Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Khắc ghi lời Bác dạy, nhiều đảng viên đã phát huy tinh thần cách mạng của quê hương, truyền thống gia đình để răn dạy, giáo dục con cháu nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, từ đó góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Vợ chồng ông Thái Bình Xuân răn dạy con cháu siêng năng học tập, tu dưỡng đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội - Ảnh: T.T
Gia đình có nhiều thế hệ là đảng viên
Ngôi nhà khang trang, rộng rãi của ông Lê Mậu Tương (sinh năm 1933) nằm gần nhà văn hóa Khu phố 3, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh. Bên trong gian phòng thờ, ông Tương cùng vợ (bà Nguyễn Thị Ngân, sinh năm 1944) đang cẩn thận lau chùi tấm bằng có công với nước do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt tặng gia đình ông Lê Mậu Hoành (bố ông Tương) vào năm 1991 và bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính ký vào năm 2004.
Trước đây, vợ chồng ông Tương đều tham gia cách mạng, phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1954, ông Tương đi bộ đội tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 271, Quân khu 4. Sau đó, ông được điều động phục vụ chiến đấu tại nhiều mặt trận như: Nghệ An, Quảng Bình, biên giới Tây Bắc. Tháng 8/1984, ông rời quân ngũ với cấp bậc Đại úy. Trở về quê hương, một năm sau, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Gio Phong. Đến tháng 9/1994, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Gio Linh. Năm 1998, vì lý do sức khỏe nên ông xin nghỉ hưu.
Bà Nguyễn Thị Ngân từ năm 1960 - 1975 cũng đi bộ đội, tham gia phục vụ chiến đấu tại Quân khu 4, cùng đơn vị với ông Tương. Sau này, bà Ngân chuyển ngành và công tác tại Phòng Giao thông, huyện Bến Hải, tỉnh Bình Trị Thiên cho đến khi nghỉ hưu. Vợ chồng ông Tương đều là đảng viên và hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ Khu phố 3, thị trấn Gio Linh.
“Vợ chồng tôi cưới nhau năm 1970. Lúc bấy giờ, vì hoàn cảnh nên lễ cưới được tổ chức ngay tại đơn vị với nước trà và bánh kẹo. Trước khi cưới bà Ngân, tôi đã có vợ và 2 người con gái là Lê Thị Hương và Lê Thị Hoài. Bé Hoài được 2 tuổi thì vợ tôi mất vì tai nạn đuối nước. Sau này, thương rồi cưới bà Ngân, chúng tôi sinh thêm được 4 người con nữa gồm: Lê Thị Thủy, Lê Mậu Chung, Lê Thị Nhung và Lê Mậu Hòa”, ông Tương kể.
Theo lời kể của ông Tương thì vợ chồng ông hiện có tất cả 6 người con đẻ (4 gái, 2 trai); 4 con rể, 1 con dâu và có 7 cháu ngoại, 1 cháu nội. Tổng cộng đại gia đình 3 thế hệ của ông có 21 người; trong đó, có 12 người là đảng viên, nhiều người là cán bộ nhà nước.
Cách ngôi nhà của ông Tương khoảng 20 km về phía Bắc là căn nhà nhỏ của ông Thái Bình Xuân (sinh năm 1944) ở thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Ông Xuân nay đã hơn 55 tuổi Đảng. Vợ của ông là bà Phan Thị Liên (sinh năm 1945) cũng sắp nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Ông Xuân trước đây từng công tác tại Trung tâm Sản xuất cá giống huyện Vinh Linh. Sau đó, ông được chuyển công tác vào huyện Hải Lăng để cố vấn, chỉ đạo xây dựng phong trào hợp tác xã. Còn bà Liên thì tham gia dân quân tự vệ, phục vụ chiến đấu từ năm 1966. Sau này, bà Liên phụ trách phong trào phụ nữ tại địa phương. Cả ông Xuân và bà Liên đều được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Vợ chồng ông Xuân có 4 người con (2 trai, 2 gái) và 9 người cháu; trong đó, có 6 người là đảng viên.
Phát huy tinh thần cách mạng để giáo dục con cháu
“Quê tôi ở thôn Lạc Tân, xã Gio Phong, nay là Khu phố 3, thị trấn Gio Linh là địa phương có truyền thống cách mạng từ lâu đời. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong thôn có 21 liệt sĩ, 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bố của tôi tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ. Ông là thành viên của Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. 1 người anh ruột và 2 chị ruột của tôi cũng theo chân bố tham gia cách mạng và đều là đảng viên. Nền móng ngôi nhà của tôi ở, trước đây là cơ sở của Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, vì thế nên được xếp hạng di tích cấp tỉnh”, ông Tương cho hay.
Từ trước tới nay, vợ chồng ông Tương luôn lấy truyền thống của gia đình, quê hương để răn dạy con cháu trong nhà. Trong cuộc sống đời thường, ông bà cũng là tấm gương sáng để con cháu học tập, noi theo. Ngày 2/9 vừa qua, ông Tương vinh dự đón nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Mỗi lần được nhận Huy hiệu Đảng và tiền thưởng, ông Tương dành toàn bộ số tiền thưởng đó để tặng cho tất cả con cháu trong nhà.
“Số tiền này mặc dù không nhiều nhưng tôi quyết định tặng mỗi đứa một ít như là món quà để động viên, khích lệ con cháu phấn đấu vào Đảng. Tôi vẫn thường răn dạy con cháu phải sống tốt, nỗ lực trong học tập, rèn luyện đạo đức để xứng đáng với truyền thống của gia đình, quê hương. Ai đã là đảng viên thì phải cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, ai chưa vào Đảng thì tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để được kết nạp vào Đảng”, ông Tương nói.
Không chỉ giáo dục con cháu, bản thân ông Tương cũng luôn khắc ghi truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình để tự răn mình. Ông luôn sống gương mẫu, mực thước, xứng đáng là “cây cao, bóng cả” để cho con cháu noi theo. Cũng nhờ vậy mà đại gia đình của ông tuy đông người nhưng luôn hạnh phúc, ấm êm, đoàn kết.
Nơi trang trọng nhất của gian thờ tự trong ngôi nhà, ông Thái Bình Xuân treo ảnh Bác Hồ, trên bàn thờ là di ảnh của bố ông, một lão thành cách mạng. Ngước mắt lên di ảnh của bố, ông Xuân nói: “Từ nhỏ, anh em chúng tôi đã xem bố là tấm gương sáng để noi theo. Trong quá trình học tập, làm việc, chúng tôi luôn bảo nhau phải cố gắng hết sức, dù có khó khăn cũng không được nhụt chí. Thời chúng tôi ai cũng muốn trở thành đảng viên. Điều đó rất vinh dự và tự hào. Tôi có 2 người anh trai cũng là đảng viên. Tôi thường răn dạy con cháu phải lấy truyền thống cách mạng của gia đình để rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Nếu làm cán bộ thì phải phấn đấu vào Đảng để phát huy truyền thống cách mạng của gia đình. Nếu làm nông hay kinh doanh thì cũng phải siêng năng, cần cù, chịu khó để có cuộc sống khá giả, có thể giúp người khác khi cần”.
Ông bà, bố mẹ mẫu mực thì con cháu mới chăm ngoan. Ông Lê Mậu Tương và ông Thái Bình Xuân là 2 đảng viên điển hình trong rất nhiều đảng viên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình để giáo dục con cháu trở thành người có ích cho xã hội, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trong học tập, công tác để đứng vào hàng ngũ của Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng quê hương, đất nước. Từ những gia đình mẫu mực như gia đình ông Tương và ông Xuân mà xã hội ngày càng vững mạnh hơn, đất nước ngày càng phát triển hơn.
Trần Tuyền
Theo http://www.baoquangtri.vn