Đồng chí Phạm Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và đồng chí Võ Văn Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy trao giấy khen cho các cá nhân xuất sắc trong học và làm theo Bác. Ảnh: ductrong.lamdong.dcs.vn
Nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 để tạo nên những chuyển biến tích cực
Quán triệt sâu sắc nội dung của Chỉ thị số 05, cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ngày 8-9-2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng ban hành Kế hoạch số 27-KH/HU, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cùng với các chuyên đề học tập toàn khóa đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong huyện. Cả nhiệm kỳ vừa qua, toàn Đảng bộ huyện đã tổ chức 72 lớp học tập, quán triệt Chỉ thị số 05 cho khoảng 6.800 lượt cán bộ, đảng viên. Tỷ lệ tham dự các lớp học khá cao, đạt 95%. Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức xây dựng bản cam kết theo hướng dẫn tại Công văn số 2952-CV/BTCTW, ngày 20-6-2017, của Ban Tổ chức Trung ương, “Về việc xây dựng cam kết, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW”. Các cán bộ, đảng viên chủ động xây dựng bản đăng ký, kế hoạch thực hiện việc học tập và làm theo Bác gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, lấy kết quả học tập Chỉ thị số 05 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, công chức, viên chức vào cuối năm.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong thực hiện Chỉ thị số 05, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Tuyên truyền trên hệ thống pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu, xe loa cổ động…; Đài Phát thanh - Truyền hình huyện phát trên 110 tin, bài, phóng sự về các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác trong công tác xây dựng Đảng, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Nội dung tuyên truyền bám sát chuyên đề hằng năm mà Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, các sự kiện chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, cùng với tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo, gương “người tốt, việc tốt”… trong học tập và làm theo Bác. Công tác giáo dục về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng tác phong công tác của cán bộ, đảng viên với phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” được chú trọng.
Huyện Đức Trọng duy trì từ nhiều nhiệm kỳ nay việc chào cờ và sinh hoạt chính trị dưới cờ vào sáng thứ hai hằng tuần tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã, thị trấn và chào cờ đầu tháng tại các thôn, tổ dân phố; với tỷ lệ 100% cơ quan, đơn vị tổ chức chào cờ đầu tuần và 95% thôn, tổ dân phố thực hiện việc chào cờ đầu tháng. Tại các buổi sinh hoạt chính trị dưới cờ, các địa phương, đơn vị đều phân công cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiêu biểu chuẩn bị nội dung bài viết nhận thức của mình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thuyết trình, đồng thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo Bác.
Gắn học tập và làm theo Bác với công tác kiểm tra, giám sát, Huyện đã tổ chức 5 đợt kiểm tra đối với 66 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Trong đó, kiểm tra trực tiếp tại 13 tổ chức cơ sở đảng và 13 đảng viên là người đứng đầu cấp ủy các tổ chức đảng. Qua kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Huyện ủy kịp thời nắm bắt tình hình, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra được những khó khăn, hạn chế để từ đó đề ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm tự giác, thường xuyên ở Đức Trọng; có nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, nói đi đôi với làm, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng. Song thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, đó là: (i) Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc đăng ký học tập và làm theo Bác của tập thể và cá nhân ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; (ii) Không ít những phong trào, mô hình làm theo Bác còn mang tính hình thức, chung chung, hiệu quả chưa cao; (iii) Công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền nhân rộng các mô hình hay, gương điển hình tiên tiến mặc dù được quan tâm nhưng có lúc, có nơi chưa mang lại hiệu quả sâu rộng trong nhân dân.
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Đức Trọng đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Ảnh: nhandan.vn
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo cần được nhân rộng
Qua 5 năm đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác, huyện Đức Trọng đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, lan tỏa sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa, thay đổi nếp sống, phong tục tập quán, xây dựng môi trường nông thôn, đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Những mô hình, cách làm được triển khai nhân rộng khắp trên toàn huyện, tiêu biểu như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ xung kích, lập nghiệp”, “Nông dân thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Cán bộ gương mẫu giúp nhau phát triển kinh tế”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Chương trình “Giảm nghèo bền vững”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (với 8 tiêu chí: Không đói nghèo; không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ).
Năm năm qua, huyện đã có 53 tập thể và 70 cá nhân được Ủy ban nhân dân huyện tặng giấy khen trong học tập và làm theo Bác. Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giới thiệu những gương điển hình làm theo Bác thông qua các đợt sinh hoạt chi hội. Hằng năm, Hội đã vận động được 23.200 hội viên đăng ký làm theo Bác với những nội dung cụ thể như: Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau giảm nghèo; đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, giúp bao tiêu nông sản cho nông dân; sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm,... góp phần thực hiện tốt khâu đột phá giúp nông dân thoát nghèo bền vững, tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Cán bộ và nhân dân xã Bình Thạnh đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng khu dân cư tiêu biểu, khu dân cư kiểu mẫu bằng những mô hình hay như: “Tiếng kẻng an ninh”, “Giáo họ an toàn - sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu”... Tập thể Chi bộ thôn Phú Cao, xã Tà Hine tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động nhân dân phát triển kinh tế, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo; mô hình “Đóng góp tiền lẻ, chia sẻ khó khăn” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện, từ việc tích góp những đồng tiền lẻ hằng ngày, hằng tháng, hằng quý đã giúp cán bộ, chiến sĩ, dân quân hình thành thói quen thực hành tiết kiệm trong chi tiêu và thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách”....
Nhờ vốn cho vay ưu đãi, các hộ gia đình ở thôn Tân Đà, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có điều kiện đầu tư nuôi bò, trồng cà phê, nuôi tằm, cuộc sống từng bước khá giả. Ảnh: TTXVN
Ngoài ra, còn nhiều gương điển hình, cá nhân tiêu biểu như ông Lê Thanh Trị, ở thị trấn Liên Nghĩa, đã sáng tạo ra máy gieo hạt tự động và nhiều loại máy nông cụ khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao ở địa phương, trong nước và xuất khẩu, đạt giải Nhất trong Hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng năm 2019, được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”. Những sáng chế, sáng kiến của ông được ghi nhận và áp dụng rộng rãi trong cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Ông Huỳnh Trung Quân ở xã Hiệp Thạnh, nông dân trồng và chế biến các sản phẩm từ phúc bồn tử mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thêm việc làm và thu nhập cho lao động địa phương; sản phẩm này được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm), đạt tiêu chuẩn 4 sao. Nhiều năm liền ông được các cấp hội khen thưởng, tiêu biểu như được Hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam chứng nhận và trao Cúp Vàng thương hiệu “An toàn vì sức khỏe cộng đồng”. Đầu năm 2021, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng.
Đưa việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả
Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, thời gian tới, hệ thống chính trị huyện Đức Trọng tập trung triển khai một số nhiệm vụ:
Một là, quán triệt, nhanh chóng triển khai Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 vào thực tiễn. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, tự giác đối với từng tổ chức và cá nhân. Chủ động đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi bộ và hoạt động chuyên môn. Chỉ đạo tổ chức nghiêm túc việc xây dựng và thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Tiếp tục lấy kết quả thực hiện Chỉ thị số 05 là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại tập thể, cá nhân hằng năm.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với tuyên truyền các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước, địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động. Tổ chức các cuộc thi, tọa đàm, hội thảo khoa học về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với tinh thần hiệu quả, thiết thực; lựa chọn những nội dung, bài học về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đưa vào sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đoàn thể, nhằm làm sâu sắc hơn ý nghĩa, vai trò của việc học tập và làm theo Bác đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ba là, thực hiện Chỉ thị số 05 phải gắn kết chặt chẽ với thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng, nhất là nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá mà Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đã xác định trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đổi mới tác phong công tác, sâu sát cơ sở, khắc phục tình trạng quan liêu, vô cảm trước những khó khăn của nhân dân.
Bốn là, học tập và làm theo Bác phải gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm với các nội dung có trọng tâm, trọng điểm để phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tiếp tục rà soát, bổ sung các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các ngành, cơ quan, đơn vị, gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa X “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”./.
NGUYỄN THÚY DUY
Theo Tạp chí Cộng sản