Nói đến lớp phi công tiêm kích đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam, tôi nhớ tới Thiếu tướng Mai Văn Cương, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, hiện ở phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội). Thời trẻ, ông đã bắn hạ 8 máy bay Mỹ và vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ.
Sinh ra và lớn lên tại xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, tháng 3 năm 1959 khi tròn 18 tuổi, Mai Văn Cương nhập ngũ trở thành chiến sỹ của Sư đoàn 304. Năm 1961, trải qua nhiều lần kiểm tra, tuyển chọn hết sức nghiêm ngặt, Mai Văn Cương trúng tuyển phi công, được cử sang Liên Xô học tập và rèn luyện. Kết thúc khóa học, anh đã tốt nghiệp trên một số loại máy bay của Liên Xô và năm 1966 trở về nước tham gia chiến đấu tại Sư đoàn Không quân 371.
Chân dung phi công Mai Văn Cương thời trẻ
Trong kháng chiến chống Mỹ, Mai Văn Cương đã cất cánh 98 lần, gặp địch 21 lần, nổ súng 15 lần, bắn rơi 8 máy bay phản lực Mỹ: 2 chiếc F-4C, 3 chiếc F-105, 3 máy bay không người lái (7 chiếc rơi tại chỗ) và cùng Biên đội bắn rơi 2 chiếc khác.
Sau một loạt trận đánh đầy ấn tượng của những cánh “én bạc” Đoàn Không quân Sao Đỏ, Sư đoàn Không quân 371, cuối năm 1966, Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân quyết định dành cho các phi công chiến đấu một vinh dự đặc biệt: được gặp Bác Hồ!
Chỉ vào bức ảnh Bác Hồ chụp cùng các phi công lập thành tích xuất sắc, nét mặt ông rạng ngời, ông kể: “Trong đời, tôi vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Tôi rất vui và hạnh phúc. Tôi còn nhớ đó là ngày 10/12/1966, Bác cho mời 24 chiến sỹ lái máy bay của Quân chủng Phòng không- Không quân tới Phủ Chủ tịch. Lúc ấy, tôi mới bắn rơi 1 chiếc máy bay Mỹ”.
Ngày 08/10/1966, Biên đội của Mai Văn Cương được lệnh xuất kích về phía Hà Nội và được thông báo có nhiều máy địch đang đánh phá vùng trời Đông Anh. Phi công trẻ Mai Văn Cương đã mưu trí lao vào đội hình địch, bắn yểm hộ cho số 1, uy hiếp tinh thần địch làm chúng vội vàng bỏ mục tiêu tháo chạy. Bị lạc đội hình, nhưng anh vẫn bình tĩnh bám luôn một tốp 4 chiếc F-105 khác, rồi khéo léo sử dụng rocket bắn rơi tại chỗ 1 chiếc E-105 trên vùng trời Tam Đảo.
Thiếu tướng Mai Văn Cương nhớ lại: “Năm 1966 là năm Không quân ta chiến đấu ác liệt nhất, chúng tôi gồm 24 phi công có thành tích xuất sắc trong chiến đấu được Bác Hồ cho mời tới Phủ Chủ tịch. Đến nơi, chúng tôi được mời vào một căn phòng rộng. Bác Hồ tiếp chúng tôi ở đó. Trong buổi tiếp các phi công, còn có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lãnh đạo Quân chủng Phòng không- Không quân... Trong buổi gặp mặt đó, chúng tôi được Bác mời ăn bánh kẹo. Chúng tôi kể chuyện rèn luyện, chiến đấu cho Bác nghe, rồi được chụp ảnh chung với Bác. Trong ảnh, tôi ngồi hàng 2, thứ 3 từ trái sang phải”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số đồng chí lãnh đạo chụp ảnh với các phi công
lập thành tích xuất sắc, ngày 10/12/1966.
Khi nghe các chiến sỹ kể chuyện chiến đấu ngoài mặt trận, Người đã ân cần thăm hỏi và động viên các chiến sỹ: “Các cháu giỏi lắm, các cháu bắn rơi máy bay của không quân Mỹ, như thế là đánh vào lực lượng không quân hiện đại nhất, có nhiều máy bay hiện đại và phi công có nhiều giờ bay. Chúng ta mở mặt trận trên không như vậy là rất tốt. Các cháu đã bắn rơi nhiều máy bay nhưng các cháu phải thường xuyên rút kinh nghiệm, tìm ra nhiều cách đánh hay hơn nữa, bắn rơi nhiều máy bay hơn nữa và bắt sống nhiều giặc lái...”.
Rồi Người ân cần nói: “Mỗi cháu bắn rơi một chiếc máy bay Mỹ, Bác tặng một chiếc Huy hiệu”. Tiếp đó, đồng chí Vũ Kỳ chuyển những chiếc Huy hiệu Bác Hồ tặng cho chúng tôi.
Mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến lực lượng không quân mới ra đời. Có thể nói, các chiến sỹ lái máy bay trẻ của Việt Nam, hầu hết là những thanh niên nông thôn, vừa tạm xa tay cày, tay cuốc, ruộng đồng lên đường đi học lái máy bay chiến đấu, nhưng mỗi lần xuất trận, họ đã chiến đấu hết mình với phi công Mỹ dày dạn, có nhiều kinh nghiệm và máy bay hiện đại. Điển hình ngày 28/4/1967, Biên đội Mai Văn Cương cất cánh chặn địch ở vùng trời Nghĩa Lộ. Phát hiện hai chiếc R-105, số 1 được anh em yểm hộ liền nhanh chóng xông vào công kích địch. Chiếc F-105 đã lao xuống khe núi tháo chạy. Mai Văn Cương dùng kỹ thuật bổ nhào theo, bắn tiếp một phát tên lửa, chiếc máy bay trúng đạn bốc cháy, rơi tại chỗ....
Trong cuộc chiến quyết liệt, theo lời căn dặn của Bác, phi công Mai Văn Cương cùng đồng đội quyết tâm chiến đấu, càng đánh thì càng hăng, càng gặp địch thì càng có mưu mẹo tốt hơn, tiến công và bắn rơi địch, ngăn chặn địch đánh phá Thủ đô Hà Nội nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội miền Bắc đồng thời góp phần giải phóng miền Nam.
Lần thứ hai, ông Mai Văn Cương nhớ mãi đó là ngày 16 tháng 2 năm 1969, ông cùng một số chiến sỹ có thành tích xuất sắc vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết tại Hội trường của Quân chủng Phòng không- Không quân.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ông Mai Văn Cương đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1969 và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý khác, gồm: 1 Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; 2 Huân chương Quân công hạng Ba; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến công hạng Ba; 1 Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huân chương chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huy chương Quân kỳ quyết thắng và 8 Huy hiệu Bác Hồ./.
Phí Thị Hồng Vân
Theo https://baotanghochiminh.vn