Bằng việc cụ thể hóa các nội dung học tập và làm theo Bác trong lao động sản xuất và đời sống hàng ngày, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Gia Bình (Bắc Ninh) đã có những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự tập trung lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của nhân dân, xã Nhân Thắng đã vươn lên trở thành điểm sáng về nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Gia Bình. Thành quả đó còn khởi nguồn từ việc xã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nếp nghĩ, việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Đồng chí Đào Duy Phương, Bí thư Đảng ủy xã Nhân Thắng cho biết: “Học và làm theo Bác, Đảng bộ xã, các chi bộ đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, bằng việc đề ra chủ trương phù hợp và khơi dậy được sức dân. Hằng năm, Đảng ủy, chính quyền xã đã cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng NTM... bằng nghị quyết để lãnh đạo, kế hoạch thực hiện”. Theo đó, xã tập trung thực hiện tốt các chương trình kinh tế trọng điểm trong nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Điển hình là phong trào hiến đất mở đường xây dựng NTM. Từ năm 2022 đến nay, thực hiện chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở đường, Nhân Thắng mở rộng được 4,9km đường GTNT, tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng, với 203 hộ dân hiến gần 3.000m2 đất. Đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường GTNT của xã đạt 100%; đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp; các nhà văn hóa khu với đầy đủ trang, thiết bị, có khu vui chơi thể dục, thể thao. Trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn hơn 1%... Với những kết quả này, đến nay Nhân Thắng là địa phương đầu tiên của huyện Gia Bình đạt 19/19 NTM nâng cao.
Để việc học và làm theo Bác góp phần tạo động lực hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, cấp ủy các cấp huyện Gia Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chương trình, kế hoạch, tổ chức quán triệt và triển khai sâu rộng tới các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Trong quá trình thực hiện, huyện coi trọng vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; đưa các nội dung thực hiện việc làm theo vào chương trình công tác toàn khóa, hằng năm, chương trình kiểm tra giám sát của cấp ủy các cấp và nội dung sinh hoạt chi bộ hằng tháng, hằng quý. Đồng thời, lấy kết quả học tập và làm theo Bác là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại hằng năm. Kiên quyết xử lý kỷ luật đối với đảng viên, cấp ủy viên không hoàn thành nhiệm vụ, gây mất đoàn kết nội bộ; chủ động phát hiện và kịp thời ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc của cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong các cấp ủy Đảng.
|
Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước chính là cụ thể hóa việc học và làm theo Bác. Trong ảnh: Người dân Nhân Thắng tích cực xây dựng NTM.
Từ đó, huyện tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các chương trình đề án, dự án trọng điểm về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, tăng cường công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa” liên thông, chuyển đổi mạnh mẽ, xây dựng nền “hành chính phục vụ”, nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc lựa chọn những vấn đề trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết ở địa phương, đơn vị trong thời gian qua được quan tâm thực hiện, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Điển hình như việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ-HU của Đảng bộ huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2020-2025. Đến nay, toàn huyện chuyển đổi 264,4 ha (đạt 75,5% kế hoạch) đất cấy lúa sang các cây trồng khác, trong đó 131,55 ha sang trồng cây hằng năm, 101,27 ha sang trồng cây lâu năm, 31,54 ha sang nuôi trồng thủy sản. Qua chuyển đổi hình thành các vùng sản xuất tập trung: Trồng rau sạch ở Ngăm Mạc (xã Lãng Ngâm); trồng bưởi da xanh ở Định Mỗ, Phúc Lai (xã Xuân Lai)… Huyện hiện có hơn 10 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 6 sản phẩm nông nghiệp là: Rượu quốc lủi rượu gạo nguyên chất 30% vol; rượu gạo thượng hạng Kinh Bắc 30% vol của HTX nông nghiệp sạch Việt Nam (xã Quỳnh Phú); Tỏi đen 1 nhánh của Công ty TNHH Nano Care R&D (xã Xuân Lai); Rượu trắng Bako, rượu nếp cái hoa vàng Bako, rượu táo mèo Bako của hộ Nguyễn Danh Tráng (xã Đông Cứu)…
Những điểm nhấn trên đã chó thấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành động lực, việc làm thường xuyên, liên tục trong mỗi cán bộ, đảng viên, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của huyện Gia Bình. Kinh tế tiếp tục phát triển; sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định; thu ngân sách Nhà nước hằng năm đạt và vượt kế hoạch; việc xây dựng NTM được quan tâm đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng các tiêu chí; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được tăng cường; an sinh xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất của nhân dân tăng cao. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được triển khai đồng bộ, hiệu quả; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh.
Xuân Bình
Theo https://baobacninh.com.vn