Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới (1950). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Lời căn dặn của Bác năm xưa
“Chớ thấy thất bại mà nản, chớ thấy đắc thắng mà kiêu”(1) là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong “Thư gửi đồng bào Khu 3”, ngày 12/9/1947. Sau hơn nửa năm kể từ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, quân Pháp đã tạm thời chiếm được nhiều thành phố, thị xã lớn trên cả nước; đồng thời chuẩn bị lực lượng đánh ra vùng nông thôn rộng lớn. Tuy nhiên, thế trận chiến tranh nhân dân của ta đã và đang ngày càng phát triển rộng khắp. Vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ; vùng rừng núi Việt Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vẫn là hậu phương an toàn của cuộc kháng chiến.
Trước tình hình đó, trong Đảng, Nhân dân và lực lượng vũ trang xuất hiện hai luồng tư tưởng: Một bộ phận nhỏ dao động, bi quan, mất niềm tin vào tương lai của cuộc kháng chiến; một bộ phận khác lại có tâm lý tự mãn, chủ quan, khinh địch, cho rằng thực lực của quân Pháp chỉ có vậy, chúng khó có khả năng tiếp tục đánh chiếm các vùng hậu phương chiến lược của ta.
Bác đã sớm phát hiện và kịp thời chấn chỉnh nhằm khắc phục cả hai luồng tư tưởng trên, động viên đồng bào và chiến sĩ ta đừng vì những thất bại, khó khăn trước mắt của công cuộc kháng chiến mà nản lòng, thoái chí, cam phận trở lại kiếp sống nô lệ; đồng thời, Bác cũng lưu ý toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta không được chủ quan, nóng vội, mà phải tiếp tục tích cực chuẩn bị, sẵn sàng cho những thử thách gian nan hơn nữa ở phía trước.
Trước đó, vào tháng 1/1947, thời điểm thực dân Pháp vừa phong tỏa, lùng sục, vừa đẩy mạnh sử dụng lực lượng Việt gian chỉ điểm để đánh úp lực lượng vũ trang ở các địa phương, trong bài “Gửi các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ và dân quân toàn quốc”, Bác viết: “Khi thắng không kiêu, khi lui không nản! Các anh em quyết kháng chiến cho đến thắng lợi”(2). Lời động viên của Người đã góp phần quan trọng vào việc định hướng tư tưởng, củng cố quyết tâm, hướng dẫn hành động cho quân dân cả nước khắc phục mọi khó khăn, phát huy những thành quả đã đạt được tiếp tục xây dựng quân đội, củng cố hậu phương, từng bước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Năm 1951, sau chiến thắng của quân và dân ta trên các chiến trường, Bác đã chỉ ra những thuận lợi và khó khăn của cuộc kháng chiến khi bước vào giai đoạn tổng phản công. Người căn dặn: “Địch càng gần ngày thất bại thì chúng càng độc ác, dã man, càng nhiều mưu mô thâm độc. Ta càng gần thắng lợi thì càng gặp nhiều khó khăn, nhưng ta kiên quyết vượt mọi khó khăn để đi đến thắng lợi”; “Chúng ta quyết chiến, quyết thắng, nhưng tuyệt đối không được chủ quan khinh địch”(3).
Tháng 11/1951, Đảng và Bác quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng thị xã Hòa Bình, đập tan phòng tuyến sông Đà và tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong “Thư gửi các cán bộ, chiến sĩ chủ lực và dân quân du kích trong Chiến dịch Hòa Bình”, Bác viết: “…Muốn thắng, thì ta phải tích cực, tự động, bí mật, mau chóng, kiên quyết, dẻo dai. Chắc thắng mới đánh. Nhưng tuyệt đối chớ chủ quan khinh địch”(5).
Năm 1953, Triều Tiên đình chiến đã góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới, trong đó, tinh thần của quân và dân ta lên cao, có lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn quyết liệt. Bác đã kịp thời nhắc nhở quân và dân ta luôn giữ vững tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không được chủ quan. Trong bài viết: Việc đình chiến ở Triều Tiên, đăng trên Báo Nhân dân, số 130, từ ngày 16 đến ngày 20/8/1953, bút danh C.B. Bác nhấn mạnh “Phải quyết chiến quyết thắng, nhưng chớ chủ quan khinh địch...”(5).
Hòa bình được lập lại năm 1954, đây là lúc Nhân dân ta vui mừng, phấn khởi với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Điều đó là hoàn toàn xứng đáng, nhưng cảm xúc đó cũng dễ dẫn đến tâm lý tự kiêu, say xưa chiến thắng mà thỏa mãn dừng lại. Vì vậy, trong bài viết:“Hội nghị Giơnevơ đã thắng lợi lớn”, đăng trên Báo Nhân dân, số 209, từ ngày 28 đến ngày 30/7/1954, Bác cặn dặn: “Hòa bình cũng như kháng chiến, chúng ta quyết không nên vì thắng mà kiêu. Toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta cần phải ghi nhớ mà thực hành”(6).
Trong suốt cuộc đời của Bác dù trong cuộc sống, trong công việc hay trong học tập, đều cho chúng ta thấy một tấm gương sáng về bản lĩnh, nghị lực và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Khi còn nhỏ, chịu nổi đau mất mẹ, phải theo cha đi nhiều nơi, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, với ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Trên hành trình đó, Bác không nề hà bất cứ việc gì từ phụ bếp, làm vườn, làm thuê, làm bánh, quét dọn… để kiếm sống và trở thành nhà hoạt động cách mạng, chiến sĩ cộng sản quốc tế, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Năm 1941, Người về nước chỉ đạo cách mạng và ở trong hang Cốc Bó, Pác Bó, Cao Bằng. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng Bác vẫn vượt qua và mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ cho phong trào Việt Minh. Năm 1942, khi ở Trung Quốc, Bác bị bắt và giải qua gần 30 nhà lao, nhưng trong thời gian bị giam cầm Người vẫn viết được tác phẩm nổi tiếng “Nhật ký trong tù”. Những ngày ở Việt Bắc ô tô không đi được, đi ngựa thì bị lộ. Vì vậy, khi cần đi xa mấy ngày đường Bác cũng chỉ đi bộ; đối với Bác khó khăn là để khắc phục chứ không bao giờ nản chí.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhưng đứng trước một tình thế cực kỳ hiểm nguy, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Bác vẫn bình tĩnh, sáng suốt để đưa ra những quyết định đúng đắn, chỉ ra sáu vấn đề cấp bách cần làm ngay để thực hiện ba nhiệm vụ lớn; xác định mục tiêu của cách mạng; kẻ thù chính và những nhiệm vụ chủ yếu phải thực hiện. Bác cùng Trung ương Ðảng đã chèo chống “đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của Nhân dân”(7).
Suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bác vẫn luôn nhắc nhở Nhân dân và quân đội ta cần nhận rõ, thắng lợi là rất quan trọng nhưng chỉ là bước đầu trên con đường đi tới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng thống nhất, hành động nhất trí, ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành đường lối, xây dựng dân chủ thật sự. Chúng ta đã giành thắng lợi trong kháng chiến, nhất định sẽ thành công trong hòa bình.
Trong Di chúc để lại, Bác viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”(8).
Thực hiện lời dạy của Bác, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công oanh liệt: Tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á; tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và giành thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; Tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đưa vị thế nước ta ngày càng nổi bật trên trường quốc tế.
Với lực lượng vũ trang, lời dạy của Bác đã ghi sâu vào tiềm thức của mỗi cán bộ, chiến sĩ và trở thành một trong những phẩm chất tiêu biểu được kết thành 10 Lời thề danh dự của quân nhân; là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ không ngừng “rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Làm theo lời Bác khó khăn không nản chí
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại điểm nóng dịch Covid-19 tại quận Thanh Xuân. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trước thực tế dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, kéo dài, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành các kết luận, nghị quyết. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Trong Lời kêu gọi, Đồng chí Tổng Bí thư đã viết: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng…; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh;…”(9).
Thực hiện chủ trương trên, cả hệ thống chính trị đang tiếp tục nỗ lực cao độ, các lực lượng chức năng từ nhiều tháng qua luôn bền bỉ, vượt nhiều gian khó vì mục tiêu khống chế, kiểm soát dịch bệnh, ưu tiên trước hết cho việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Từ nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ ngành Y tế vẫn tiếp tục lên đường chi viện cho các địa phương phía Nam chống dịch với tinh thần vượt khó và ý chí quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Biết bao cán bộ, chiến sĩ áo trắng, chiến sĩ lực lượng vũ trang tình nguyện gác lại niềm riêng để tận tình chăm sóc người dân trong các khu cách ly, phong tỏa. Nhiều người đã bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2, thế nhưng không ai sờn lòng, nản chí, khi Đảng gọi, dân cần, họ lại sẵn sàng hướng về “tiền tuyến” làm điểm tựa cho dân. Nhiều địa phương có sáng kiến hay, gửi tin nhắn về những lưu ý trong phòng, chống dịch và động viên người dân an tâm, bình tĩnh, tin tưởng các giải pháp của các cơ quan chức năng, chấp nhận và thích nghi với những điều kiện sinh hoạt giản tiện; ủng hộ, chung sức cùng vượt qua đại dịch; không nản lòng, không hoang mang hay lơi lỏng các biện pháp phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, vẫn còn cơ quan, đơn vị, địa phương có biểu hiện còn chủ quan, lơ là. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trở lại do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chủ quan của một số địa phương, cơ quan, đơn vị và một bộ phận Nhân dân. Có người dân không đeo khẩu trang hoặc có đeo khẩu trang nhưng không đúng cách. Có người tiếp xúc với bệnh nhân F0, nhưng không khai báo y tế, không cách ly tập trung. Một số người dân chưa hợp tác trong khai báo dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm. Một số nơi có hiện tượng thả lỏng việc cấp giấy đi đường cho người dân khiến cho việc kiểm soát dịch khó khăn.
Trên mạng xã hội, xuất hiện những tin giả liên quan đến việc đeo khẩu trang, xét nghiệm, hiệu quả thử nghiệm vaccine,… đã làm giảm mức độ sẵn sàng của người dân trong việc tuân thủ những hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe cộng đồng (các biện pháp 5K, duy trì giãn cách xã hội…). Việc tiếp cận tin giả về sự nguy hiểm của dịch bệnh, số lượng người tử vong do dịch bệnh, các biện pháp phòng ngừa và điều trị phi khoa học hoặc chưa được kiểm chứng… khiến không ít người hoang mang, sợ hãi. Các tin giả còn khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính quyền trong phòng, chống dịch.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, để vượt qua đại dịch mỗi người cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch Covid-19 của đồng chí Tổng Bí thư, biến quyết tâm thành hành động thực tế. Chung sức thực hiện Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động, tiếp tục nêu cao tinh thần vì dân, vì nước, vượt lên gian khổ, hy sinh, xung kích đi đầu trong công tác phòng, chống dịch.
Đại dịch vẫn rất phức tạp, trong lúc này, để bảo vệ an toàn sức khỏe, mỗi người vì “cuộc chiến” với kẻ thù vô hình Covid-19 diễn ra dài ngày mà không nản lòng, không hoang mang hay lơi lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Người dân cần bình tĩnh, tin tưởng vào các giải pháp phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng, tự giác phòng dịch, thực hiện quy định về giãn cách xã hội; tích cực ủng hộ các biện pháp chống dịch, như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine theo lịch trình, thông báo tại địa phương, đơn vị. Khắc phục những biểu hiện từ chối tiêm, sợ tiêm vaccine hoặc kén chọn loại vaccine. Không nên tin, không chia sẻ, không bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật hoặc thiếu thiện chí xây dựng.
Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt quan điểm “Chống dịch như chống giặc”; các địa phương chủ động các phương án chống dịch theo tinh thần sớm hơn một bước và nhanh hơn một bước; phải tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K + vaccine + công nghệ thông tin” trong phòng, chống Covid-19. Dẫu phía trước còn trăm bề khó khăn, dẫu “cuộc chiến” với Covid-19 còn đầy gian nan, thử thách, nhưng nhớ lời Bác căn dặn chắc chắn đội ngũ y tế, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch cùng Nhân dân luôn kề vai sát cánh, không bao giờ nhụt chí, nản lòng./.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG - ST, H.2011, t.5, tr.244
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG - ST, H.2011, t.5, tr.51
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG - ST, H.2011, tr.230
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG - ST, H.2011, tr.242
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG - ST, H.2011, tr.204
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG - ST, H. 2011, tr.11
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb. CTQG - ST, H.2011, tr.191
8. http://baochinhphu.vn: Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 21/8/2014
9. https://moh.gov.vn: Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. 29/7/2021
Nguyễn Nhâm