Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận hồ sơ TTHC của công dân.
Lựa chọn khâu đột phá
Để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 84-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng nhiều kế hoạch, văn bản hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện. Trong đó đặc biệt nêu cao việc gắn học và làm theo Bác với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và chủ đề công tác hằng năm của tỉnh; xây dựng kế hoạch thường niên, lựa chọn những công việc, vấn đề mang tính đột phá để tập trung triển khai thực hiện.
Điển hình phải kể đến là các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh tập trung cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ, lấy người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của tổ chức, công dân làm thước đo thành công của cải cách hành chính; tăng cường công khai minh bạch thông tin trong lãnh đạo, quản lý. Các mục tiêu, kế hoạch, quy hoạch, cơ chế chính sách, giải pháp chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các địa phương đều được công khai; nền nếp thực hiện việc lấy ý kiến của nhân dân; duy trì thường xuyên việc tổ chức họp báo thường kỳ... Song song với đó là kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến các địa phương, đơn vị; đổi mới, minh bạch, mở rộng nguồn bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Đặc biệt, xác định học tập và làm theo Bác là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, nên các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã cụ thể hóa nội dung của Chỉ thị vào các kế hoạch, chương trình hành động. Nhiều cấp ủy đã lựa chọn những việc mới, việc khó; lựa chọn vấn đề còn tồn tại, hạn chế, để triển khai thực hiện. Đơn cử như bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền giao ban, đối thoại, chất vấn và trả lời chất vấn với các thôn, bản, khu phố 1 lần/tháng đối với cấp xã và 1 lần/quý đối với cấp huyện để giải quyết những vấn đề bức xúc, vụ việc tồn đọng kéo dài, qua đó tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí ủy viên trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Qua 5 năm triển khai, 20 đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ đã ban hành 335 văn bản cụ thể hoá Chỉ thị số 05-CT/TW, trong đó nhấn mạnh việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải trở thành công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên. Việc ban hành hệ thống các văn bản được triển khai kịp thời, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo đã dần đi vào nền nếp; ý thức trách nhiệm với công việc của mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao; kỷ luật, kỷ cương, tác phong, lề lối làm việc được tăng cường để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Động lực để Quảng Ninh phát triển
Thiết thực học và làm theo Bác, trong 5 năm qua đã góp phần củng cố vững chắc nền tảng tinh thần trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực cho Quảng Ninh không ngừng đổi mới, phát triển, trở thành điểm sáng của cả nước với tư duy đột phá trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển KT-XH.
Trong đó, kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,7%. Riêng trong năm 2020, trong điều kiện bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,05%, là một trong số ít địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Từ năm 2017 đến nay, Quảng Ninh dẫn đầu các tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); 4 năm liên tục (2017-2020) liên tiếp giành vị trí quán quân về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Quảng Ninh cũng là địa phương tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh tập trung vào các dự án, công trình động lực có tính lan toả cao; quyết liệt đi đầu thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư; huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước đột phá, tiêu biểu như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai; Khu du lịch, dịch vụ, đô thị ven biển...
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 91/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới (92,85%); tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 4,56% (năm 2015) xuống còn 0,36% (năm 2020). Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh không ngừng được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 62% (năm 2015) lên 85% (năm 2020). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước...
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Trong 5 năm, Quảng Ninh sắp xếp, kiện toàn, giảm hơn 190 phòng, ban, đơn vị, trong đó cấp tỉnh 91, cấp huyện 104; thành lập mới, chuyển đổi mô hình quản lý đối với những cơ quan, đơn vị cần thiết cho sự phát triển KT-XH của tỉnh, địa phương. Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước đề xuất và triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện khuyến khích (sáp nhập huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long).
Có thể khẳng định, việc học và làm theo Bác đã tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Các cấp, ngành mạnh dạn tập trung vào nội dung trọng tâm mang tính đột phá; cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm hơn, nâng cao bản lĩnh chính trị; chấn chỉnh tác phong, lối sống, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Qua đó, niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng tăng lên rõ rệt, từ 73,3% (năm 2016) lên 95,21% (năm 2020).
Thu Chung
Theo https://baoquangninh.com.vn