Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một đột phá lý luận rất cơ bản

Trên chiếc tàu Pháp Latútsơ Tơrêvin này, năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tên lúc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước. (Ảnh tư liệu)
 

Có phải Việt Nam đã chọn con đường đi sai không?

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đặt vấn đề bài viết tập trung vào mấy câu hỏi lớn, trong đó có câu hỏi “Vì sao Việt Nam chọn con đường xã hội chủ nghĩa”? “Có phải Việt Nam chọn con đường đi sai không?”. Bài viết này khẳng định một cách dứt khoát độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của chính lịch sử, của dân tộc qua trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh Hồ Chí Minh. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng, một đột phá về lý luận rất cơ bản, vì giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội là cách làm mang dấu ấn, diện mạo, sắc thái Hồ Chí Minh, chứ không làm cách mạng vô sản kiểu cách mạng Nga, càng không thể, không phải là con đường cách mạng tư sản.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (12/1920). (Ảnh tư liệu)
 

Như chúng ta đều biết, từ giữa thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, dưới ách áp bức, nô dịch, bóc lột của chủ nghĩa thực dân Pháp, nhân dân ta khắp ba miền nổi lên chống Pháp để giành độc lập dân tộc theo con đường phong kiến, con đường tư sản; hoặc dưới ngọn cờ lãnh đạo của các sĩ phu văn thân yêu nước; cũng có loại hình phong trào nông dân tự phát. Nhưng tất cả đều thất bại, không giành được độc lập dân tộc. Nói về khuynh hướng tư tưởng thì đó là sự bất lực và thất bại của tư tưởng phong kiến và tư tưởng tư sản trước các nhiệm vụ lịch sử.

Tính từ năm 1858 khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam đến năm 1920 khi Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, khẳng định cứu nước và giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, tức độc lập dân tộc đi tới và gắn liền với chủ nghĩa xã hội là 62 năm. Tính đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 với chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản là 72 năm.

Thời gian hơn hai phần ba thế kỷ đủ để khảo nghiệm các con đường cứu nước thất bại khác nhau ở Việt Nam. Cần phải làm rõ thêm và nhấn mạnh con đường tư sản do các đại sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh lãnh đạo. Họ rất căm thù xâm lược, nêu cao khát vọng độc lập dân tộc, nhưng đó mới chỉ là những nhân tố cần mà chưa đủ. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và sự ra đời của nhà nước Xôviết, thế giới chuyển sang một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài chính trị, đứng ở trung trâm của thời đại mới thay cho giai cấp tư sản, thì rõ ràng con đường tư sản không thể đáp ứng được đòi hỏi của dân tộc, không phù hợp xu thế của thời đại. Con đường đó thiếu một giai cấp và hệ tư tưởng tiên tiến dẫn đường.

Phan Bội Châu đã tự nói về mình: “Than ôi! Đời tôi trăm thất bại mà không một thành công, là bởi tôi có lòng mà thật bất tài”. Cái “bất tài” mà cụ Phan nói đến là cụ chưa nhận ra con đường tư sản không phù hợp với xu thế của lịch sử lúc bấy giờ, không hợp quy luật khách quan trong thời đại mới được mở ra từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Phan Bội Châu nói rằng “hiện nay đã có người khác giỏi hơn chúng tôi nhiều đứng ra đảm đương công việc để làm trọn cái việc mà lớp chúng tôi không làm xong. Đó chính là Nguyễn Ái Quốc. Nếu Nam Đàn có Thánh thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc chứ không phải là ai khác”.

Phan Châu Trinh cũng tự thấy “thân tôi tựa chim lồng cá chậu, vả lại cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn. Tôi tự ví tôi ngày nay như con ngựa đã hết nước kiệu già pha nước tế. Phan Châu Trinh đặt kỳ vọng vào Nguyễn Ái Quốc “còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông. Tôi tin không bao lâu cái chủ nghĩa anh tôn thờ sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sĩ”. Nhắc lại những sự kiện đó để bổ sung cơ sở chắc chắn bác bỏ ý kiến cho rằng chúng ta đã chọn con đường đi sai.

Cần phải nói thêm lúc bấy giờ, tìm hiểu các cuộc cách mạng tư sản điển hình trên thế giới như cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng Pháp năm 1789, Nguyễn Ái Quốc khẳng định đó là những cuộc cách mạng đã thành công nhưng không đến nơi, chính quyền vẫn nằm trong tay một bọn ít người, quần chúng nhân dân vẫn cực khổ, không được hưởng thành quả của các cuộc cách mạng đó, họ muốn làm cách mạng nhiều lần nữa để được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật sự. Còn ở Nga, sau Cách mạng Tháng Mười, các tầng lớp nhân dân đều được hưởng hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật sự. Người lãnh đạo cuộc cách mạng đó là Lênin còn muốn giúp đỡ các dân tộc thuộc địa để giành độc lập dân tộc.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo chứng mình tính đúng đắn của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Như chúng ta đều biết các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc từ khi thực dân Pháp xâm lược đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời liên tục thất bại. Nhưng từ khi Đảng ta ra đời lãnh đạo, với sợi chỉ đỏ xuyên suốt độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt Nam tuy gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, có lúc tưởng như không vượt qua được, nhưng đã tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Từ năm 1930 đến năm 1945, mục tiêu hàng đầu là đấu tranh giành cho kỳ được độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội chỉ là định hướng, triển vọng tiến lên của độc lập dân tộc. Tuy chỉ là định hướng tiến lên, nhưng triển vọng chủ nghĩa xã hội đem lại tính triệt để, tính cách mạng và tính khoa học cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là minh chứng hùng hồn cho tính đúng đắn của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Từ năm 1945 đến năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo tiến hành nhiệm vụ “kép” vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Muốn kháng chiến thắng lợi thì phải kiến quốc thành công, muốn kiến quốc thành công thì phải kháng chiến thắng lợi. Trong kháng chiến có kiến quốc, trong kiến quốc có kháng chiến. Đó cũng là quá trình trong kháng chiến đồng thời chuẩn bị tiền đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để đi lên chủ nghĩa xã hội theo tinh thần kết thúc thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ cũng có nghĩa là sự mở đầu cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là một biểu hiện về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mang sắc thái Việt Nam. Nhờ đó Đảng đã phát huy được sức mạnh tổng hợp mọi mặt cả vật chất và tinh thần, cả tiền phương và hậu phương. Sau chín năm kháng chiến kiến quốc, quân và dân ta đã đánh bại thực dân Pháp, giải phóng nửa nước, đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của kháng chiến chống Pháp lại là một minh chứng hùng hồn cho tính đúng đắn của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Từ năm 1954 đến năm 1975, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đây là sự hòa quyện, gắn kết giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh giải phóng miền Nam, nhân dân miền Nam nhìn thấy sức mạnh tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhân dân miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ để tạo dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, mà còn chi viện cho cách mạng miền Nam. Với tinh thần đó, chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đóng vai trò quyết định nhất đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội giai đoạn 1954-1975 đã đem lại một sức mạnh tổng hợp của cả hai miền, đặc biệt là sức mạnh của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sức mạnh cả trong nước và ngoài nước, của chủ nghĩa xã hội và nhân dân tiến bộ thế giới. Thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội là nhờ đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Từ năm 1975 đến nay, đặc biệt qua 35 năm đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã tiến những bước dài chưa từng thấy, kinh tế, xã hội và con người đều đổi mới. Đại hội XIII nhấn mạnh đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Thành tựu đó là nhờ sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) rút ra bài học kinh nghiệm lớn đầu tiên là nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Đại hội XIII nêu quan điểm chỉ đạo đầu tiên, khẳng định kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đó là những đúc kết lý luận sáng giá về mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội từ thực tiễn thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lý luận đó tiếp tục soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website