Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Công an huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã không ngừng sáng tạo, xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình “Bám dân, bám địa bàn”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Si Ma Cai là huyện vùng cao, biên giới với trên 93% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống còn khó khăn, dân trí không đồng đều, ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân chưa cao, ảnh hưởng đến công tác giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. Để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho bà con yên tâm phát triển kinh tế, Công an huyện Si Ma Cai luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với xây dựng, nhân rộng các mô hình dân vận khéo là nhiệm vụ quan trọng.
Công an xã Thào Chư Phìn trò chuyện cùng người dân.
Ưu tiên hàng đầu trong công tác này là Công an huyện Si Ma Cai đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” nhằm xây dựng các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, thôn, dòng họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Bên cạnh củng cố, duy trì các mô hình tự quản về an ninh, trật tự đã có, Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo các đội nghiệp vụ và công an các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả phong trào thi đua dân vận khéo gắn với đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng “gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân”.
Từ việc lấy người dân làm trung tâm, mô hình “Bám dân, bám địa bàn” đã ra đời và mang lại hiệu quả. Để tạo sức lan tỏa của mô hình, Công an huyện Si Ma Cai gắn với thực hiện các phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh vững chắc”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Lào Cai chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” và triển khai các hoạt động từ thiện hướng về cơ sở.
Duy trì hoạt động của các mô hình dân vận khéo, Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện Si Ma Cai đã nghiêm túc quán triệt phương châm “Đơn vị là nhà, địa bàn là quê hương, đồng bào là anh em ruột thịt” và yêu cầu cán bộ, chiến sỹ thường xuyên bám sát địa bàn, giúp đỡ Nhân dân; chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an các xã, thị trấn nghiêm túc “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với Nhân dân. Đồng thời, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cũng như người dân, người có uy tín trong cộng đồng thực hiện tốt nhiệm vụ bám địa bàn, từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết tốt các tình huống xảy ra từ cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng.
Quá trình bám dân, bám địa bàn, lực lượng công an đã phối hợp tổ chức hơn 1.500 buổi tuyên truyền pháp luật cho gần 102.000 lượt công dân. Các hình thức tuyên truyền cũng được cán bộ, chiến sỹ thực hiện sáng tạo phù hợp với thực tế như thông qua các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm hài, nghe nạn nhân trực tiếp kể chuyện và nói bằng tiếng đồng bào… thu hút người dân tham gia. Qua đó, bà con từng bước nâng cao nhận thức và đã cung cấp hơn 300 nguồn tin, trong đó gần 200 tin có giá trị, giúp lực lượng công an điều tra, khởi tố 40 vụ án với 49 bị can; tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương giảm đáng kể, góp phần vào công tác giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương.
Theo Thượng tá Phạm Huy Hoàng, Trưởng Công an huyện Si Ma Cai, trên địa bàn huyện hiện có 16 loại mô hình tự quản về an ninh, trật tự với 132 điểm tại các khu dân cư, thôn, tổ dân phố, trong đó lực lượng công an tham mưu xây dựng 9 loại, 85 điểm mô hình hoạt động hiệu quả. Kết quả nổi bật mà mô hình “Bám dân, bám địa bàn” mang lại là đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, đồng thời huy động được sức mạnh của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn và cả hệ thống chính trị tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, tạo môi trường an toàn cho Si Ma Cai phát triển kinh tế - xã hội.
Thu Ngọc
Theo http://baolaocai.vn