Tiết kiệm để giúp những cảnh đời khó khăn

 

Nhiều năm trở lại đây, Hội LHPN phường Bạch Ðằng (quận Hai Bà Trưng) được đánh giá là đơn vị hưởng ứng rất tích cực phong trào thực hành tiết kiệm với những mô hình, cách làm mang lại hiệu quả cao. Phải kể đến mô hình "Chi hội phụ nữ giúp nhau tiết kiệm" được hội viên, phụ nữ phường duy trì trong nhiều năm.

Hội viên, phụ nữ phường Bạch Đằng ủng hộ quỹ từ mô hình "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm" - Ảnh: Minh Châu

Theo đó, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người, mỗi hội viên, phụ nữ sẽ tự giác tiết kiệm với số tiền ít nhất là 10 nghìn đồng/tháng, số tiền tích cóp được sau 5 năm sẽ được dành làm vốn để hỗ trợ những cá nhân có nhu cầu.

Chị Dương Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN phường phân tích, 10 nghìn đồng là số tiền chả nhiều nhặn gì, với nhiều người dân thành phố chỉ mua nổi 2-3 chén nước vỉa hè nhưng khi có ý thức cố định để ra 10 nghìn, 20 nghìn đồng mỗi tháng thì sau vài năm, lại trở thành khoản tiền không nhỏ, thậm chí là rất hữu ích với nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Tổng kết 5 năm triển khai mô hình, chi hội ít cũng tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng, nhiều chi hội có số tiền tiết kiệm lên đến 50 thậm chí 60 triệu đồng. Từ số tiền tiết kiệm này, các chi hội đã chủ động hỗ trợ cho các hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn dưới nhiều hình thức: người sửa nhà, người mở cửa hàng tạp hóa, người đi học nghề… với lãi suất thấp hoặc cho vay không lấy lãi.

“Số tiền tuy nhỏ nhưng ý nghĩa thì không nhỏ chút nào, chị em được hỗ trợ vừa giải quyết được vấn đề của cá nhân, nhiều chị sau đó đã cải thiện được cuộc sống hơn rất nhiều so với trước, qua đó để chị em thấy được khi gặp khó khăn các chị luôn có những người bạn, luôn có tổ chức Hội động viên, tiếp sức”, chị Thắm nói.

Cùng với việc duy trì mô hình "Chi hội phụ nữ giúp nhau tiết kiệm", mô hình "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm" cũng được nhiều chị em tham gia. Số tiền tiết kiệm cũng chỉ là những đồng tiền lẻ mỗi ngày, hôm 5 nghìn, hôm 10 nghìn đồng để “nuôi lợn”, dịp đặc biệt thì “vỗ béo” nhiều hơn thế nhưng đến khi “mổ lợn”, chị em ai nấy đều bất ngờ với số tiền dành dụm được.

“Vừa rồi, hội viên Câu lạc bộ Phụ nữ và pháp luật của phường hẹn nhau mang những chú lợn bấy lâu nuôi nấng ra “cân”, chú nào cũng “nặng” đến cả vài triệu đồng, vậy là chị em bảo nhau dành số tiền tiết kiệm trước hết để hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn sau là dùng vào những hoạt động thiện nguyện như: tặng học bổng cho con hội viên có hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt; tặng quà cho các gia đình chính sách; trường hợp neo đơn không nơi nương tựa...”, Chủ tịch Hội phụ nữ phường nói.

Với hội viên, phụ nữ thuộc Hội LHPN phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) thì lại tiết kiệm theo cách khác. Những vật dụng tưởng chừng không còn hữu ích, với nhiều gia đình coi là đồ phế thải thì chị em trong phường đã không vứt đi mà lưu lại, tập hợp để bán gây quỹ Hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

 “Những thứ như vỏ chai, đồ nhựa, giấy vụn… nhà nào cũng dùng và hầu như ngày nào cũng phải vứt bỏ cho khỏi chật nhà nhưng thật ra nó vẫn còn hữu ích, vẫn có thể tái chế, bán đi vẫn thu được tiền”, bác Nguyễn Thị Hòa, hội viên Hội LHPN phường nêu suy nghĩ.

Một buổi thu gom phế liệu của hội viên, phụ nữ phường Chương Dương - Hội LHPN phường Chương Dương cung cấp

Có cùng quan điểm như bác Hòa, rất nhiều hội viên, phụ nữ phường Chương Dương đã dành một khoảng trống nhỏ trong nhà để giữ lại đồ, chờ đến ngày thứ 7 cuối cùng của tháng mà chị em coi là “Ngày hội gom rác” để gặp nhau, tập kết, phân loại đồ rồi bán cho các chị trong Câu lạc bộ “Phụ nữ ngoại tỉnh”.

Việc làm này được duy trì mỗi tháng, đều đặn từ đầu năm đến giờ, từ 6h sáng đến 16h chiều, chị em trong Hội đều cắt cử người có mặt tại địa điểm quy ước thường là nhà văn hóa để nhận đồ. Thống kê sơ bộ cho thấy, người gom nhiều bán được từ 30 nghìn đến 40 nghìn đồng, người ít nhất cũng bán được khoảng 10 nghìn đồng. Tiền bán được bao nhiêu, chị em đều vui vẻ ủng hộ quỹ Hội, chị Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN phường cho hay.

Cũng theo chị Hạnh, nếu như trước đây, nhiều hộ gia đình ý thức chưa cao, chai lọ, rác phế thải vứt bừa bãi thì giờ đây, nhìn thấy những chai nước, lọ nhựa dọc lối đi chung, không ai bảo ai đều nhặt về chờ đến ngày mang đi bán, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị cũng vì thế mà được khắc phục.

Từ những đổi thay trông thấy, những con số thuyết phục từ số tiền thu về nên nếu như đầu năm chỉ có 4 chi hội Hồng Hà 1, Hồng Hà 2, Hồng Hà 3 và Bạch Đằng 4 triển khai thì hiện giờ cách làm này đã lan tỏa tới 15/15 chi hội. Số tiền thu được từ tiền thu gom phế liệu của hội viên, phụ nữ các chi hội, mới đây, Hội LHPN phường dành để hỗ trợ gia đình anh Nguyễn Hữu Yến, tổ dân phố Hồng Hà 6 sửa nhà nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Anh Yến là thương binh nặng, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng vừa qua đã nhận được tình cảm, sự quan tâm của hội viên, phụ nữ phường Chương Dương từ một việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lại rất lớn.

 

Minh Châu

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website