân tố mới, ĐHTT thực chất là tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của các mô hình, ĐHTT trong từng lĩnh vực, ngành nghề, ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây là việc làm thường xuyên của các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị; đồng thời là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên truyền, nhằm phổ biến, nhân rộng các nhân tố tích cực trong xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

TS TRƯƠNG MINH TUẤN - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo Báo Quân đội nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website