Lan tỏa những mô hình, điển hình tiên tiến

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đông Sơn tận tình, hướng dẫn người dân xã Đông Tiến làm thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Ảnh: Thanh Huê

Linh hoạt, sáng tạo trong học và làm theo Bác

Từ nhiều năm nay, lễ chào cờ mỗi sáng thứ hai tuần đầu tiên của tháng đã trở thành một nếp sinh hoạt hết sức ý nghĩa đối với cán bộ, công chức UBND xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc). Tất cả cán bộ, công chức xã, các đồng chí hiệu trưởng các trường học, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và các đồng chí bí thư chi bộ thôn mặc đồng phục, nam quần sẫm - áo sơ mi, nữ áo dài truyền thống xếp hàng ngay ngắn để dự lễ chào cờ. Sau khi thực hiện nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca, Đảng ủy xã Ninh Khang triển khai sinh hoạt tư tưởng dưới cờ từ 30 - 45 phút. Tại đây, cán bộ được phân công sẽ trình bày nội dung sinh hoạt tư tưởng gắn với nhiệm vụ chuyên môn trong tháng hoặc kể một câu chuyện ngắn về tấm gương đạo đức của Bác, những bài học kinh nghiệm về thái độ làm việc, cách ứng xử của cán bộ với Nhân dân. Đồng chí Mai Thị Trang, Bí thư Đoàn xã Ninh Khang, cho biết: “Dưới lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, lời Quốc ca hào hùng vang lên làm trào dâng niềm tự hào, trỗi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ chung tay xây dựng quê hương trong mỗi đoàn viên chúng tôi. Đồng thời việc kể chuyện Bác Hồ dưới cờ rất có ý nghĩa. Qua từng câu chuyện, mỗi người tự đúc kết cho mình một bài học, từ đó làm theo Bác bằng những việc đơn giản, gắn với cuộc sống đời thường”.

Đồng chí Phạm Ngọc Sơn, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Lộc, cho biết: Việc chào cờ và sinh hoạt tư tưởng dưới cờ theo Kết luận số 18-KL/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy đến nay đã trở thành nền nếp và duy trì đều đặn tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; qua đó nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi người về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Mỗi câu chuyện về Bác từ các buổi sinh hoạt tư tưởng dưới cờ tại các cơ quan, đơn vị đã có sức lan tỏa rộng khắp, thu hút mạnh mẽ những người được nghe, được học. Để từ đó, trong hành trình học tập, công tác của mình, những câu chuyện đó luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, là “kim chỉ nam” cho mỗi việc làm, hành động của cán bộ, đảng viên.

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, huyện Đông Sơn đã xây dựng kế hoạch theo hướng lựa chọn, chỉ đạo các nội dung có tính đột phá, xây dựng các mô hình, phong trào, việc làm điển hình ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; đặc biệt là phát động phong trào thi đua xây dựng con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu; phong trào, mô hình, việc làm điển hình tiên tiến. Một số địa phương, đơn vị đã lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc để tích cực cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, phương châm hành động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình, như: Đảng bộ thị trấn Rừng Thông cụ thể hóa thành các chuẩn mực phong cách của cán bộ, “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” và phát động phong trào toàn dân đoàn kết, chung tay xây dựng thị trấn Rừng Thông văn minh, hiện đại, nghĩa tình; Bệnh viện Đa khoa huyện thực hiện tốt 12 điều y đức và “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; bộ phận hành chính công thực hiện “Bốn tăng, hai giảm, ba không” tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân đến giao dịch công việc...

Đồng chí Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Sơn cho biết: Gần dân, sát dân, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm tại địa phương, đơn vị đã giúp các chi bộ, đảng bộ cơ sở thực hiện theo đúng nguyên tắc, phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ, đảng viên, làm tiền đề để củng cố, nâng cao niềm tin đối với các tầng lớp Nhân dân. Mỗi cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cơ sở, phòng, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện đều có ít nhất một mô hình hoặc việc làm điển hình gắn với chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã đăng ký và thực hiện 486 phong trào, mô hình, việc làm điển hình tiên tiến, trong đó có nhiều mô hình, phong trào được Nhân dân đón nhận, tích cực tham gia và đem lại hiệu quả, góp phần làm chuyển biến toàn diện, nhanh chóng các lĩnh vực, đặc biệt là bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, đô thị.

Nhờ vận dụng đúng tinh thần học và làm theo Bác nên trong 5 năm qua, Đảng bộ các huyện Đông Sơn, Vĩnh Lộc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống Nhân dân được nâng cao. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp, sự chung tay, góp sức của Nhân dân, 2 huyện Đông Sơn và Vĩnh Lộc được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019, cán đích NTM trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, Đông Sơn là huyện dẫn đầu cả tỉnh với 21 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu và Đông Văn là xã đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu năm 2020.

Lan tỏa những điển hình

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã lan tỏa nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, tập thể tốt.

Thượng tá Phùng Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Quan Hóa, cho biết: Cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Công an huyện Quan Hóa phát động phong trào cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thi đua phục vụ nhu cầu chính đáng của Nhân dân bằng những việc làm cụ thể. Hưởng ứng phong trào thi đua, CBCS nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu tận tụy với công việc, nêu cao ý thức phục vụ Nhân dân, dựa vào Nhân dân mà làm việc, không quản ngại khó khăn, gian khổ, dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 5 năm qua, Đảng ủy Công an huyện Quan Hóa đã chỉ đạo lập và triệt xóa thành công 19 chuyên án ma túy, bắt giữ 24 đối tượng, thu giữ ma túy với số lượng lớn; 1 chuyên án “Tín dụng đen”, bắt giữ 1 đối tượng. Bên cạnh đó, CBCS đã có nhiều việc làm thiết thực, tình nguyện chung sức vì cộng đồng, nổi bật trong 2 năm (2018 và 2019) đã tổ chức trên 250 lượt CBCS giúp Nhân dân sơ tán tránh lũ, dọn dẹp, dựng lại nhà cửa tại khu tái định cư trên địa bàn xã Trung Sơn và Thành Sơn; quyên góp, phối hợp với Báo Công an Nhân dân, Đoàn công tác số 2 Công an tỉnh Thanh Hóa trao 1.008 suất quà trị giá 220 triệu đồng, nhiều quần áo, sách vở cho học sinh, hộ gia đình bị thiệt hại do mưa lũ; tặng quà đỡ đầu cho 4 học sinh nghèo hiếu học và 2 cháu mồ côi mỗi cháu 1 triệu đồng... Đặc biệt, trong đợt ra quân cao điểm tập trung cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, công an huyện phối hợp với các địa phương rà soát các đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, công an huyện không thu tiền làm căn cước công dân cho 630 trường hợp, trong đó có 470 người là đồng bào dân tộc Mông ở bản Buốc Hiềm (xã Trung Thành) và bản Suối Tôn (xã Phú Sơn). Đối với những người không có phương tiện, người già, trẻ em, CBCS tổ chức đưa, đón tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến làm căn cước công dân.

Những ngày cuối tháng 3-2021, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, nhiều người nhắc đến câu chuyện anh Lê Huy Sinh (35 tuổi, tài xế taxi Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa) đã có hành động dũng cảm cứu sống cô gái trẻ nhảy cầu tự vẫn tại cầu Đông Hải bắc qua sông Thống Nhất (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa). Trao đổi với phóng viên, anh Sinh cho biết: “Trong cuộc sống, khi thấy người gặp nạn, nếu có thể giúp được thì tôi luôn sẵn sàng. Bản thân tôi từng là lính đặc công, được đào tạo bài bản trong quân đội nên khi thấy trường hợp cô gái trẻ nhảy sông tự tử mà trong khả năng mình có thể cứu được, tôi đã không đắn đo, suy nghĩ”.

Được biết ngoài cứu cô gái nhảy sông tự tử, anh Lê Huy Sinh đã từng 4 lần giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông. Trong đó có những trường hợp rất nặng, nếu không được anh giúp đỡ kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Cuộc sống đang xuất hiện ngày một nhiều hơn những tấm gương bình dị mà cao quý. Đó là câu chuyện về lòng trung thực của em Nguyễn Bình Minh, học sinh lớp 8A, Trường THCS Đông Tân (TP Thanh Hóa) đã chủ động trả lại hơn 70 triệu đồng nhặt được trên đường đi học về cho người đánh rơi. Tinh thần nêu gương của đảng viên Tô Thị Tuất ở thôn Quý Xá, xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa) 91 tuổi đời và 65 năm tuổi Đảng đã gương mẫu hiến 570m2 đất để xây dựng khuôn viên nhà văn hóa thôn và tiết kiệm lương hưu trí trao thưởng các cháu đỗ đại học. Nghĩa cử cao đẹp của ông Bùi Văn Viết, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Minh Quý (huyện Hậu Lộc) đã tặng vé xe miễn phí cho học sinh, sinh viên, người nghèo và hàng nghìn người dân đi khám và điều trị bệnh ở Hà Nội (trị giá khoảng 3 tỷ đồng). Thương binh Lê Văn Tập ở phố Quảng Xá, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) vượt qua hoàn cảnh khó khăn (2 người con trai bị nhiễm chất độc da cam không có khả năng lao động, người con gái mắc bệnh hiểm nghèo) tình nguyện tham gia đội tiêu binh của phường, một mình một xe, một loa đi khắp ngõ, hẻm, các phố của phường, tham gia tuyên truyền lưu động. Đặc biệt, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ông Tập đã cùng với cán bộ tổ dân phố Quảng Xá tham gia tổ giám sát cộng đồng và tiếp tục đảm nhận công tác tuyên truyền lưu động về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, góp phần không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng...

Những tấm gương tập thể, cá nhân mặc dù ở lĩnh vực khác nhau, vị trí, vai trò nhiệm vụ khác nhau nhưng đều có điểm chung là đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương của Bác bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Đây chính là những nhân tố tích cực, thể hiện rõ sự gương mẫu, đi đầu trong mọi nhiệm vụ công tác; đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với tập thể, cơ quan, đơn vị, cộng đồng, xã hội và tận tụy phục vụ Nhân dân.

Nhóm phóng viên XDĐ-NC

Theo https://baothanhhoa.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website