Duyên với tranh đá
Khách đến nhà nghệ nhân Triệu Hoàng Giang thấy ngạc nhiên vì những bức tranh đá khắc nổi đẹp và có hồn thế nào, thì cũng ngạc nhiên khi biết cái duyên của ông với chất liệu đá và thể loại tranh khắc nổi thế ấy. Ông bảo: Mọi thứ đến với tôi không hề dễ dàng, nhưng đến lúc này phải khẳng định tranh đá đã chọn tôi.
Lật ngược thời gian về thời niên thiếu của Triệu Hoàng Giang, với niềm đam mê tranh nóng bỏng, đặc biệt là những bức tranh cổ động, tranh bộ đội hành quân và ký họa chiến trường, sẵn có năng khiếu trong tay, Hoàng Giang cũng tích cực tự học vẽ, đặc biệt là tranh về các loài vật.
|
Tác phẩm “Chống gậy lên non xem trận địa”. |
Năm 1978 tốt nghiệp phổ thông, chàng thanh niên 17 tuổi được cử sang Bungari học tập theo tiêu chuẩn của gia đình có con trai là liệt sĩ. “Tôi học cơ khí chính xác. Thế nhưng sống bên đó tôi lại mê mẩn với những bức tranh khắc đá ở các công viên, bảo tàng. Máu hội họa, điêu khắc đã ăn vào máu tôi. Lúc thấy tranh đá bên đó tôi như bị đánh thức.
Bình thường thời ấy người dân đi nước ngoài, chỉ tơ tưởng xem có cái gì có thể mua sắm gửi về quê, tôi lại đi tìm hiểu về tranh đá. Tôi đã đi rất nhiều vùng để tìm hiểu, thu lượm kiến thức và thấy những điều mình biết là quá ít ỏi”, Triệu Hoàng Giang tâm sự.
Mãn kỳ học, ông về nước công tác. Rồi đúng 10 năm sau đó, ông lại có dịp trở lại xứ sở của đất nước hoa hồng với nhiệm vụ làm phiên dịch tiếng Bungari. Bên cạnh công việc, ông cũng lưu tâm đến những bức tranh khắc đá. Rồi cơ duyên đã đưa ông tới một triển lãm tranh điêu khắc Châu Âu.
Tại đó ông gặp một nghệ nhân chuyên khắc đá tên là Ivalốp. Gia đình Ivalốp có ba đời chuyên làm nghề này. Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang kể: “Khi tôi ngỏ ý muốn làm học trò, nghệ nhân ấy nói rằng, để kiếm cơm bằng nghề này thì không được đâu. Đây là một công việc vô cùng gian nan.
Tôi có thưa, gian nan tôi cũng theo được. Và rồi Ivalốp ra điều kiện rằng: Nếu lấy vợ, định cư ở Bungari sẽ không truyền nghề, nếu làm thủ tục về nước thì mới truyền nghề cho. Ông ấy còn hỏi tôi: Vậy về nước anh sẽ làm gì? Tôi trả lời sẽ đúc tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Vốn thông minh, có năng khiếu và đã tìm hiểu về tranh khắc đá nổi, nên Hoàng Giang học rất nhanh. Ivalốp cũng dạy ông luôn những kỹ thuật cao và không hề giấu nghề. Bởi ông biết người học trò của mình không chỉ có quyết tâm, năng khiếu mà còn là người thật sự có tâm.
Về nước, Triệu Hoàng Giang nung nấu ý tưởng khắc tranh đá nổi về Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Thế nhưng từ ý tưởng đến thực hiện là vô cùng khó khăn, bởi nhà nghèo, cuộc sống đòi hỏi phải bươn chải, vất vả. Đến năm 1996, Triệu Hoàng Giang mới có điều kiện bắt tay thực hiện ý tưởng.
|
Triệu Hoàng Giang bên bức tranh khắc bút tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Ban đầu, ông mất khá nhiều công sức để khắc tác phẩm trên nền đá nhưng chất liệu đá giòn, vỡ hoặc rạn nứt ở các chi tiết nhỏ. Không nản lòng, ông tiếp tục bỏ ra nhiều thời gian, trí tuệ, công sức và tiền của đi nhiều tỉnh như Ninh Bình, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Nam… săn tìm chất liệu đá phù hợp.
Bởi không phải loại đá nào cũng có thể dùng làm chất liệu. Đá phải không quá giòn, có thể lên nổi màu vân theo ý muốn. Năm 1997, theo sự mách bảo của một người rành địa chất, Triệu Hoàng Giang mới tìm được loại đá đủ rắn và phẳng để khắc tranh tại núi Nhồi, tỉnh Thanh Hóa. Đây là loại đá đặc biệt, chỉ dùng nước lã rồi có thể đánh cho bề mặt đá đang từ màu xám chuyển sang đen, giúp tạo điểm nhấn cho tác phẩm bằng những chi tiết nhỏ.
Đầu tiên ông Giang lựa chọn để khắc họa hình ảnh Bác Hồ đang quan sát tại Chiến dịch Biên giới trên núi Báo Đông (Cao Bằng) năm 1950. Ban ngày ông Giang làm việc gia đình, kiếm gạo nuôi con, đêm đến là thời gian ông dành cho sáng tạo nghệ thuật.
Sau hơn nửa năm, tác phẩm đầu tay hoàn thành, cũng là tác phẩm đầu tiên của bộ tranh khắc đá về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Giang cho biết: “Bức tranh thành công, tôi vô cùng sung sướng và có thêm quyết tâm kể những câu chuyện về Bác qua thể tranh khắc đá nổi. Phải nói màu của tranh hoàn toàn là tự nhiên, không cần dùng phụ liệu. Màu đen được tạo ra bằng cách dùng giấy ráp và nước đánh kỹ”.
Việc vẽ tranh trên phông đã khó, nay lại điêu khắc trên đá, với những đường nét tinh xảo và có thần thái, có hồn thật không đơn giản, nhất là điêu khắc về một vị lãnh tụ càng trở nên khó gấp bội. Đồng thời, chỉ cần lựa chọn đá không kỹ, gặp phải đá có thớ, bị tách ra một chi tiết là hỏng cả tác phẩm. Vậy nên đòi hỏi nghệ nhân phải kiên trì, làm kỹ từng bước, tỉa tót từng chi tiết.
Sau gần hai mươi năm mải miết với nghề, đến nay, ông đã có một bộ hơn 30 bức tranh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu. Từ những bức tranh miêu tả việc Bác ra đi tìm đường cứu nước và về nước thành lập Mặt trận Việt Minh, chỉ huy trên các mặt trận chống Pháp.
Hay các bức “Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3”, “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập”, “Bác Hồ với các đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam”, “Hồn nước” thể hiện hình ảnh Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Hùng năm 1954…
Ngoài ra, nhiều tác phẩm khắc đá liên quan đến hoạt động của Bác như bìa sách “Nhật ký trong tù”, lán Nà Lừa (Tuyên Quang), lán Khuẩy Nậm (Cao Bằng), làng Kim Liên (Nghệ An), bút tích của Bác Hồ… Tất cả đều sinh động và rất đẹp.
Vẫn còn nhiều trăn trở
Là một nghệ nhân, hiện nay ông Giang vẫn duy trì làm ruộng, khắc bia mộ và làm nghề sửa chữa đồng hồ để kiếm tiền sinh sống. Ông ao ước có điều kiện để có thể mở rộng phòng tranh đón khách đến thăm, nói chuyện về tranh đá và nghệ thuật.
“Hiện căn phòng này vẫn dùng là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của cả gia đình và trưng bầy tranh. Mới đây người ta làm đường phía trước nhà quá cao, nên căn phòng tầng 1 bị lọt thỏm. Tôi có dự định nhiều lắm, nhưng sức tôi có hạn. Tôi chỉ là một nghệ nhân bình thường”, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang nói.
Ông Giang cho biết, có điều kiện ông sẽ khắc thêm tranh về bút tích của Bác và bộ tranh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cách đây mấy năm, ông đã hoàn thành bức tranh rất công phu và tâm đắc, đó là tác phẩm “Bút tích bản thảo Di chúc cuối cùng của Bác Hồ”. Đây là tác phẩm yêu cầu tỉ mỉ, cẩn thận và không được phép sai sót.
Nếu chỉ sai một chi tiết chữ, như cái móc, cái dấu, là phải làm lại toàn bộ tác phẩm. Tất cả các nét chữ, dấu, kể cả nét gạch, xóa đều được khắc nổi. Ròng rã 19 tháng trời, mỗi ngày ông chỉ khắc được một, hai chữ và khi hoàn thành, tác phẩm giống y hệt như bản viết tay của Bác Hồ. “Nếu làm được bộ tranh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, coi như việc tôi dày công học tập, nghiên cứu đã không bị lãng phí”, ông Giang nói.
Trong số các tác phẩm đã hoàn thành, đa số có kích thước 30x40cm, một số bức lớn hơn. Bức lớn nhất là tác phẩm “Chống gậy lên non xem trận địa” có kích thước 100x120cm, khắc không gian 3 chiều, nét khắc khá thoáng, mô phỏng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Chiến dịch Biên giới 1950.
Từ năm 2007, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, bộ tranh được đưa đi triển lãm ở một số nơi trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, nhận được nhiều sự khích lệ.
Nói về niềm đam mê của chồng, bà Bùi Thị Kim Tình cho biết: “Ông nhà tôi đam mê đến nỗi, khi ông khắc tranh là quên ăn quên ngủ, mặc áo mưa lụp xụp để tránh bụi, cũng không tiếp khách. Có khi ngơi tay, mồ hôi ông ấy nhỏ ròng ròng và mặt mũi nhợt nhạt, lấm lem hết. Bỏ ra tâm sức, tiền bạc nhưng ông ấy không bao giờ muốn bán tranh để lấy tiền. Bởi nếu bán tranh thì còn đâu ý nghĩa”.
|
Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang và những bức tranh quý. |
Là họa sĩ điêu khắc gốm và kính nể công phu của nghệ nhân Triệu Hoàng Giang, anh Triệu Tiến Công chia sẻ: “Chúng tôi thường đến để học hỏi, tâm sự với ông về niềm đam mê và kỹ thuật. Ông là một trong số những người kỳ công nhất mà tôi từng biết. Song ông vẫn còn nhiều nỗi niềm, tiếc chưa đủ điều kiện để có thể thực hiện những ước mơ cao hơn”.
Thụy Miên
Theo http://cstc.cand.com.vn