Cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ bến cảng Sài Gòn rời Tổ quốc để khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước. Qua hơn 1 thế kỷ, câu chuyện vì sao Người lại chọn Sài Gòn làm điểm khởi đầu hành trình lịch sử ấy vẫn là một điều thú vị, giúp chúng ta hiểu thêm giá trị lựa chọn con đường giải phóng dân tộc của Người.
Ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng (ảnh), Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Ảnh tư liệu: TTXVN
… Ngày 2/6/1911, tàu Amiral Latouche Tréville của hãng vận tải Hợp nhất (thường gọi hãng Nǎm Sao) đậu ở cảng Sài Gòn. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành được biết tàu đang chuẩn bị đi Marseille (Pháp). Với lời tha thiết xin việc làm trên tàu để có dịp xuất dương, anh gặp thuyền trưởng và nói mình có thể làm bất cứ công việc gì trên tàu, thuyền trưởng nhận anh xuống làm phụ bếp. Ngày 3/6/1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc với tấm thẻ mang tên “Văn Ba”. Trưa 5/6/1911, tàu Latouche Tréville rời bến cảng Sài Gòn…
Hành trình mới của người phụ bếp Văn Ba từ đâu và tại sao lại bắt đầu như vậy?
Đầu thế kỷ XX ở Việt Nam đã có nhiều cửa ngõ thông thương ra nước ngoài; ngoài hai cửa cảng lớn là Hải Phòng và Sài Gòn, còn có đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng và những cửa khẩu nối các xứ thuộc địa Đông Dương với các thị trường hàng hóa, nguyên liệu khác. Tàu buôn của Pháp và các nước tấp nập vào ra các cảng là cơ hội cho người bản xứ thực hiện nhiều chuyến xuất dương.
Thời ấy, một số sĩ phu yêu nước vì muốn "cứu giống nòi khỏi ách nô lệ" cũng muốn tìm con đường riêng của mình. Chí sĩ Phan Bội Châu khi tìm đường xuất dương, ông và các đồng sự ngược đường đến Trung Quốc rồi sang Nhật, khởi đầu phong trào Đông Du. Còn chí sĩ Phan Chu Trinh từng phản đối việc bạo động và không muốn vọng ngoại. Vì thế ông xuất dương qua Hong Kong để sang Nhật. Nhưng chỉ có người thanh niên Nguyễn Tất Thành hướng đến nơi sáng tạo ra 6 chữ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” - nước Pháp.
Với việc tham gia cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Kỳ chống thuế (năm 1908), Nguyễn Tất Thành hiểu rõ cần phải tìm con đường mới với ý định xuất dương để cứu nước.
Vì thế, Sài Gòn trở thành nơi chuẩn bị trực tiếp cho việc thực hiện ý định “Muốn ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta” của người thanh niên yêu nước ấy.
Thời đó, Sài Gòn có 3 khác biệt mà không nơi nào ở thuộc địa này có được. Thứ nhất, Sài Gòn là thuộc địa, xứ “Đông Pháp” - nơi thể hiện rõ xã hội Pháp ở thuộc địa, hiện đại, sầm uất, thực trạng cuộc sống của dân chúng ở Sài Gòn cũng như chế độ cai trị của Pháp ở Sài Gòn đã tạo ra những tương phản lớn trong sự so sánh về văn minh Pháp. Hai, Sài Gòn là nơi được tự do hơn các xứ khác ở Việt Nam trong việc đi lại, tìm kiếm công ăn việc làm tạm thời để kiếm sống, do vậy dễ tìm kiếm manh mối cho việc xuất dương. Ba, Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam Kỳ, đầu mối giao thông nên thuận tiện hơn các xứ khác trong việc xuất dương; nhất là Sài Gòn lúc ấy có những công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp - Đông Dương (hãng Năm Sao…), thuận lợi cho người tìm kiếm đường sang Pháp.
Sự lựa chọn Sài Gòn của Nguyễn Tất Thành không chỉ khác biệt với sự lựa chọn của các sĩ phu đi trước về hướng đi và mục tiêu tìm kiếm, mà còn tạo ra sự khác biệt cách thức thực hiện hành trình tìm đường cứu nước.
Đó là Nguyễn Tất Thành đã có vốn tiếng Hán, tiếng Pháp để đọc sách làm quen với những tư tưởng mới, từ đó có thể phân tích được những chính kiến. Anh nhận ra cái hạn chế của việc xuất dương Đông du và thấy cái chưa thiết thực của con đường cải lương dân chủ. Nhận thức được văn minh nước Pháp và nhận thức được lầm than của dân tộc mình, vì thế người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết “phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” (trả lời nhà văn Mỹ Anna Louis Strong năm 1965).
Chỉ khoảng 4 tháng sống trên đất Sài Gòn, hòa cùng đời sống người dân lao động, Nguyễn Tất Thành nhanh chóng tìm hiểu thành phố đô hội vào bậc nhất của chế độ thực dân Pháp ở phương Đông…
Càng thâm nhập vào đời sống của quần chúng lao động ở Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành càng quyết tâm và hy vọng sớm có chuyến đi tìm con đường mới cho những người dân trên đất thuộc địa này hết khổ cực. Những ngày sống ở Sài Gòn đã tiếp thêm ý chí, nghị lực, vốn sống cho anh trên bước đường thực hiện những mục tiêu hoài bão tuổi trẻ muốn cứu nước và giải phóng dân tộc khỏi chế độ thuộc địa.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours (Pháp) năm 1920. Ảnh tư liệu Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo đó, hành trình 30 năm bôn ba với 10 năm tìm đường cứu nước (1911-1920), Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc đã qua 3 đại dương (Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương) với 4 châu lục (Á, Âu, Phi, Mỹ) và gần 30 quốc gia, để xem “các nước họ làm như thế nào”.
Dấn thân, trải nghiệm và “Hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/Những đất tự do, những trời nô lệ/Những con đường cách mạng đang tìm đi” (Người đi tìm hình của nước), Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện kịp thời “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lenin tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản năm 1920 (đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp).
Luận cương của Lenin có đề cập vấn đề dân tộc và thuộc địa đã làm cho Người “phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên". Ngồi một mình trong buồng, Người đã nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Như vậy, sự lựa chọn Sài Gòn làm điểm khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước là một lựa chọn lịch sử; tuy có khác biệt trong hoàn cảnh phong trào tìm đường cứu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX, nhưng là quá trình logic tất yếu có cơ sở vững chắc - một thời niên thiếu được học tập và truyền thụ lòng yêu nước từ gia đình, quê hương, các lớp tiền bối; một thời thanh niên với gần 3 năm trực tiếp chuẩn bị cho chuyến khởi hành từ Sài Gòn và rồi gần 10 năm sau, Người đã thấy “Mặt trời Nga bừng chiếu ở phương Đông”.
Trong quá trình dài và từng bước ấy, Nguyễn Ái Quốc nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười Nga mở ra; cho đến khi khẳng định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, là lúc Người đã vận dụng sáng tạo “cẩm nang thần kỳ” ấy vào thực tiễn Việt Nam, đưa cách mạng đến bến bờ vinh quang.
Hà Minh Hồng
Theo http://baochinhphu.vn