Nhà máy Z127, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (tiền thân là Công trường 6501 với phiên hiệu 9007) thành lập ngày 06/5/1966 theo Quyết định số 422/QĐ5 của Tổng cục Hậu cần với nhiệm vụ thiết kế, đúc các loại vỏ đạn súng cối, trang bị kỹ thuật, thiết bị, phụ tùng ôtô phục vụ cho các chiến trường đánh Mỹ. Hiện nay, Nhà máy là doanh nghiệp quốc phòng chuyên sản xuất, cung cấp vật tư và các sản phẩm bằng kim loại, hợp kim đen, hợp kim màu phục vụ cho công nghiệp quốc phòng và nền kinh tế quốc dân. Với những thành tích đạt được, Nhà máy được Nhà nước tặng: 03 Huân chương Quân công (02 hạng Nhì, 01 hạng Ba); 20 Huân chương Chiến công (02 hạng Nhất, 09 hạng Nhì, 09 hạng Ba); 03 Huân chương Lao động (01 hạng Nhì, 02 hạng Ba); Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Issara hạng Ba (năm 1985) và nhiều phần thưởng cao quý; đồng chí Phạm Viết Đức của Nhà máy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1971).
Hội nghị Đảng ủy Nhà máy ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ năm 2021
Trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và những thách thức trong hội nhập quốc tế, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy xác định nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo; trong đó, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) với nội dung “một tập trung, hai đột phá”(1) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Xây dựng Nhà máy thành trung tâm sản xuất, cung cấp các loại phôi hợp kim chất lượng cao cho sản xuất quốc phòng, kinh tế. Thực hiện lời huấn thị của Bác “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng như thép, như gang”(2), Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật, chủ động định hướng tư tưởng làm cho cán bộ, đảng viên, người lao động thống nhất về nhận thức, hành động, có tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tư tưởng sai trái, chủ nghĩa cá nhân, suy thoái, thực hiện nghiêm kỷ luật thông tin, phát ngôn, giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, góp phần giữ vững sự ổn định về chính trị, tư tưởng trong đơn vị. Thường xuyên xây dựng Đảng bộ Nhà máy vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; trong đó, chú trọng năng lực cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, khả năng chỉ đạo, điều hành, tính năng động, sáng tạo trong thực hiện. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy các cấp, gắn với phân công, phân cấp trách nhiệm của cấp ủy viên và cán bộ chủ trì, chủ chốt; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Những chủ trương, mô hình mới, những khâu đột phá được thảo luận, thống nhất trong cấp ủy, xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cấp ủy viên, người đứng đầu trực tiếp chịu trách nhiệm trước cấp ủy về kết quả tổ chức thực hiện; xử lý kiên quyết, dứt điểm các biểu hiện thiếu dân chủ, mất đoàn kết nội bộ.
Thấm nhuần lời Bác dạy “Quản lý sức người, sức của phải chặt chẽ; phải theo đúng các chế độ Nhà nước đã ban hành; trách nhiệm của mỗi người, mỗi cấp phải rõ ràng”(3), Nhà máy tổ chức đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý ở các bộ phận tinh, gọn, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế lao động gián tiếp, phục vụ bổ trợ, sắp xếp lại lao động và đổi mới nâng cao hiệu quả cơ chế quản lý. Tổ chức sắp xếp lại quy mô sản xuất theo hướng chuyên môn hóa để thuận lợi cho việc điều hành, quản lý, đầu tư thiết bị. Đổi mới quy chế trả lương theo hướng tạo động lực cho người lao động nâng cao hiệu quả sản xuất, công tác; rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban, phân xưởng, trợ lý, nhân viên theo hướng rõ công việc, rõ trách nhiệm; tăng cường phân cấp công việc gắn với trách nhiệm cá nhân. Thực hiện nghiêm quy chế tuyển dụng, có cơ chế thu hút và giữ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi. Đồng thời, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý và nguồn cán bộ quản lý các cấp trong đơn vị; khuyến khích cán bộ, công nhân viên, người lao động tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ mọi mặt.
Cùng với đó, Nhà máy tích cực nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học công nghệ ở các cấp và phối hợp với các đơn vị liên quan tạo ra sản phẩm quốc phòng mới(4). Thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác kiểm tra chất lượng, vật tư, sản phẩm ở tất cả các khâu, các chặng; thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015 và chương trình 5S trong toàn Nhà máy. Duy trì tốt hoạt động của phòng thí nghiệm, tích cực triển khai công tác nghiên cứu chế thử sản phẩm mới, như: sản phẩm núm vặn, cút trơn, phôi bánh răng; sản phẩm trên dây chuyền đúc mẫu tự thiêu (bi Ø40, Ø80,...); sản phẩm easylock, sealing, ống lồng Micromantic, bi rèn Ø125 xuất khẩu; nắp bể cáp, phôi trục cam RV70, RV125; ty sứ GR-47A1/1-3B,... thành công, đưa vào sản xuất loạt ổn định, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, doanh thu, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của Nhà máy. Nhờ đó, từng bước đưa Nhà máy trở thành trung tâm, tạo phôi và luyện kim đáp ứng yêu cầu vật liệu cho sản xuất quốc phòng, kinh tế. Từ năm 2015 đến nay, bình quân doanh thu tăng 11,57%/năm, tổng doanh thu đạt xấp xỉ 1.800 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu khoảng 300 tỷ đồng.
|
Ký kết thỏa ước lao động tập thể tại Hội nghị đại biểu người lao động
Thực hiện đột phá nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng. Quán triệt chỉ thị, nghị quyết của trên, trực tiếp là Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Đảng ủy Nhà máy xây dựng nghị quyết chuyên đề “lãnh đạo nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất kinh tế và xuất khẩu sản phẩm quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Huy động các nguồn lực tốt nhất của Nhà máy về thiết bị, nhân lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng từ các nguồn ngân sách, đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối. Chủ động tham gia chế tạo các chi tiết, sản phẩm phục vụ xuất khẩu vũ khí theo chương trình của Tổng cục và nhiệm vụ động viên công nghiệp quốc phòng được giao. Thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, tăng cường chấn chỉnh công tác vệ sinh lao động, đảm bảo an toàn trong sản xuất, an toàn giao thông. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhất là các đề tài, nhiệm vụ khoa học về vật liệu sản xuất quốc phòng đã được nghiệm thu để áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, sản xuất thép nòng súng bộ binh và súng chống tăng, đạn cối mẫu mới,... góp phần mở rộng chủng loại, nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng. Thời gian tới, Nhà máy tập trung khai thác hiệu quả hai dự án (Dây chuyền sản xuất thép chất lượng cao và Dây chuyền sản xuất nhôm phục vụ cho sản xuất quốc phòng) trọng điểm của Bộ Quốc phòng, góp phần không ngừng nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng.
Thực hiện đột phá nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, làm theo lời Bác “... Kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. Khi đặt kế hoạch phải tuyệt đối tránh sự sơ suất “đại khái”, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng”(5), Nhà máy đẩy mạnh công tác nghiên cứu, lựa chọn, áp dụng chương trình quản lý tiên tiến để xây dựng các chương trình, kế hoạch bảo đảm khoa học, hiệu quả. Thường xuyên sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, ban hành định biên cho các bộ phận phù hợp sát với thực tiễn, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh. Trong quản trị nguồn nhân lực, Nhà máy tiếp tục tinh giảm lực lượng lao động gián tiếp, xây dựng rõ tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ, tay nghề đối với từng vị trí chức danh công việc để quản lý, giám sát, đánh giá; đồng thời, có lộ trình đào tạo, chăm lo, thu hút lao động có chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Nhà máy. Chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng thuộc thế mạnh của Nhà máy, bảo đảm có sản phẩm ngắn hạn và dài hạn để các sản phẩm có sản lượng lớn và giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Đơn vị quản lý tài chính tốt”, nâng cao hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp, đảm bảo đủ nguồn tài chính cho sản xuất, thanh toán các khoản nợ đến hạn, xử lý dứt điểm các khoản nợ quá hạn, nguy cơ nợ xấu, mất vốn.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp; đổi mới công tác maketing, xúc tiến thương mại, bán hàng, giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Nghiên cứu, nắm vững luật pháp về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, tránh rủi ro về tài chính. Từng bước đổi mới cơ chế quản lý, chỉ huy, điều hành tổ chức nhiệm vụ sản xuất kinh tế và công tác tiếp thị, bán hàng, nhất là các sản phẩm xuất khẩu sang các nước, như: Nhật, Đức, Đan Mạch, Lào,... tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Kết quả đạt được bước đầu trong thực hiện “một tập trung, hai đột phá” là động lực để Nhà máy Z127 tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành đúng, linh hoạt, phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng các mặt công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển Nhà máy.
________________
1 - Một tập trung: xây dựng Nhà máy thành trung tâm sản xuất, cung cấp các loại phôi hợp kim chất lượng cao cho sản xuất quốc phòng, kinh tế. Hai đột phá: (1). Nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng; (2). Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.
2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 230.
3 - Sđd, Tập 14, tr. 229.
4 - 5 năm qua (2015 - 2020), Nhà máy có 347 sáng kiến, áp dụng vào sản xuất, giá trị làm lợi đạt 5,430 tỷ đồng.
5 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 146.
Trung tá, TS. LÊ QUỐC VĂN, Giám đốc Nhà máy
Theo http://tapchiqptd.vn