Những trang văn thấm đẫm tình yêu với Bác

 Tác phẩm “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” của tác giả Trình Quang Phú.

Dù xuất bản lần đầu tiên cách đây hơn 20 năm (năm 1996), nhưng “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” vẫn được độc giả ngày nay yêu thích, đón nhận. Việc cuốn sách được tái bản đến 19 lần ở sáu nhà xuất bản là minh chứng cho tình cảm đặc biệt của độc giả dành cho tác phẩm viết về Bác Hồ kính yêu.

Buổi sinh hoạt diễn ra gọn nhẹ trong những ngày TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy số lượng tác giả đến tham dự khá ít theo đúng quy định, mỗi người lại ngồi cách nhau 2 m nhưng những câu chuyện, những trao đổi chân tình về tác phẩm khiến không gian buổi sinh hoạt trở nên ấm áp, và nhiều xúc cảm.

Các nhà văn đều nhận định rằng, viết về Bác Hồ luôn là đề tài lớn. Và vì đề tài lớn nên khác với những lát cắt cảm xúc được khắc họa nhiều trong thơ ca, không phải nhà văn nào cũng đủ tầm để có thể tạo nên dấu ấn khi viết về Người. “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” của giáo sư, tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú là tập ký viết về Bác Hồ giai đoạn thời niên thiếu đến khi rời Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước; đó là hồi ức của các đồng chí lãnh đạo, các anh hùng dũng sĩ, các cán bộ miền nam được gặp Bác Hồ. Chính những câu chuyện giản dị, bé nhỏ, rất thật, những ứng xử đời thường lại khắc họa thành công tầm vóc vĩ nhân.

Cuốn sách chia ra hai phần: Miền Nam trong trái tim Người và Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng. Nhà văn Trình Quang Phú đã chọn thể loại ký, kể lại những câu chuyện thật từ kỷ niệm, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ngôn ngữ viết giản dị, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về địa phương, vùng đất nơi Người sinh ra và lớn lên cũng như những nơi bước chân Người đi qua khi đặt chân lên Bến Nhà Rồng. Điều này không nhiều nhà văn làm được. Nhà văn Trình Quang Phú sinh ra ở Phú Yên, có nhiều năm công tác tại Nghệ An, cùng với hàng chục năm sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Có lẽ chính cơ duyên gắn bó với những vùng đất ấy đã giúp ông hiểu, mến yêu và thể hiện câu chuyện rất thành công.

Những trang sách viết về tấm lòng người miền nam đối với Bác, tình cảm Bác đối với miền nam là điểm nhấn của cuốn sách này. Tình cảm son sắt ấy được nhà văn Trình Quang Phú kể lại bằng những câu chuyện súc tích, cảm động, đi vào lòng người.

Người đọc sẽ lặng đi trước câu chuyện về nữ du kích Quảng Nam Huỳnh Thị Kiển – người bị giặc bắt, chặt chân vẫn giữ tấm lòng kiên trung kể lại kỷ niệm ngày gặp Bác: “Thưa Bác, cháu cũng như nhiều bạn cháu ở miền nam luôn nghĩ rằng: Trong chiến đấu dù bị cụt hết tay chân mà còn đôi mắt sáng để đến ngày chiến thắng, được nhìn thấy Bác thì không bao giờ buồn. Hôm nay, cháu được gặp Bác, cháu chỉ biết vui suốt đời. Nghe tôi nói đến câu đó, mắt Bác chớp nhanh. Giọt nước mắt lăn trên đôi gò má Bác”. Cô du kích ấy về sau được qua Hungari lắp chân giả, tập đi lại những bước thăng bằng, cảm nhận được cái tình của Bác trong cả những bước chân mình: “Biết rằng từng bước đi của tôi có tình thương và sức mạnh của Bác. Tôi nguyện sẽ đi nhanh hơn, để có thể trở về đội ngũ”…

Hay như câu chuyện mà Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Tạ Thị Kiều (Mười Lý), quê xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, kể lại với tác giả về những ngày Xuân về thăm Bác trong cuộc đời của bà đã cho thấy tình cảm đặc biệt của Bác dành cho đồng bào miền nam, cũng như tấm lòng thiết tha của người dân miền nam dành cho Bác. Bà kể rằng, “những lần gặp Bác là những vinh dự, hạnh phúc to lớn, đó là những liều thuốc hồi sinh” giúp bà trở nên mạnh mẽ hơn. Những lời dạy bảo của Bác dành cho bà, dù là những chi tiết rất nhỏ như cách chăm sóc bản thân, cách phát âm, cách đọc sao cho chuẩn… đều là những lời quý giá mà bà Mười Lý khắc ghi trong suốt cuộc đời của mình.

Miền nam, là nơi lúc trẻ người thanh niên chí lớn Nguyễn Tất Thành xuyên dọc chiều dài đất nước, từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Miền nam cũng là nơi trái tim Bác luôn đau đáu hướng về: “Có thể nói rằng, ở miền nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và nếu gộp những đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại, thì đó chính là nỗi đau khổ của tôi”. Cho đến phút cuối cuộc đời lúc nào Bác cũng dành cho miền nam những tình cảm to lớn và sâu sắc nhất.

Chọn cho mình một lối đi riêng, hầu hết tác phẩm trong đời viết của Trình Quang Phú đều viết về Bác Hồ. “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng”, “Đường Bác Hồ đi cứu nước”, “Theo Bác Hồ đi kháng chiến”… Lối đi này, quả thực không dễ dàng. Nhưng bằng sự hiểu biết, tình cảm chân thành, sâu sắc của mình, ông đã viết và đã được độc giả đồng cảm trên hành trình văn chương của mình.

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm cho rằng, lối viết của nhà văn Trình Quang Phú thuyết phục, sâu sắc, mỗi câu chuyện là một bài ca, ngân rung như tiếng đàn bầu, khắc họa chân thật, tình cảm chứa chan sâu đậm của Bác Hồ với nhân dân, đặc biệt đối với đồng bào miền nam. “Chỉ có những người đã được gặp Bác, được gần Bác, công tác bên Bác, thì mới có thể hiểu, và viết về Bác sâu sắc như thế. Đó không phải là kiểu viết “đứng từ xa” hay dưới góc nhìn “trung dung, suy tưởng”” - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm nhận định.

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Trình Quang Phú là một người dành suốt cả cuộc đời viết đề tài về Bác Hồ, về Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng tôn kính vô bờ, với tình yêu vô cùng sâu sắc và với sự ý thức rất cao về thiên chức của người cầm bút. Nhà văn đã tạo cho tác phẩm “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” có một sức sống bền bỉ; đó là tác phẩm đạt được giá trị chân thực, giàu cảm xúc và truyền được cảm xúc ấy đến với người đọc.

Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” cho tới nay đã in đến lần thứ 20 (sau mỗi lần tái bản, được tác giả bổ sung thêm tư liệu) và số bản in lên tới nhiều vạn bản, điều này, minh chứng cho sự cần thiết, rất cần thiết, đó là những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt được giá trị chân thực, bạn đọc sẽ luôn tìm đọc. “Đọc không chỉ để hiểu thêm về cuộc đời của Bác, mà còn để được soi mình vào tấm gương của Bác, để tự răn mình và hoàn thiện mình” - nhà văn Bích Nhân chia sẻ.

Mạnh Hảo

Theo https://nhandan.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website