Lời Bác dặn đi suốt đời tôi

 

Ông Nguyễn Tiến Chương chia sẻ cảm xúc khi được gặp Bác
Ông Nguyễn Tiến Chương chia sẻ cảm xúc khi được gặp Bác

Hồi ấy, tôi mới ngoài 30 tuổi, là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Nhận được điện mật từ Văn phòng Chủ tịch nước báo về, Bác Hồ sẽ vào thăm 2 tỉnh của vùng Khu 4 là Nghệ An và Hà Tĩnh, nhưng Bác sẽ tới Hà Tĩnh trước, sau đó mới ra Nghệ An. Sau khi có thông báo này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có một cuộc họp khẩn, thành lập Ban Tổ chức lễ tân đón tiếp Bác và cử tôi làm Trưởng ban. Thú thật, tâm trạng tôi lúc đó vừa mừng, vừa lo, mừng vì được Bác vào thăm, đó là khát vọng lớn của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh từ lâu.

Nhiều người dân đã treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhà mình, nhưng chưa được nhìn thấy Bác. Tôi hình dung, nếu nhận được tin Bác Hồ về thăm thì sẽ có hàng ngàn người đổ về thị xã Hà Tĩnh để chào đón Bác. Nhưng lệnh từ Trung ương đã thông báo rõ là Bác về lần này trong bối cảnh đời sống nhân dân Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn, lại đang có những khuyết điểm lớn trong cải cách ruộng đất nên cấm kỵ đón tiếp Người mang tính nghi lễ “trống dong, cờ mở”. Do vậy, Bác Hồ chỉ gặp cán bộ, chiến sỹ, quân đội, công an cùng các ngành trong phạm vi hẹp. Chính vì lẽ đó, buộc chúng tôi cũng phải lên danh sách và thống nhất rất kỹ những đại biểu được vinh dự gặp Bác.

Tôi nhớ, các đại biểu hôm đó có mặt rất sớm, ai cũng ăn mặc giản dị. Đúng 6h30’ ngày 15/6/1957, Bác Hồ đến thị xã Hà Tĩnh trong sự chờ đợi náo nức của mọi người. Đi cùng Bác có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và một số cán bộ giúp việc cho Bác. Khi chiếc ô tô vừa dừng, Bác nhanh nhẹn xuống xe và giơ hai tay lên cao vẫy chào tất cả mọi người. Bác mặc bộ đồ áo ka ki, chân đi dép cao su, đôi mắt sáng và nụ cười như chứa đựng cả một tình yêu thương bao la. Sau khi dạo quanh một vòng ở khu tập thể để xem thực tế việc ăn ở của anh em chúng tôi, Bác vào hội trường nói chuyện với cán bộ, đảng viên. Cả hội trường im phăng phắc, từ hàng đầu đến hàng ghế cuối đều chật kín người, tất cả mọi ánh mắt đều hướng về Bác.

Hồi ấy, các đại biểu chưa có máy ghi âm nên mọi người vừa nghe, vừa tranh thủ chép lại những lời Bác nói. Tôi và các đồng chí ngồi ở hàng ghế đầu nên nghe rất rõ tiếng Bác và với chiếc bút máy đã bơm đầy mực, tôi cố “tốc ký” theo từng lời Bác nói: Mở đầu, giọng Bác đầm ấm chất Xứ Nghệ vang lên: “Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi đến các đồng chí lời chào thân ái. Nhân dịp này, Bác có mấy điều nêu lên để các đồng chí nhớ và cố gắng thực hành”… Trong đó, Bác có nói những ưu điểm, phê bình khuyết điểm của các đồng chí. Sau cùng, Bác nêu lên những nhiệm vụ trước mắt, nêu lên ưu điểm để cố gắng phát huy, nêu lên những khuyết điểm để cố gắng khắc phục. “Về ưu điểm, nói chung, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng đều tốt, các đoàn viên thanh niên lao động đã tích cực công tác. Đó là một điểm tốt. Các đồng chí đều tin tưởng vào Trung ương, vào Đảng, vào lực lượng của mình. Đó là điểm tốt thứ hai”.

Rồi Bác đi thẳng vấn đề khuyết điểm của tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua, đó là việc thực hiện cải cách ruộng đất, do mắc bệnh tả khuynh, quan liêu, yếu kém trong điều hành ở cơ sở dẫn đến một số gia đình bị oan sai, quy sai thành phần. Đáng tiếc là không ít trong số người bị oan đó lại là những người tham gia cách mạng và bảo vệ cách mạng. Rồi Bác nêu ra những giải pháp để toàn Đảng, toàn dân tỉnh Hà Tĩnh tích cực làm tốt công tác sửa sai.

Bác nhấn mạnh “tinh thần đoàn kết” bởi có đoàn kết mới tạo được sức mạnh, mới thống nhất cao. Bác mong muốn Hà Tĩnh phải sớm sửa sai tốt thì mới lấy lại được niềm tin trong nhân dân. Bác thấu hiểu hoàn cảnh của nhân dân Hà Tĩnh lúc này đang còn khó khăn, thiếu thốn nên Bác dặn cán bộ, đảng viên từ tỉnh tới cơ sở phải chỉ đạo, động viên, khuyến khích toàn dân tận dụng thời gian, tận dụng sức người, tận dụng tiềm năng đất đai đẩy mạnh tăng gia sản xuất.

Bác bảo: Bác chỉ nói một điểm rất đơn giản, “có thực mới vực được đạo”. Đó là duy vật, đó là cái gốc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Muốn ăn là phải sản xuất, trước mắt là phải chăm lo vụ mười cho tốt. Chăm lo tốt chưa đủ, nghề nông phải đấu tranh với đất là làm cỏ lúa, bỏ phân, cày bừa kỹ, đấu tranh với thiên tai như sâu, chuột, bão lụt, hạn hán. Vì vậy, ngoài việc chăm bón, làm cỏ, bỏ phân, thì việc đắp đê chống lụt rất cần, mà đê ở đây đắp rất chậm. Vì sao đắp chậm? Vì coi nhẹ nên khi động viên đi đắp đê thì cán bộ, đảng viên, đoàn viên nằm ở nhà. Đắp đê không tốt thì lụt lút cả làng, nhân dân bị thiệt mà cán bộ, đảng viên cũng bị thiệt... Đã bị thiệt rồi mà còn bị nhân dân oán trách...

Khi nghe Bác phê bình đến chuyện này, tôi và các đại biểu ngồi trong hội trường đều thấy xấu hổ và cảm thấy hối hận vì Hà Tĩnh lúc này chưa làm được một công trình thủy lợi nào cho “ích nước, lợi dân” để báo công với Bác. Bác đã nghiêm túc nhắc lại trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên một lần nữa: “Đảng ta không phải Đảng làm quan. Mà Đảng phải lo đời sống cho dân”.

Sau lần Bác về thăm Hà Tĩnh năm ấy, tôi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh còn được nhiều lần gặp Bác trong những chuyến đi công tác tại Hà Nội nữa. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đón Bác về thăm Hà Tĩnh lần thứ hai, Bác cười vui và bảo: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên” rồi Bác sẽ về thăm. Chúng tôi đã thấm sâu lời dạy bảo của Người, làm tốt những việc cần làm ngay trong hoàn cảnh ấy. Mỗi cán bộ và đảng viên Hà Tĩnh đều ra sức rèn luyện để xứng đáng là công bộc của dân./.

Quỳnh Hậu (ghi)

Theo baohatinh.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website