|
Ảnh minh họa |
Trước hết, chuẩn mực đạo đức là một hệ thống các tiêu chuẩn, nguyên tắc điều chỉnh hành vi con người được xã hội thừa nhận và qua đó, mỗi con người tự điều chỉnh hành vi theo chuẩn mực đạo đức chung, góp phần bảo đảm trật tự của xã hội theo những thang giá trị đạo đức cụ thể của từng giai đoạn phát triển. Chuẩn mực đạo đức của mỗi tổ chức là các giá trị, triết lý hành động trong những hoàn cảnh nhất định về đối tượng và mối quan hệ cụ thể, được coi là biện pháp thực hành cần thiết để điều hành một tổ chức trong xã hội. Như vậy, có chuẩn mực đạo đức xã hội, chuẩn mực đạo đức công vụ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp…
Chuẩn mực đạo đức công vụ là những giá trị đạo đức và chuẩn mực pháp lý được áp dụng cho đối tượng cụ thể - những công chức trong lĩnh vực hoạt động công vụ. Chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước và nền công vụ nước ta coi là “cái nền”, “cái gốc” của đội ngũ cán bộ, công chức và được gói gọn trong 4 chữ “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”, suy rộng ra là “nhân, nghĩa, trí, dũng, tín”.
Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp dựa trên “cái nền”, “cái gốc” của chuẩn mực đạo đức công vụ, có tính chuyên biệt, quy định bởi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập; thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Các cơ quan, đơn vị cùng một nghề, có cùng chức năng nhưng thực thi công vụ ở địa bàn, đối tượng… khác nhau, sẽ có nhiệm vụ khác nhau thì đạo đức nghề nghiệp cũng khác nhau, đòi hỏi từng cơ quan, đơn vị phải nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để cụ thể hóa, lựa chọn, bổ sung nội dung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp, thiết thực.
Điểm mới quan trọng trong Chỉ thị 05 – CT/TW, ngay 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngoài việc yêu cầu tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến đạo đức công vụ là tính trọng tâm về đối tượng thể hiện rõ tư tưởng chỉ đạo “ trong trước, ngoài sau”, nhất là ở khu vực hành chính sự nghiệp về xây dựng chuẩn mực đạo đức, đó là: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị…”; nâng tầm nhưng vẫn cụ thể về mặt lãnh đạo, chỉ đạo được thể hiện trong Chỉ thị: … với phương châm “ sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện…”; yêu cầu cao hơn đối với việc xây dựng và sử dụng chuẩn mực đạo đức trong hoạt động công vụ: “… và đánh giá việc thực hiện”.
Để có được những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện là công việc đòi hỏi phải cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong thực tế, mặc dù các cấp ủy đã chỉ đạo và thực hiện việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện nhưng hiện nay vẫn không ít những chuẩn mực đạo đức còn hình thức, chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị.
Quy định số 08-QĐ/TU, ngày 26/3/2016 của Tỉnh ủy Lào Cai về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã quy định cụ thể về nội dung, quy trình xây dựng và thẩm quyền ban hành, trách nhiệm sử dụng và đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đạo đức của cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương. Trước hết, cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp điều hành xây dựng chuẩn mực đạo đức theo quy trình chặt chẽ, tập trung dân chủ cao, phát huy được trí tuệ tập thể của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở từng khâu trong xây dựng chuẩn mực đạo đức. Việc thực hiện theo quy định chặt chẽ của Tỉnh ủy về xây dựng và ban hành chuẩn mực đạo đức của cơ quan, đơn vị, địa phương không chỉ nhằm hướng tới xây dựng được những chuẩn mực đạo đức thiết thực mà còn là quá trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thức tiễn, nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chi bộ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương và của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong mỗi tổ chức để khi ban hành tạo được sự đồng thuận cao, tự giác chấp hành và thường xuyên thực hiện. Mặt khác, Quy định 08-QĐ/TU của Tỉnh ủy cũng yêu cầu cấp ủy, lãnh đạo cấp trên trực tiếp có trách nhiệm lãnh đạo (hoặc phối hợp lãnh đạo), thực hiện việc thẩm định các chuẩn mực đạo đức của cấp dưới (đối với những ngành, cơ quan, đơn vị chưa có chuẩn mực đạo đức chung trong phạm vi toàn quốc) nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và chỉ có lãnh đạo cấp trên trực tiếp mới có điều kiện tốt nhất trong việc xem xét, góp ý, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ để khi ban hành, vừa đáp ứng yêu cầu chung, lại sát với chức năng, nhiệm được giao. Để có căn cứ pháp lý trong thực hiện, bắt buộc chuẩn mực đạo đức phải được thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp xây dựng ban hành; hằng năm, cấp ủy chỉ đạo, thủ trưởng (lãnh đạo) cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai và đánh giá kết quả thực hiện chuẩn mực đạo đức gắn với kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương. Thực hiện nghiêm túc Quy định 08 –QĐ/TU của Tỉnh ủy về quy trình và thẩm quyền ban hành chuẩn mực đạo đức sẽ đáp ứng được các yêu cầu cao Chỉ thị 05 – CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ.
Sẽ là không khó, nếu tổ chức đảng, cấp ủy các cấp nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa quan trọng việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ trước những yêu cầu mới; từ đó, quyết liệt trong chỉ đạo, lãnh đạo, chắc chắn sẽ tạo được khâu “đột phá” hữu ích, góp phần thực hiện được các yêu cầu chung về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 – CT/TW của Bộ Chính trị./.
Cao Đức Hải