Bộ đội Biên phòng Kon Tum xây dựng “thế trận lòng dân” theo lời Bác Hồ dạy

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa. Nhân hòa là thế nào? Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí”(1). Xây dựng “thế trận lòng dân” thực chất là xây dựng yếu tố “nhân hòa”, quy tụ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí của toàn dân để phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức đúng điều đó, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các ban, bộ, ngành, tỉnh Kon Tum luôn quan tâm đầu tư phát triển về nhiều mặt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, nhân dân đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, yên tâm lao động sản xuất. Tuy nhiên, với hơn 292 km đường biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia; diện tích tự nhiên ở khu vực biên giới rộng, địa hình chủ yếu là núi cao, rừng rậm; dân cư thưa thớt, trình độ dân trí chưa cao; một số phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên giới vẫn còn chậm so với mặt bằng chung của Tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó đoán định,… tác động không nhỏ đến xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới.

 

 Hướng dẫn nhân dân phòng tránh dịch Covid-19

Từ thực tế đó, Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của Tỉnh và các huyện biên giới thống nhất nội dung, triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhân dân địa phương trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới. Nhiều lớp tập huấn cho cán bộ cấp xã, thôn, làng về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; công tác dân tộc, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho người có uy tín; triển khai thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia trong tình hình mới,… đã được tổ chức. Cùng với tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng Tỉnh còn phát huy tốt vai trò lực lượng chuyên trách lồng ghép hoạt động tuyên truyền, vận động trong hội nghị, tập huấn, sinh hoạt, họp thôn và phát động thi đua hằng năm của địa phương, như: “Ngày Biên phòng toàn dân”, “Ngày hội Quốc phòng toàn dân”, “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ  quốc”, “Tháng ba Biên giới”, “Lớp học vùng biên”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Tết Biên giới ấm tình quân dân”, v.v. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hai bên biên giới thông qua hoạt động đối ngoại quân sự, ngoại giao nhân dân, hoạt động giao lưu, trao đổi, thăm thân kết nghĩa bản - bản giữa các cụm dân cư hai bên biên giới; hỗ trợ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và giao lưu nhân kỷ niệm các ngày lễ, Tết, các sự kiện, như: Giao lưu hữu nghị biên giới lần thứ Nhất giữa Kon Tum với tỉnh Sê Kông, Attapư (Lào) và Ratanakiri (Campuchia); Hội đàm thường niên về công tác phối hợp tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới của Lào và Campuchia, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới được nâng lên. Hầu hết nhân dân lao động sản xuất trong vành đai biên giới hoặc gần công trình, mục tiêu biên giới đều có ý thức tự giác đăng ký tham gia tự quản, kiểm tra, bảo vệ đoạn biên giới, cột mốc quốc giới; tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, dòng họ và nhân dân thôn, làng phát huy tinh thần trách nhiệm, tự giác tham gia nắm, cung cấp thông tin, tình hình liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cho chính quyền địa phương và đồn biên phòng(2).

Thấm nhuần lời Bác dạy: “việc hay hay dở, một phần do cán bộ đủ năng lực hay không. Nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo đúng hay không... Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”(3), Đảng ủy, chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực vùng biên vững mạnh. Chú trọng lựa chọn những cán bộ tiêu biểu về phẩm chất, năng lực; tập huấn nâng cao trình độ để họ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi được phân công về địa phương, bám địa bàn. Phát huy tốt vai trò của các tổ, đội công tác vận động quần chúng, cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức phó bí thư đảng ủy các xã biên giới để bám nắm địa bàn, giúp cấp ủy, chính quyền rà soát chất lượng đảng viên, kiện toàn tổ đảng tại các thôn, làng. Chú trọng tạo nguồn phát triển đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ thôn, xã ngang tầm nhiệm vụ, góp phần “xóa” 05 thôn, làng “trắng” đảng viên; giúp đỡ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thôn, xã hoạt động nền nếp, hiệu quả. Nhiều cán bộ nòng cốt của các xã biên giới hiện nay đã trưởng thành từ những lớp học của thầy giáo quân hàm xanh. Đồng thời, chủ động phối hợp với Tỉnh đoàn thực hiện mô hình đưa cán bộ Đoàn Biên phòng giữ chức phó bí thư đoàn xã, bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đoàn, phong trào thanh niên của cả địa phương và Đơn vị. Phát triển mô hình đưa đảng viên đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn; phân công cán bộ Biên phòng là người dân tộc thiểu số kết nghĩa với các hộ gia đình người dân tộc thiểu số nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ, hỗ trợ. Qua đó, gắn bó với nhân dân, địa bàn được giao; vừa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới quốc gia vừa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum vững mạnh.

Tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương bằng những việc làm cụ thể. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Bộ đội Biên phòng kiên trì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân từng bước thay đổi nhận thức, tích cực tham gia các chương trình, dán phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thời vụ, điều kiện thổ nhưỡng. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng tiến hành khảo sát, quy hoạch, xác định chủ trương, giải pháp xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chí nông thôn mới, phù hợp với đặc thù khu vực biên giới. Tích cực tham mưu, phối hợp với địa phương, xây dựng các mô hình, công trình, phần việc giúp dân, gắn tuyên truyền vận động với trực tiếp hướng dẫn cụ thể, tham gia lao động giúp dân sản xuất, chăm sóc, thu hoạch hoa màu, vệ sinh thôn, làng; xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa, v.v. Với khẩu hiệu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và phương châm hành động: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Tỉnh đã “3 bám, 4 cùng”(4) với nhân dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới có hiệu quả, như: Mô hình trồng lúa nước 2 vụ, trồng cây Chùm ngây, cây Sâm dây, v.v.

Để tạo nguồn lực cho các mô hình, dán, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tăng cường vận động, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp, các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài Tỉnh, các doanh nghiệp để xây dựng các quỹ, hội. Nhờ đó, nhiều mô hình có sức sống bền lâu, mang lại hiệu quả, như: Mô hình “Bò giống cho người nghèo”, đã phát triển nhân rộng đàn bò lên 124 con/67 hộ gia đình; Chương trình “Nâng bước em tới trường” nhận đỡ đầu 75 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền 500.000đ/cháu/tháng; Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, hiện có 14 đồn Biên phòng nhận nuôi 14 cháu; xây dựng hàng trăm “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Nhà đại đoàn kết”, “Nhà nghĩa tình Trường Sơn”, “Mái ấm tình thương” và nhiều công trình hạ tầng thiết thực, phục vụ sản xuất, sinh hoạt nâng cao đời sống của nhân dân.

Tặng bò giống cho hội viên phụ nữ nghèo xã Iadal

Phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ Tỉnh và các Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, tỉnh Đồng Nai, Bến Tre thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trên địa bàn 05 xã biên giới để hỗ trợ xây nhà Mái ấm tình thương, nhà vệ sinh giá rẻ, hỗ trợ sinh kế cho người dân, với các mô hình: “Phụ nữ chung tay cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc gắn với bảo vệ tài nguyên, khoáng sản”; “Tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số nuôi heo sọc dưa”, “Tổ liên kết nuôi heo lai”, “Tổ liên kết trồng mì (sắn) cao sản”,… và chủ động liên hệ với các doanh nghiệp ổn định đầu ra cho từng sản phẩm để nhân dân yên tâm sản xuất. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn cơ bản được đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp kết hợp với hệ thống đường tuần tra biên giới kiên cố, nối liền các thôn, làng dọc biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giao thương, phát triển kinh tế. Đến nay, có trên 13% hộ nghèo khu vực biên giới đã vươn lên thoát nghèo bền vững; 96% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 85% số hộ gia đình có nhà xây kiên cố; 4/13 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đạt từ 11-13 tiêu chí trở lên.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các thôn, làng, xã biên giới xây dựng các hương ước, quy ước, quy định trong xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh; duy trì, phát triển các ngành nghề truyên thống, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín, cán bộ là người dân tộc thiểu số trong tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục, tập tục lạc hậu; xây dựng, phát triển các điểm sáng thôn, làng văn hóa.

Học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” nơi biên giới vững chắc, củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương và là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với đồng bào. Đó cũng là động lực để họ tích cực, tự giác tham gia các hoạt động tự quản, tuần tra, bảo vệ vững chắc cột mốc, đường biên quốc gia trên địa bàn Tỉnh.

 

_____________ 

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 594.

2 - Nhân dân cung cấp hơn hai nghìn nguồn tin, trong đó, hơn 650 tin có giá trị, giúp Bộ độ Biên phòng và các lực lượng đấu tranh, xử lý hiệu quả.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 320.

4 - 3 bám: Bám đơn vị; Bám địa bàn; Bám chủ trương, chính sách. 4 cùng: Cùng ăn; Cùng ở; Cùng làm; Cùng nói tiếng đồng bào.

 

Đại tá LÊ MINH CHÍNH, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh

Theo http://tapchiqptd.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website