Thanh Hóa xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu

Khắc sâu lời Bác

Thanh Hóa vinh dự, tự hào là một trong những địa phương đầu tiên được Bác dặn phải xây dựng trở thành tỉnh kiểu mẫu. Vâng lời Bác, trong suốt dặm dài lịch sử, trên từng bước đường kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong mỗi chiến công, mọi thành quả, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đều xây dựng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến có sức ảnh hưởng, lan tỏa sâu rộng trong cả nước.

Khi toàn quốc vừa bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, ác liệt, dù bận nhiều công việc, Bác vẫn dành cho nhân dân Thanh Hóa những tình cảm đặc biệt. Ngày 20-2-1947, Bác về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Trong buổi nói chuyện với lãnh đạo tỉnh, các đại biểu nhân sĩ, trí thức, cùng đông đảo nhân dân, Bác mong muốn “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”. Đáp lại tình cảm sâu đậm của Bác, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện lời căn dặn của Người bằng những hành động cách mạng thiết thực, cụ thể, xuất hiện không ít những tập thể, cá nhân “kiểu mẫu” vừa kiên cường, anh dũng trong chiến đấu, vừa tập trung xây dựng hậu phương vững mạnh. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, từ hậu phương Thanh Hóa, từng đoàn dân công gánh bộ, hàng đoàn xe đạp thồ hối hả ra trận. Thắng lợi của các chiến dịch Thượng Lào, Đông Xuân, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đều có sự đóng góp to lớn của quân và dân Thanh Hóa.  Để rồi, khi lần thứ 2 trở lại Thanh Hóa, Bác rất đỗi vui mừng, khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Người cũng khen ngợi nhân dân Thanh Hóa mưu lược, dũng cảm, đặc biệt là tuổi trẻ có nhiều đóng góp và hy sinh cho cách mạng “...Thanh niên tham gia bộ đội có các đồng chí anh hùng như Lò Văn Bường, Trần Đức, Tô Vĩnh Diện..., đó là những người rất ưu tú, chẳng những làm vẻ vang cho cả tỉnh mà còn vẻ vang cho cả nước non ta”.

Những ngày Mỹ ném bom bắn phá ác liệt, Thanh Hóa tiếp tục xuất hiện không ít tập thể, cá nhân “kiểu mẫu”, có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và lao động sản xuất. Đó là hình ảnh của nữ dân quân, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển vác 2 thùng đạn nặng gấp hơn 2 lần trọng lượng cơ thể mình để tiếp đạn trong cuộc đấu tranh bảo vệ cầu Hàm Rồng, giữ vững huyết mạch giao thông Bắc - Nam; là hình ảnh của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Và rất nhiều những tập thể điển hình trong sản xuất như các HTX Đông Phương Hồng, Thắng Lợi, Yên Trường...

Bước vào thời kỳ đổi mới, mảnh đất xứ Thanh lại có thêm những điểm sáng, những lá cờ đầu “kiểu mẫu” trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như Yên Định - huyện anh hùng đầu tiên trong thời kỳ đổi mới đã mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đem lại cuộc sống ấm no cho nông dân. Hay như Công ty CP Mía đường Lam Sơn - một doanh nghiệp hàng đầu của ngành mía đường Việt Nam với thương hiệu LASUCO nổi tiếng... Hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn khắc sâu những lời khen ngợi, dặn dò, phê bình cũng như sự chỉ bảo ân cần của Bác, đoàn kết một lòng từng bước đẩy lùi khó khăn, thách thức, đói nghèo lạc hậu, tiến hành sự nghiệp CNH, HĐH làm thay đổi sâu sắc, toàn diện bộ mặt quê hương. Thanh Hóa hôm nay vui mừng báo công lên Bác: Toàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống nhân dân ngày càng no đủ, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được nâng cao... Những thành tựu đó đã và đang tạo ra tiền đề vững chắc để xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn của Bác kính yêu.

Xây dựng các tiêu chí kiểu mẫu

Hơn 70 năm qua, những lời dạy bảo ân tình của Bác đối với Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa vẫn vẹn nguyên giá trị, có tính thực tiễn và thời sự sâu sắc. Ðó không chỉ là niềm vinh dự, niềm tự hào mà trở thành quyết tâm chính trị trong suy nghĩ, hành động của các thế hệ lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hóa trước đây, hôm nay và cả mai sau. Phát huy tinh thần đó, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra quyết tâm: “... phấn đấu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”.

Thể hiện quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu trong giai đoạn mới, Thanh Hóa đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu và thực hiện. Rất nhiều cuộc hội thảo khoa học về tư tưởng Hồ Chí Minh, thực tiễn xây dựng con người mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đã được tỉnh tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà lý luận nổi tiếng cả nước, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học giá trị cao. Và từ những luận cứ khoa học đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh cụ thể hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn về “kiểu mẫu”. Ngày 17-2-2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 488/2014/QĐ-UBND quy định các tiêu chí kiểu mẫu và trình tự, thủ tục xét công nhận các danh hiệu kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH quê hương, đất nước giai đoạn 2014 - 2020, để từng người, từng nhà, từng xã, phường, cơ quan, đơn vị thực hiện. Theo đó, quyết định đã quy định cụ thể về tiêu chí cho công dân kiểu mẫu là phải chấp hành đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có lối sống lành mạnh, mẫu mực, đoàn kết xóm giềng, tích cực tham gia hoạt động hòa giải, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất. Đối với thôn, bản, xã, phường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng các tiêu chí cụ thể theo từng cấp, tạo động lực triển khai có hiệu quả tại cơ quan, đơn vị mình.

Quyết định 488 đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, nỗ lực phấn đấu để đạt danh hiệu kiểu mẫu. Trong 3 năm, toàn tỉnh có 442.880 người đăng ký danh hiệu công dân kiểu mẫu và đã có 45.099 người được công nhận (đạt 10,2%); 104.040 gia đình đăng ký danh hiệu gia đình kiểu mẫu và có 4.803 gia đình được công nhận (đạt 4,6%); 791 thôn, làng, bản, tổ dân phố đăng ký danh hiệu thôn, làng, bản, tổ dân phố kiểu mẫu; 14 xã, phường, thị trấn đăng ký danh hiệu xã, phường, thị trấn kiểu mẫu; 300 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kiểu mẫu. Những tập thể, cá nhân được nhận các danh hiệu kiểu mẫu là những tấm gương sáng trong học tập, lao động, sáng tạo trên mọi lĩnh vực để cống hiến cho sự phát triển của quê hương.

Kết quả biểu dương, vinh danh các tập thể, cá nhân tiêu biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa là mốc son quan trọng đánh dấu quá trình nỗ lực, cố gắng của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Đại diện các tập thể, cá nhân đã về dự với tinh thần phấn khởi, tự hào vì được ghi nhận, tôn vinh. Đó là động lực để đưa Quyết định số 488 tiếp tục lan tỏa, vươn xa, phấn đấu đưa Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Minh Hiếu và Thu Vui

Theo http://baothanhhoa.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website