Con tàu Đô đốc Latouche-Tréville (Ảnh tư liệu)
1. Nguyễn Ái Quốc với hành trình tìm ra con đường cứu nước đúng đắn
Ngày 5-6-1911, với khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, Người rời bến cảng Nhà Rồng, “muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(1).
Với hành trang là lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, ôm ấp khát vọng lớn lao tìm ra con đường cứu nước, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, dưới tên Văn Ba, làm nghề phụ bếp, Người chọn nước Pháp là nơi dừng chân đầu tiên khi sang phương Tây, bởi vì “Nguồn gốc những đau khổ và áp bức dân tộc là ở ngay tại “chính quốc”, ở nước đế quốc thống trị dân tộc mình”(2). Trên hành trình bôn ba thế giới, đi qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa và nhất là qua khảo sát các cuộc cách mạng tư sản điển hình là cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ, Người nhận thấy, các cuộc cách mạng đó đều “không đến nơi”, bởi: “Tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(3). Tại các nước tư bản ấy, đằng sau các khái niệm “Tự do, bình đẳng, bác ái”, công lý, nhân quyền, khai hóa…, là sự phản bội, lừa bịp của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, là niềm đau khổ tột cùng của nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột.
Chính những nhận thức sâu sắc đó, đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành quyết định gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Ngày 18-6-1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước, với tên gọi mới Nguyễn Ái Quốc gửi bản Yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Versailles (Vécxây) đòi những quyền dân tộc tự quyết. Mặc dù các yêu sách đó không được các nước đế quốc chấp nhận, nhưng đã gây tiếng vang lớn trong dư luận Pháp và những người yêu nước Việt Nam tại Pháp và ở Việt Nam.
Tháng 7-1920, trên báo L’Humanité (Nhân Đạo), Nguyễn Ái Quốc đọc được toàn văn tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địacủa V.I.Lêninvà nhận thấy tác phẩm “là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, Người đã hướng niềm tin vào Lênin và Quốc tế III, tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, đứng về phía những người cánh tả Đảng Xã hội Pháp bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III (1920) và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ khi trở thành người cộng sản, Người tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa (1922), dự Hội nghị Quốc tế Nông dân (1923), tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản (1924) và có nhiều bài phát biểu quan trọng lên án chủ nghĩa thực dân, không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản, các đảng cộng sản ở chính quốc về vấn đề thuộc địa. Cuối năm 1924, Người tới Quảng Châu (Trung Quốc) xúc tiến thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (1925), xuất bản Báo Thanh Niên (1925), mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam (1925-1927), xuất bản cuốn Đường kách mệnh (1927), chuẩn bị những điều kiện về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà Người đã lựa chọn. Cuối năm 1929, đầu năm 1930, trước sự chia rẽ, trannh chấp ảnh hưởng trong quần chúng của các tổ chức cộng sản trong nước, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đến Hương Cảng (Trung Quốc) triệu tập Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất ở Việt Nam.
Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1920 với nhữngkhảo nghiệm, phân tích thực tế xã hội, chế độ chính trị của nhiều quốc gia lớn, nhỏ, giàu, nghèo ở hầu khắp các châu lục, để tìm ra bản chất của các học thuyết và các cuộc cách mạng trên thế giới, từ đó chắt lọc, vận dụng và phát triển phù hợp với yêu cầu của dân tộc.
2. Trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước
Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28-1-1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Người chủ trì Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 tại Khuổi Nặm, Hà Quảng, Cao Bằng quyết định những vấn đề lớn của cách mạng. Hội nghị đánh dấu sự hoàn chỉnh đường lối chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xử lý đúng đắn đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, quyết tâm, giành độc lập với khẩu hiệu độc lập trên hết, Tổ quốc trên hết. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh (19-5-1941) để tập hợp đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc với các tổ chức, đoàn thể cứu quốc; xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang; xác định phương pháp đấu tranh khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền…
Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, là thành quả của cuộc đấu tranh kiên cường của cả dân tộc Việt Nam do Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đó là thành quả của ý chí tự lực, tự cường, khát vọng độc lập, tự do, phát triển đất nước mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nêu cao và được cả dân tộc nhận thức và hành động.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, toàn thể dân tộc Việt Nam trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, nhưng vô cùng anh dũng và tự hào, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Bác kính yêu đã làm nên một Điện Biên lịch sử - “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, là hậu phương vững chắc cho cách mạng cả nước. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Từ miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng ngày đêm tập trung sức lực, trí tuệ, chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam.Người tin tưởng: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”(4). Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước độc lập, thống nhất, khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thành hiện thực.
* *
*
Từ khi ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc (1911), đến khi về cõi vĩnh hằng (1969) với sự cống hiến, hy sinh cả cuộc đời mình cho dân tộc, Người đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả, đáp ứng khát vọng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.Ngày 5/6/1911 trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là đối với cả dân tộc ta. Khát vọng cháy bỏng của Người“là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(5) đã được Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện thực hiện hơn 90 năm qua.
-------------------
(1)Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 1, tr.45.
(2)Tìm hiểu một số vấn đề trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982, tr.14.
(3)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.296.
(4)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.618.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.187.
TS Dương Minh Huệ
Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh