(HCM.VN) - Các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển là dịp để tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên lịch sử, truyền thống anh hùng của dân tộc, Quân đội và của Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; ý nghĩa chiến lược của huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ngày 13/9, Trung ương Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức phát động trực tuyến các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021) với chủ đề “60 năm - Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Theo đó, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm trong tuổi trẻ cả nước xác định tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong đoàn viên, thanh niên tìm hiểu về những chiến công huyền thoại của “Đoàn tàu không số” và đường Hồ Chí Minh trên biển; tổ chức cuộc thi trực tuyến thiết kế sản phẩm truyền thông và Thi trắc nghiệm tìm hiểu về đường Hồ Chí Minh trên biển, những chiến công của các chiến sỹ “Đoàn tàu không số”, các sự kiện chính trị của Quân đội, Hải quân nhân dân Việt Nam; gắn với hải trình trực tuyến mô phỏng hành trình thực tế của các “Đoàn tàu không số” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết hợp tổ chức các hoạt động tri ân, hoạt động an sinh xã hội tại các địa phương có di tích căn cứ, bến bãi của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển tại điểm cầu Hải Phòng.
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm tập trung đẩy mạnh các chương trình, hoạt động trên mạng xã hội, đặc biệt là vận hành website http://doantaukhongso.vn/ để triển khai cuộc thi thiết kế Infographic, sản xuất video clip và thi trắc nghiệm trực tuyến.
Thí sinh có thể truy cập website, đăng ký thông tin, gửi trực tiếp sản phẩm truyền thông dự thi; tham gia trả lời câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến; thi thiết kế Infographic, sản xuất video clip nhận các sản phẩm dự thi đến hết ngày 26/9; thi trắc nghiệm trực tuyến tổ chức vào các ngày: 13/9, 16/9, 20/9, 23/9, 27/9, 30/9, 04/10, 07/10, 11/10, 14/10, 18/10, 22/10. Tổng kết, công bố kết quả hai cuộc thi vào ngày 22/10.
Tại website http://doantaukhongso.vn/, một hải trình trực tuyến mang tên “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” mô phỏng hành trình thực tế của các Đoàn tàu không số trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi truy cập website, người xem sẽ được cung cấp thông tin, hình ảnh các địa danh từng là nơi cập bến của các “Đoàn tàu không số” trong 14 năm làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam (từ năm 1961 đến 1975). Thời gian cập bến của “Đoàn tàu không số trực tuyến” tại các địa phương tương ứng với thời gian tổ chức các buổi thi trắc nghiệm. 12 tỉnh, thành phố có căn cứ, bến bãi gắn liền với đường Hồ Chí Minh trên biển và các con tàu không số huyền thoại là: Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các hoạt động tri ân, an sinh xã hội, thăm hỏi, tặng quà gia đình cựu cán bộ, chiến sỹ các “Đoàn tàu không số” đang sinh sống tại địa phương trong tháng 9, 10/2021.
Vào tháng 10/2021, các cấp bộ Đoàn sẽ tổ chức đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “60 năm – Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển” thông qua tọa đàm, diễn đàn trực tuyến với các nội dung: tìm hiểu về lịch sử, truyền thống anh hùng của dân tộc, Quân đội và của Hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; những chiến công huyền thoại của “Đoàn tàu không số”...
Quang cảnh lễ phát động trực tuyến tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết, những năm qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Hải quân đã có nhiều chương trình, hoạt động phối hợp nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo trong đoàn viên, thanh niên; phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên chia sẻ với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nơi biên giới, hải đảo đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc. Thông qua các cuộc vận động, các chương trình như: “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”, Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” đưa các bạn đoàn viên, thanh niên đến với đảo Trường Sa, các đảo tiền tiêu của Tổ quốc đã tạo được sự quan tâm của xã hội, có sức lan tỏa sâu sắc trong nhận thức và tình cảm của các bạn trẻ và đồng bào cả nước.
Năm 2021 có một sự kiện hết sức đặc biệt, năm kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển - biểu tượng sáng ngời về tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân, một quyết định chiến lược của Đảng, một tuyến đường có ý nghĩa chiến lược với hàng trăm lượt tầu đã ra khơi; hàng trăm ngàn tấn vũ khí, khí tài, thuốc chữa bệnh, hàng chục ngàn cán bộ chiến sỹ đã từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến lớn, góp phần vô cùng quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Tìm hiểu, ôn lại giá trị lịch sử của đường Hồ Chí Minh trên biển là cơ hội rất quý báu để thực hiện công tác giáo dục lịch sử, truyền thống anh hùng của dân tộc, của Quân đội và của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Nhấn mạnh đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn đã trở thành hai “huyết mạch” chủ yếu bảo đảm hậu cần chiến lược, chiến dịch cho quân và dân ta ở miền Nam đánh giặc, là chiếc cầu nối liền giữa hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn miền Nam, nhất là với chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Khu 5 là những nơi xa nhất và nhiều khó khăn gian khổ nhất, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân tin tưởng các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp triển khai góp phần khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ, khích lệ tuổi trẻ cả nước tiếp tục nêu cao vai trò xung kích đi đầu, đóng góp công sức, trí tuệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.
Cơ cấu giải thưởng
1. Cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông
- Phần thi sản xuất video: 01 giải Nhất 15 triệu đồng; 01 giải Nhì 8 triệu đồng; 01 giải Ba: 5 triệu đồng kèm Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Phần thi thiết kế Infographic: 01 giải Nhất 8 triệu đồng; 01 giải Nhì 5 triệu đồng; 01 giải Ba 3 triệu đồng kèm Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Trao 2 triệu đồng cho đơn vị có số lượng Infographic và video dự thi nhiều nhất kèm Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và giải phụ cho 03 video clip, 03 Infographic được bình chọn nhiều nhất trên mạng xã hội Gapo.
2. Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến
- 24 thí sinh có điểm thi cao nhất và có thời gian trả lời nhanh nhất trong 12 buổi thi được nhận phần thưởng bằng tiền mặt trị giá 500 nghìn đồng/người.
- Trao 2 triệu đồng cho đơn vị có nhiều thí sinh tham gia thi đạt điểm cao nhất tại 12 buổi thi kèm Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
|
Minh Châu