Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong đồng bào các dân tộc của tỉnh Thanh Hóa đã, đang làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần tự lực, tự cường tích cực thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, chung sức xây dựng quê hương.
Được sự tuyên truyền của người có uy tín, người dân thôn Quang Trung, xã Bình Lương (Như Xuân) đã mạnh dạn xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả.
Thôn Quang Trung là điểm sáng trong XDNTM và NTM kiểu mẫu của xã Bình Lương (Như Xuân). Mặc dù là địa phương miền núi nhưng bộ mặt NTM của thôn không thua kém các thôn khu vực miền xuôi. Nhiều tuyến đường nội thôn được bê tông hóa kiên cố, rộng rãi, rợp bóng cây xanh và nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng khang trang. Làm nên dáng hình của một vùng quê đổi mới dưới bóng núi không chỉ có lòng dân - sức dân, mà còn có sự đóng góp của các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn và NCUT thôn Quang Trung, mà tiêu biểu phải kể đến ông Đinh Đình Sơn, NCUT của thôn.
Toàn thôn có 128 hộ dân, với 590 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Thổ, Mường, Kinh cùng chung sống đoàn kết. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Học và làm theo lời dạy của Bác, ông Sơn đã cùng các đồng chí trong chi bộ, Ban công tác mặt trận thôn không quản ngại khó khăn đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người để tuyên truyền, vận động bà con phát huy nội lực “chung sức, đồng lòng” trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương. Nói đi đôi với làm, gia đình ông đã nêu gương hiến 1.600m2 đất và đóng góp 7,450 triệu đồng để mở rộng đường liên gia, liên thôn, giao thông nội đồng. Tin tưởng làm theo ông Sơn, Nhân dân trong thôn đã hiến hơn 7.000m2 đất, 1.400 cây các loại và đóng góp hơn 800 ngày công làm đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, ông còn vận động Nhân dân trong thôn đưa các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Đặc biệt trong thôn Quang Trung hầu hết các hộ dân đều tích cực thực hiện phong trào “Cải tạo vườn tạp” trồng cây ăn quả, xây dựng mô hình rau sạch để nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đời sống của Nhân dân trong thôn ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người trong thôn năm 2023 là 46 triệu đồng.
Thôn Cự Môn, xã Thạch Đồng (Thạch Thành) có 183 hộ, với 808 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm đa số. Với đặc thù thuộc vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập úng cục bộ vào mùa mưa nên việc sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu được điều đó, trong vai trò NCUT, ông Bùi Sinh Tất luôn động viên con cháu, người thân trong dòng họ và người dân trong thôn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại vườn - ao - chuồng, nuôi trồng thủy sản, trồng bí xanh, ớt, chuối tiêu hồng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và để người dân tin tưởng, học tập và làm theo, gia đình ông đã đầu tư đưa giống lúa có năng suất cao vào sản xuất kết hợp với nuôi trâu sinh sản. Hàng năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Kinh tế gia đình phát triển, ông Tất có điều kiện hỗ trợ các hộ dân trong thôn có hoàn cảnh khó khăn vay không lãi suất để đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ đó đời sống Nhân dân thôn Cự Môn từng bước được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 50,4 triệu đồng/người/năm.
Đó còn là “những bông hoa” trong vườn hoa dâng Bác như các ông: Giàng Seo Vảng, NCUT bản Khằm 2, xã Trung Lý (Mường Lát); Thao Văn Sinh, NCUT bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn); Bùi Văn Hóa, NCUT thôn Suội, xã Thiết Ống (Bá Thước); Phạm Hồng Thái, NCUT làng Ngọc Mùn, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc); Mùa A Lo, NCUT bản Suối Tôn, xã Phú Sơn (Quan Hóa); Lang Minh Huyến, NCUT thôn Khẹo, xã Bát Mọt (Thường Xuân); Hà Thanh Mẫn, NCUT bản Mè, xã Yên Khương (Lang Chánh)... Những NCUT ấy đều là những tấm gương trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, XDNTM, đô thị văn minh.
Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi. Trong đó có 1.551 thôn, bản, khu phố của 174 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua bình chọn, suy tôn của Nhân dân, năm 2023, toàn tỉnh có 1.281 NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, những năm qua, đội ngũ NCUT đã phát huy vai trò trên các mặt của đời sống xã hội. Không chỉ gắn bó mật thiết với Nhân dân, giữ vai trò “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với quần chúng Nhân dân, mà họ còn là lực lượng nòng cốt, trong công tác vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp. Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, đội ngũ NCUT luôn tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Đặc biệt, trong XDNTM ở khu vực miền núi, bên cạnh nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và tinh thần đoàn kết, tự lực của đồng bào các dân tộc, còn có sự đóng góp công sức, trí tuệ của đội ngũ NCUT. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn khu vực miền núi đã có nhiều đổi thay với các công trình đường giao thông, nhà văn hóa thôn, bản được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Đến nay, khu vực miền núi trong tỉnh đã có 363/465 xã, 717 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Bài và ảnh: Trần Thanh
Theo https://baothanhhoa.vn