Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều cách làm hay, mô hình thiết thực, khơi dậy ý thức thi đua học tập, lao động sáng tạo của cán bộ, hội viên. Từ học tập và làm theo Bác đã xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Hội viên phụ nữ xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) tích cực tham gia mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền”.
“Tuổi cao chí càng cao”
Chúng tôi đến xưởng thêu của bà Đinh Thị Phưởng, xóm 8, xã Hải Cường (Hải Hậu) vào một buổi sáng mùa hè oi bức và được chứng kiến không khí làm việc vui vẻ, khẩn trương của các bà, các cô, các chị trong xưởng. Đối với họ, xưởng thêu của bà Phưởng không chỉ là nơi tạo việc làm mà còn là nơi để “gửi gắm”, sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống. Vốn biết nghề thêu, 12 năm trước qua một mối hàng quen, bà Phưởng “đấu mối” được với Công ty Dũng Thành (thành phố Nam Định) nhận thêu kasari phần chân của bộ giáp đấu kiếm để xuất sang thị trường các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh. Chia sẻ về lý do mở xưởng thêu, bà Phưởng cho biết: Sau khi ký được hợp đồng với Công ty Dũng Thành tôi quyết định mở xưởng mặc dù vào thời điểm ấy, tuổi của tôi đã tương đối cao. Lý do để tôi quyết tâm “khởi nghiệp” là vì tôi nhận thấy kỹ thuật thêu kasari đơn giản, dễ nhớ, mẫu mã ít thay đổi, phù hợp với điều kiện lao động của phụ nữ lớn tuổi trong xã. Nếu tôi mở cơ sở thêu sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều người, giúp chị em có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”. Mở xưởng, không quản đường xá xa xôi, bà Phưởng còn thường xuyên có mặt ở thành phố Nam Định để học thêm về mẫu, nhận hàng. Ngoài ra, bà còn động viên các chị em học nghề, hướng dẫn thêm những kỹ thuật thêu phức tạp. Đến nay, xưởng thêu của bà Phưởng đang tạo việc làm cho khoảng 30 phụ nữ, trong đó chủ yếu là người cao tuổi với mức lương từ 2 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài xưởng thêu kasari, bà Phưởng còn có một xưởng đính cườm tạo việc làm cho khoảng 10 lao động nữ trẻ tuổi hơn với mức lương từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, trừ chi phí, bà Phưởng thu về trên 100 triệu đồng. Sau 12 năm mở xưởng, bà Phưởng đã dạy nghề cho hơn 300 lượt hội viên phụ nữ, trong đó đa số là các bà, các cô lớn tuổi hoặc đã về hưu.
Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, bà Phưởng còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể ở địa phương, là hội viên phụ nữ tiêu biểu. Chị Phạm Thị Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Cường cho biết: “Trong các sinh hoạt Hội, bà Phưởng luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, bà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các hội viên phụ nữ khác. Tổ thêu của bà hiện là “địa chỉ” tin cậy cho nhiều người đến học hỏi, tham quan mô hình. Thành công mở mô hình xưởng thêu, xưởng cườm của bà Phưởng đã góp phần cổ vũ, động viên nhiều hội viên phụ nữ nông thôn học tập, khởi nghiệp, làm giàu ngay trên đồng đất quê hương. “Tuổi cao chí càng cao”, bà Phưởng là tấm gương cho các chị em học tập, noi theo”.
Học và làm theo Bác ở Hội Phụ nữ xã ven biển
Hội LHPN xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) hiện có 2.078 hội viên, sinh hoạt ở 11 chi hội. Thi đua làm theo Bác, Hội LHPN xã đã chú trọng việc “làm theo” với các phong trào thi đua, các chương trình công tác Hội như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Rèn luyện phẩm chất phụ nữ Việt Nam: tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM); phụ nữ với các hoạt động vì an sinh xã hội…; xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo làm theo Bác gồm: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Nuôi lợn đất tiết kiệm”, “Quỹ vì phụ nữ nghèo”, “Chi Hội Phụ nữ tiết kiệm tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) - vì sức khỏe gia đình”, “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền”, “Chi hội 5 không, 3 sạch, xây dựng NTM”… Triển khai các hoạt động an sinh xã hội, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức thăm, tặng 52 suất quà cho gia đình hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật, người già neo đơn, trị giá 15,6 triệu đồng; 100% chi hội đã vận động hội viên ủng hộ xây dựng quỹ “Vì phụ nữ nghèo”, mức ủng hộ tối thiểu 5.000 đồng/hội viên; ủng hộ Quỹ học bổng “Hoàng Ngân” với số tiền trên 10 triệu đồng. Đặc biệt, thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, từ năm 2023 đến nay, Hội LHPN xã đã nhận đỡ đầu 5 cháu, kết nối với doanh nghiệp nữ ở địa phương đỡ đầu 5 cháu, mức hỗ trợ 2,4 triệu đồng/cháu/năm… Thực hành tiết kiệm theo gương Bác, Hội LHPN xã cũng đã phát động mỗi cán bộ, hội viên tham gia ít nhất một loại hình tiết kiệm do các cấp Hội Phụ nữ phát động; trong đó thực hành tiết kiệm bằng nhiều hình thức như: Tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm mua BHYT; duy trì mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua BHYT - Vì sức khỏe gia đình” nhằm giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận BHYT. Đến nay, toàn xã đã duy trì 10 nhóm “Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT - Vì sức khỏe gia đình”. Trung bình hàng năm, Hội Phụ nữ xã đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, nhân dân mua được hơn 100 thẻ BHYT, góp phần nâng tỷ lệ bao phủ BHYT trong toàn xã.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hội Phụ nữ xã còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, đặc biệt là hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Hàng năm, Hội LHPN xã rà soát số hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ để lên phương án giúp đỡ phù hợp về vốn, giống; xây dựng kế hoạch giúp 1-2 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Đến nay, Hội LHPN xã đang nhận ủy thác từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên 24 tỷ đồng cho 647 hộ vay vốn. Từ nguồn vốn vay, nhiều chị em trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng màu, trồng hoa, cây cảnh, nuôi trồng thuỷ, hải sản… đem lại thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó đa phần là phụ nữ.
Có thể khẳng định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang góp phần lan tỏa lối sống đẹp, việc làm ý nghĩa; giúp cán bộ hội viên phụ nữ toàn tỉnh nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Từ đó xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng. Nhiều năm liên tục, Hội LHPN xã Phúc Thắng, bà Đinh Thị Phưởng đã được chính quyền các cấp, tổ chức Hội Phụ nữ khen thưởng. Năm 2023, Hội LHPN xã Phúc Thắng được nhận Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào phụ nữ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên
Theo https://baonamdinh.vn