Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình Chiến dịch Việt Bắc, Thu – Đông 1947 (Ảnh tư liệu) 

Chiến dịch Việt Bắc thắng lợi, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chọn Việt Bắc làm căn cứ địa của cuộc kháng chiến trường kỳ, nhân dân các dân tộc Việt Bắc được Người tin tưởng trao cho sứ mệnh lịch sử “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi.” [1]

Sau hơn một năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, đến Thu - Đông năm 1947, đứng trước nguy cơ thất bại của chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” và áp lực từ những khủng hoảng về chính trị, kinh tế, tài chính tại nước Pháp, Chính phủ Pháp muốn lợi dụng ưu thế tuyệt đối về trang bị kỹ thuật, tập trung lực lượng nhanh chóng giải quyết cuộc chiến tranh Pháp- Việt bằng tiêu diệt quân chủ lực của Việt Nam;“đánh đòn quyết định” nhằm vô hiệu hóa, thậm chí bắt sống cả Chính phủ Hồ Chí Minh để đưa Bảo Đại về lập một chính phủ bù nhìn [2], “làm cơ sở cho niềm hy vọng chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương”[3].

Kế hoạch tiến công Việt Bắc do tướng Xalăng - Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương soạn thảo, được Chính phủ Pháp thông qua đầu tháng 7/1947, chia thành 2 bước với số quân 12.000 người nhằm đánh thẳng vào trung tâm căn cứ ở Việt Bắc, trọng điểm là tam giác Bắc Kạn- Chợ Mới- Chợ Đồn.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được âm mưu, hành động của thực dân Pháp sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, nếu muốn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, thì chúng ta phải kháng chiến lâu dài. Điều kiện cơ bản để kháng chiến lâu dài là phải bảo tồn và phát triển lực lượng kháng chiến, đồng thời phải xây dựng được những khu căn cứ vững chắc, an toàn... Khu căn cứ kháng chiến quan trọng nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là Việt Bắc, nơi mà lòng yêu nước của đồng bào hòa nhập với hình thế hiểm trở của núi sông thành một lực lượng vô địch để chống lại kẻ thù. Phạm Văn Đồng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công nhiệm vụ tiếp tục ở lại Việt Bắc để củng cố căn cứ địa cách mạng sau khi Chính phủ cách mạng lâm thời về Hà Nội năm 1945. Đến tháng 10-1946, Nguyễn Lương Bằng, Trưởng ban Tài chính Trung ương Đảng được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây đựng căn cứ địa kháng chiến. Một số địa điểm thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô.

Tháng 11-1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt do Trần Đăng Ninh phụ trách, chuyên lo việc nghiên cứu di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan Trung ương trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Giữa tháng 12-1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt lần lượt lên vùng Việt Bắc làm nhiệm vụ.

Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, Đội công tác đặc biệt quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng ATK của Trung ương. Đó là những nơi có đủ các yếu tố địa lợi và nhân hòa bảo đảm sự an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến hoạt động.

Đúng như Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán, sau khi ký Hiệp định sơ bộ (6-3) và Tạm ước Việt-Pháp (14-9-1946), thực dân Pháp đã ngang nhiên bội ước, liên tiếp gây ra các hoạt động khiêu khích xâm lược ngày càng trắng trợn. Trong hoàn cảnh ấy, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác, buộc phải cầm vũ khí chống lại thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ những thành quả cách mạng và ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Ngay sau đó, cùng với việc giam chân địch tại Hà Nội, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Quân đội, các đoàn thể chính trị và các nhà máy quan trọng đã được chuyển dần lên Việt Bắc. Việt Bắc, từ “Thủ đô cách mạng” đã trở thành “Thủ đô kháng chiến”, từ “Thủ đô kháng chiến”, Trung ương Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng tư lệnh ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả dân tộc.

Sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh quay trở lại Việt Bắc để lãnh đạo cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Việt Bắc có vị trí quan trọng: “Việt Bắc trước kia là căn cứ của cách mệnh, đã nổi tiếng khắp cả nước, khắp thế giới. Thì ngày nay, Việt Bắc phải thành căn cứ của kháng chiến, để giữ lấy cái địa vị và cái danh giá vẻ vang của mình… ”[4].

Ngày 2-9-1947, trong Thư gửi đồng bào các tỉnh Việt Bắc, Hồ Chí Minh xúc động ghi nhớ tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào dân tộc giúp đỡ cán bộ làm cách mạng: “Tôi không bao giờ quên được, trong những ngày gian nan cực khổ đó, đồng bào trong tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên, các cháu nhi đồng ai cũng hăng hái giúp đỡ… Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo, cho đến anh em Hoa kiều, người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo. Có những đồng bào nhịn ăn nhịn mặc, bán trâu bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mệnh”[5].

Ngày 7/10/1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn mở đầu cuộc tiến công Việt Bắc thì trong đêm ngày 7/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhận định về yếu điểm của địch, thế mạnh căn bản của ta: “Nước Pháp không đủ sức để theo đuổi một cuộc chiến tranh lâu dài. Chúng phải cố gắng đánh một đòn quân sự quyết định tạo điều kiện cho Bôla đưa Bảo Đại về để tìm cách kết thúc chiến tranh. Dù Valuy có huy động được cả hai vạn quân vào cuộc tiến công này thì với địa bàn rừng núi hiểm trở của Việt Bắc, với tinh thần cách mạng của đồng bào các dân tộc ở căn cứ địa, cũng không có gì đáng ngại”[6].

Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy đề ra nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ cơ quan đầu não bằng mọi giá, chủ trương đều chỉnh kế hoạch tác chiến, giành lại chủ động; chỉ đạo khắc phục những thiếu sót trong chuẩn bị và đánh địch, triệt để phá hoại đường sá, nhà cửa, sơ tán bệnh viện, công xưởng, kho tàng, di chuyển và bảo vệ các cơ quan, làm vườn không nhà trống...

Sau một tuần chiến đấu chống địch, nhận thấy những hạn chế cần phải khắc phục, như bộ đội thiên về đánh tập trung, chuẩn bị vội vã, đánh địch không đạt nhiều hiệu quả, bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch, phong trào du kích chưa phát triển mạnh, việc phá hoại các đường sá chưa triệt để, một số nơi nhân dân có phần hoang mang…, đặc biệt là ngay sau khi nắm được kế hoạch tấn công của địch[7], Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương  họp khẩn cấp vào chiều ngày 14 -10-1947  phân tích rõ hơn những điểm yếu chí tử của địch khi tấn công quân ta vào địa bàn núi rừng hiểm trở. Người nhấn mạnh đến điểm yếu  trong cuộc tấn công lần này của Pháp là không mạnh nên phải mạo hiểm, sẽ gặp nhiều khó khăn to lớn vì rải quân trên một địa bàn quá rộng; mọi hoạt động của cuộc hành binh đều phụ thuộc vào khả năng tiếp tế, tăng viện bằng đường bộ và đường thuỷ. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nếu ta biết lợi dụng triệt để những nhược điểm của địch, phát triển những ưu điểm của ta thì cuộc tấn công của chúng nhất định sẽ thất bại.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15-10-1947, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Phải phá cuộc chiến công mùa đông của giặc Pháp” chỉ đạo quân và dân cả nước phối hợp với quân dân Việt Bắc đánh bại cuộc tấn công của địch. Chỉ thị nhận định: "địch càng dàn quân ra càng mỏng lực lượng. Chúng đem quân lên mạn ngược là một dịp cho ta để đánh chúng ở miền xuôi. Chúng đóng quân nơi xa càng dễ cho ta bao vây chặt đường tiếp tế, đánh chúng một cách rất có lợi trong khi chúng vận động"[8].

Ngày 15-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân du kích Việt Bắc ra sức diệt địch. Người cho rằng địch mưu hội quân ở Bắc Kạn, tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi chúng cụp ô lại, dưới đánh lên, trên đánh xuống để tiêu diệt chủ lực ta và phá cho được cơ quan đầu não kháng chiến. Người chỉ rõ: Chúng chỉ mạnh về hai gọng kìm. Gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành cái ô rách, cuộc tấn công của địch sẽ thất bại[9].

Những tư tưởng chỉ đạo về phát huy những điều kiện thuận lợi, khuyết sâu chỗ yếu căn bản của địch để đánh bại cuộc tấn công của chúng tiếp tục được Người quán triệt trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Ngày 19-12-1947, trả lời câu hỏi của các nhà báo về cuộc tấn công mùa đông của địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cũng như các cuộc hành quân khác, kết quả địch sẽ thất bại vì: a (Địch chỉ hoạt động được mấy tháng. Sau mùa mưa thì chúng hết thiên thời. b) Việt Bắc địa thế hiểm trở, quân địch không có địa lợi. c) Địch càng lan rộng thì người càng thiếu, sức người càng mỏng, chúng dễ bị tiêu diệt, chúng càng đánh lan ra, càng giở thói tham ô tàn nhẫn, càng làm cho đồng bào ta, miền ngược cũng như miền xuôi, đoàn kết chặt chẽ chống lại chúng, thế là địch không có nhân hoà”[10]

Đúng như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua hơn hai tháng đánh lên Việt Bắc, vấp phải sự chống trả kiên cường, sáng tạo của quân và dân ta, bị đánh mạnh ở cả đường bộ, đường sông, chịu nhiều tổn thất, hàng ngàn quân bị loại khỏi vòng chiến đấu, nhiều phương tiện chiến tranh phá huỷ và đánh chìm, quân Pháp buộc phải co cụm vào các thị xã, thị trấn rồi rút đại bộ phận quân khỏi Việt Bắc. Sự chỉ huy mưu lược của Đảng, Bác Hồ và Bộ Tổng chỉ huy kết hợp với  sự nỗ lực vượt bậc, trí thông minh, sáng tạo, tinh thần chiến đấu dũng cảm, của các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Việt Bắc đã tạo nên nhiều chiến công vang dội trên Sông Lô, tại Đoan Hùng (ngày 25-10-1947), ở đèo Bông Lau (ngày 30-10-1947)…Chiến thuật quấy rối, phục kích, đánh tiêu hao, tiêu diệt địch ở mọi nơi đã vô hiệu hoá, tiến tới bẻ gảy từng gọng kìm của địch, đẩy chúng vào tình thế lúng túng trong những cuộc hành binh sục sạo và nhảy dù vô vọng. Thất bại tại Việt Bắc cùng với khủng hoảng về chính trị, khó khăn về kinh tế làm cho Pháp nhận ra rằng không thể giải quyết chiến tranh bằng một cuộc hành quân lớn và cũng không thể tiến hành chiến tranh bằng sức lực đã cạn kiệt của nước Pháp, buộc Pháp chuyển sang chiến lược mới là đánh kéo dài, chuyển sang bình định các vùng chiếm đóng hòng vơ vét sức người, sức của,…

Cuộc tiến công quy mô lớn mà tướng Xalăng, chỉ huy cuộc tấn công ngạo ngược tuyên bố“ Chỉ cần ba tuần lễ để đập tan đầu não Việt Minh”[11] đã thất bại. Quân Pháp tuy có phá hoại một số cơ sở vật chất kháng chiến nhưng đã không thực hiện được bất cứ mục tiêu chiến lược nào đề ra cho cuộc tiến công. Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Pháp, tướng Yves Gra nhận xét: “ Kết quả của 3 tháng hành quân ở vùng thượng du Bắc Kỳ đối với chúng ta hình như có phần nào đáng thất vọng”[12]. Những người cộng tác với Pháp sau này cũng nhận định: “ Kết quả của chiến dịch qui mô này là Pháp đánh vào chỗ không người ( …) không thực hiện được ý muốn tiêu diệt chủ lực quân của Việt Minh (…) Pháp còn bị thất bại về chiến thuật trước lối đánh du kích và tiêu thổ của Việt Minh dựa vào rừng núi”[13].

Đối với dân tộc Việt Nam, thắng lợi của cuộc phản công Việt Bắc Thu Đông 1947 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, mở ra một giai đoạn mới của cuộc kháng chiến với sự chuyển hoá lực lượng ngày càng có lợi. Căn cứ địa Việt Bắc ngày càng vững vàng và trưởng thành, bộ đội chủ lực và dân quân du kích đều được tôi luyện trong thực tế chiến đấu, được bổ sung khá nhiều trang bị, vũ khí. Chính phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu luôn được bảo vệ an toàn với những vị bộ trưởng luôn ba lô trên vai vừa liên tục di chuyển trong các huyện Võ Nhai, Định Hoá (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang)…vừa tiếp tục điều hành công việc kháng chiến trên toàn quốc.

Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947 thắng lợi, địa danh Việt Bắc đánh dấu mốc thắng lợi đầu tiên, quan trọng trong những năm đầu cuộc kháng chiến của quân dân ta. Từ căn cứ địa Việt Bắc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân cả nước Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, đến Việt Bắc trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp trường kỳ, khẳng định tầm nhìn chiến lược, thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn địa thế rừng núi hiểm trở để đánh Pháp và trong những giờ phút khó khăn của cuộc chiến đấu luôn bình tĩnh, sáng suốt lãnh đạo nhân dân di chuyển cơ quan đầu não kháng chiến, nhân lực, vật lực,…phục vụ chiến dịch.

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5 ( 1947-1948), Nxb CTQG, HN, 2011, tr 239.

[2] Thông điệp của Valluy - Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương gửi Ramadier - Thủ tướng Cộng hoà Pháp ngày 2-10-1947 (Note Valluy à Ramadier, 2.10.47), có nội dung chuẩn bị các điều kiện lập chính phủ tay sai “gây ra một thứ nội chiến giữa người Việt Nam với nhau”. Dẫn theo Philippe Devillers, Paris - Saigon - Hanoi, Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944 -1947, Nxb tp Hồ  Chí Minh, 1993, tr. 487.

[3] Général Yves Gras, Histoire de la guerre d’Indochine (Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương), Plon, Paris, 1979. Bản dịch tiếng Việt, Lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5 ( 1947-1948), Nxb CTQG, HN, 2011, tr 239.

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5 ( 1947-1948), Nxb CTQG, HN, 2011, tr 238.

[6] Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, sđd, tr. 167.

[7] Chiều 9-10-1947, bộ đội trợ chiến Trung đoàn 74 bố trí tại phía Nam thị xã Cao Bằng đã bắn rơi chiếc máy bay chở các sĩ quan tham mưu chiến dịch của Pháp đang đi thị sát mặt trận, trên máy bay có đại tá Lăm-be (Lambert), Phó tham mưu trưởng quân Pháp ở Bắc Đông Dương. Bộ đội ta thu được chiếc cặp có bản kế hoạch và bản đồ cuộc tiến công Việt Bắc của thực dân Pháp. Bản kế hoạch đã được chuyển cấp tốc về Bộ tổng tham mưu lúc đó đóng tại khu vực núi Hồng, huyện Định Hoá, Thái Nguyên ngày 13-10- 1947.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tập 8, tr. 318.

[9] Học viện Chính trị quốc gia Hồ chí Minh- Viện Hồ chí Minh, Hồ chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 4 (1946-1950), Nxb CTQG, H.2006, 129.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, tập 5, sdd, tr. 328.

[11] Yvơ Gra, Lịch sử chiến tranh Đông Dương, sđd, Lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

[12] Yvơ Gra, Lịch sử chiến tranh Đông Dương, sđd, Lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

[13] “Quân sử 4”,  Phòng 5 Bộ Tổng tham mưu quân đội nguỵ Sài Gòn xuất bản, sđd, tr. 31, 34.

TS. Dương Minh Huệ

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website