Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đoàn Cao xạ Tam Đảo, ngày 25-9-1966. Ảnh tư liệu
1. “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”, là nguồn sức mạnh của Quân đội
Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong đấu tranh cách mạng vào điều kiện Việt Nam, thấm nhuần sâu sắc truyền thống văn hóa “nước lấy dân làm gốc” trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trong quá trình tổ chức, xây dựng, giáo dục, rèn luyện quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân, coi nhân dân là nền tảng, là cội nguồn sức mạnh của quân đội. Người khẳng định: “Không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”(1). Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”. Người cho rằng: “Sự đoàn kết nhất trí giữa Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân ta trở thành một lực lượng vô cùng to lớn. Nó giúp ta vượt qua tất cả mọi khó khăn gian khổ. Nó rèn luyện cho chiến sĩ, cán bộ và đồng bào ta thành những người anh hùng”(2).
Chỉ có đoàn kết chặt chẽ với nhân dân, dựa vào dân, được nhân dân tin yêu như con em ruột thịt thì Quân đội mới có được những thuận lợi trong chiến đấu, công tác, sản xuất cũng như trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Cách xa dân, không gắn bó với nhân dân, không liên hệ mật thiết với nhân dân, không dựa vào dân thì Quân đội không thể có sức mạnh, không thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đoàn kết quân dân là nguồn sức mạnh của Quân đội ta được thể hiện ở chỗ nhân dân không chỉ là nguồn cung cấp nhân tài, vật lực cho bộ đội, mà còn là lực lượng luôn che chở, nuôi dưỡng, đùm bọc, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong những năm tháng chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh nhân dân ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương đã biết vượt lên những khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần để chắt chiu từng lon gạo, hạt muối, tấm áo, đồng tiền giúp đỡ bộ đội. Nhân dân còn là người chịu mất mát, hy sinh để che chở cho bộ đội trong những giờ phút một mất một còn, giữa cái sống và cái chết trong vòng vây của kẻ thù. Trong điều kiện hòa bình xây dựng đất nước, nhân dân là người giúp đỡ bộ đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cũng như trong thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống thiên tai, dịch họa, cứu hộ, cứu nạn… Chính nhờ sự giúp đỡ của nhân dân mà sức mạnh của “Bộ đội Cụ Hồ” không ngừng được củng cố và tăng cường, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng được hoàn thiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Các chiến sĩ và nhân dân. Như cá với nước phải gần gụi nhau” (tập 5, tr.406). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu quân dân đoàn kết, học hỏi lẫn nhau: “Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”(3).
Như vậy,“Quân với dân như cá với nước”, Quân đội phải “hiếu với dân” là cách thể hiện rất độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ mật thiết giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Phẩm chất hiếu với dân của quân đội phản ánh thực tiễn xây dựng, trưởng thành, chiến đấu, công tác của quân đội, được quy định bởi sự thống nhất về mục tiêu, lý tưởng của nhân dân và quân đội. Bao trùm nhất của lòng hiếu với dân của quân đội ta là “vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó vừa là mục tiêu chiến đấu, vừa là phương châm hành động của tất cả cán bộ, chiến sĩ quân đội trong mọi giai đoạn cách mạng; ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, quân đội ta không có mục đích tự thân nào khác.
2. Tăng cường gắn bó máu thịt giữa Quân đội với Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của
Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại một khu rừng giữa
hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo,huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh tư liệu
Chỉ có quân đội cách mạng mới có thể có đầy đủ nguồn sức mạnh từ nhân dân, nguồn sức mạnh vô tận, không bao giờ cạn kiệt, bảo đảm sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội, thể hiện ưu thế hơn hẳn so với quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Trong giai đoạn hiện nay, trước sự tác động của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, trước những tác động của điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội, nhất là trước những tác động từ mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, của quá trình mở cửa, hội nhập, giao lưu quốc tế, cũng như sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hoà bình” với những thủ đoạn, biện pháp hết sức thâm độc nhằm chia rẽ quân đội với nhân dân, thì tinh thần đoàn kết quân dân, sự thương yêu, giúp đỡ của nhân dân đối với quân đội và sự hy sinh phục vụ nhân dân của quân đội càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa hơn bao giờ hết đối với việc củng cố, tăng cường sức mạnh của “Bộ đội Cụ Hồ”. Chính vì vậy, tăng cường mối quan hệ quân - dân luôn luôn là yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong tất cả các giai đoạn cách mạng. Thấm nhuần quan điểm tư tưởng: “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là "cứu tinh" của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân”(4), để tăng cường gắn bó máu thịt giữa Quân đội với Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới cần quán triệt một số giải pháp sau:
Một là, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu tổng kết những bài học kinh nghiệm về sự đoàn kết quân dân trong củng cố, tăng cường sức mạnh của Quân đội ta trong những cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong thời kỳ hoà bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để vận dụng vào giai đoạn mới. Đồng thời, tiếp tục đi sâu nghiên cứu những yêu cầu, nội dung, hình thức, biện pháp giải quyết mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân, làm rõ hơn vai trò của nhân dân, của việc phát huy sức mạnh của nhân dân trong củng cố, tăng cường sức mạnh của quân đội, cũng như vai trò của quân đội trong việc giúp đỡ dân, bảo vệ dân, củng cố cái nền gốc tạo nên sức mạnh của quân đội, của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Hai là, chủ động nắm, dự báo tình hình, tham mưu đúng, trúng, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, vận dụng linh hoạt các nội dung, hình thức công tác dân vận phù hợp. Cơ quan dân vận, cán bộ dân vận và cơ quan chính trị các cấp phải thường xuyên nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương, bám sát địa bàn; dự báo đúng tình hình để tham mưu với cấp ủy, chỉ huy các cấp kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp. Trong thực hiện, cần vận dụng linh hoạt các hình thức; chú ý lồng ghép, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng đơn vị “Dân vận tốt” gắn với phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội.
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đặc biệt trong các nhiệm vụ. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 154-CT/ĐUQSTW, ngày 09-4-2008 của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Hướng dẫn 445/HD-CT của Tổng cục Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền đặc biệt trong tình hình mới”. Trước mắt tập trung tuyên truyền và thực hiện Chỉ thị Số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 747-CT/QUTW ngày 23/7/2019 của Quân uỷ Trung ương về đại hội Đảng các cấp, trong Đảng bộ Quân đội, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, hướng dẫn, triển khai các hoạt động công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt; đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bốn là, thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất, nhất là thông qua công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân, thực hiện tốt mối quan hệ quân với dân như cá với nước phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới. Đồng thời, thông qua công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách và sự kết hợp giữa các mặt công tác đó mà tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân. Làm cho mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc Việt Nam ý thức được sâu sắc nhiệm vụ chăm lo xây dựng quân đội, cũng như làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ quân đội ý thức sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm, tình cảm đối với nhân dân, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu, hy sinh vì dân, sẵn sàng xả thân giúp đỡ nhân dân trong khó khăn, hoạn nạn.
Năm là, thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng sức dân, chăm lo vun trồng cái nền, gốc vững mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, những địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, những căn cứ cách mạng, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện tốt lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” gắn với thực hiện tốt 12 điều kỷ luật khi quan hệ với Nhân dân.
Thực tiễn xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội, cũng như thực tiễn xây dựng, tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội đã khẳng định vai trò của sự đoàn kết quân dân, là một trong những nguồn gốc quan trọng đối với việc củng cố, tăng cường sức mạnh của Quân đội ta. Đây là một vấn đề lý luận và thực tiễn quan trong trong xây dựng, củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội; đồng thời, còn là một trong những bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra từ thực tiễn xây dựng Quân đội ta trong 75 năm qua, không chỉ có ý nghĩa, giá trị trong lịch sử, mà còn được vận dụng trong củng cố, tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội trong điều kiện mới đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới./.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.485
(2) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.85
(3) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, tr.435
(4) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.76
Nguyễn Bảo Minh