Bằng việc cụ thể hóa các nội dung học tập và làm theo Bác trong lao động sản xuất và đời sống hàng ngày, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Vụ Bản (Nam Định) đã có những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Lãnh đạo huyện Vụ Bản kiểm tra mô hình tích tụ ruộng đất, trồng lạc bằng máy tại xã Liên Bảo.
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, cùng với việc tổ chức quán triệt nội dung học tập và làm theo Bác theo chuyên đề hàng năm, Huyện ủy Vụ Bản đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng hướng dẫn việc “làm theo” bằng những hành động và việc làm cụ thể, phù hợp với đặc điểm và nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị, ý thức về làm theo Bác đã trở thành tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Điển hình như thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp toàn huyện hiện có 11 mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 562ha và 4 mô hình sản xuất lúa theo chuỗi liên kết tại các hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp: Trung Thành, Bảo Xuyên, Tam Thanh, Minh Tân; 3 mô hình sản xuất cỏ ngọt, rau sạch, trồng sen tại thị trấn Gôi và các xã Đại Thắng, Minh Tân. Đến nay huyện đã có 7 sản phẩm OCOP và 5 trang trại được công nhận đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình dân vận khéo trong làm đường giao thông nông thôn xây dựng nông thôn mới được duy trì hiệu quả. Từ năm 2017 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới với số tiền 455,8 tỷ đồng, hiến 298ha đất và tham gia 148 nghìn ngày công lao động để xây dựng cải tạo, nâng cấp 560km đường giao thông nông thôn, trong đó có 114km đường liên xã, trục xã; 115km đường trục thôn xóm; 94km đường ngõ xóm; 237km đường trục chính nội đồng. Mô hình tự quản bảo vệ môi trường của Hội Nông dân huyện được thành lập ở 100% các chi hội thôn, xóm trên địa bàn với trên 1.560 hội viên nông dân tham gia đảm nhận các phần việc: Xây dựng tuyến đường nông dân tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp; thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; thu gom rác thải; nhà sạch, đường đẹp. Đến nay các cấp Hội đã xây dựng được 313 tuyến đường nông dân tự quản bảo vệ môi trường với tổng chiều dài 150km. Mô hình “Bệnh nhân đến niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về thì dặn dò chu đáo” ở Đảng bộ Trung tâm y tế huyện tạo sự thay đổi rõ nét về lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người bệnh và người nhà người bệnh thu hút sự tham gia của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ trung tâm huyện. Đồng chí Ngô Văn Thư, Phó giám đốc, Bí thư Đảng bộ Trung tâm y tế huyện cho biết: “Qua việc xây dựng và thực hiện mô hình đã góp phần xây dựng được khối đoàn kết trong toàn cơ quan và xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh...”.
Ngoài ra nhiều điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được xây dựng và thực hiện đem lại hiệu quả cao trên các lĩnh vực đời sống, sản xuất, trong lao động, học tập, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó Ban Tuyên giáo Huyện ủy xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ làm công tác tuyên giáo với tiêu chí: Đối với Đảng, đối với nhân dân, đối với công việc, đối với bản thân, đối với đồng chí - đồng nghiệp, đối với các thế lực thù địch; Công an huyện thực hiện tiêu chí “Chủ động - Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả”; Ủy ban MTTQ huyện với mô hình “Xuân đoàn kết - Tết yêu thương”; Hội LHPN huyện với mô hình “Tuyến đường hoa”, Quỹ “Vì phụ nữ nghèo”; Huyện Đoàn với mô hình “Tuổi trẻ với an toàn giao thông”... Bên cạnh những mô hình tập thể, nhiều điển hình cá nhân là những nhân tố tích cực, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng trong học tập và làm theo Bác. Tiêu biểu như mô hình tích tụ ruộng đất của ông Nguyễn Văn Hưng, xóm Trung Cấp, xã Tam Thanh đã thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gạo sạch Toản Xuân, tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần giảm diện tích ruộng bỏ hoang. Mô hình trang trại nuôi ba ba của ông Lương Văn Cường, xã Hợp Hưng với quy mô 12ha, tổng kinh phí đầu tư trên 20 tỷ đồng, hàng năm sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 200 nghìn con giống và trên 50 tấn ba ba thịt, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động. Sáng kiến đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy của các thầy, cô giáo: Trần Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Gôi; Phạm Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Gôi; Bùi Đức Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung...
Đồng chí Đỗ Xuân Tú, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vụ Bản cho biết: “Hàng năm Ban Thường vụ Huyện ủy đều chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo Bác. Đến nay các ngành, địa phương đã giới thiệu và nhân rộng được nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu có sức sáng tạo và hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực trên các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội. Sự lan toả của các mô hình, điển hình đã góp phần thiết thực đưa việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của huyện ngày càng đi vào chiều sâu; góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện”./.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Theo http://baonamdinh.com.vn