NSNA Trịnh Hải vẫn say sưa với nghiệp nhiếp ảnh dù đã ở tuổi 90.
Cơ duyên đến với nhiếp ảnh
Ngồi trò chuyện với NSNA Trịnh Hải khiến tôi thật sự khâm phục về tình yêu đối với nhiếp ảnh của ông. Mà theo như đúng cách ông nói “tình yêu lao động, tình yêu công việc trong tôi không bao giờ có giới hạn”.
Giờ đây ở cái tuổi 90, đến nay, ông vẫn cầm máy ảnh, vẫn miệt mài ngồi bên chiếc máy tính hiện đại đánh máy và sử dụng thành thạo photoshop (phần mềm chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp), dù tay phải của ông có dị tật, từng phải mổ ghép xương 3 lần trong 1 năm sau một tai nạn khi đang tác nghiệp ở Khu công nghiệp Cao-Xà-Lá (quận Thanh Xuân, Hà Nội) năm xưa. Ông quả quyết nói “Nghề này đã ngấm vào máu thịt rồi nên không dễ dàng từ bỏ được, trừ khi không đi được, không bước được thì mới thôi”.
Trong căn nhà tập thể nằm trên con ngõ nhỏ ở đường Nguyễn Chí Thanh, ông say sưa kể cho tôi nghe về cơ duyên đưa ông đến với nhiếp ảnh. Đó là những ngày khi ông còn là học sinh lớp đệ tam Trường Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chỉ là tình cờ được thầy giáo môn vật lý giảng bài về thấu kính quang học mà ông đã đem lòng yêu thích với máy ảnh. Những lúc rảnh rỗi, không vướng lịch học, ông xin đi làm phụ tại hiệu ảnh gần trường để bắt đầu khai phá sự tò mò của mình về máy ảnh. Mãi về sau này ông mới được sở hữu chiếc máy ảnh đầu tiên khi cha ông mua lại một hiệu ảnh cũ kỹ ở Phủ Từ Sơn (Bắc Ninh) để sinh kế. Ở đó, ông cũng bắt đầu mày mò, tìm hiểu sâu về nhiếp ảnh thông qua những bài học vỡ lòng của người thợ phụ tại hiệu ảnh của cha mình, mà theo cách gọi của NSNA Trịnh Hải gọi là "ông nông dân".
Sau ngày Thủ đô giải phóng, sau khi đi kháng chiến về, một thời gian ngắn, ông công tác tại Ty Bắc Ninh. Năm 1955, thấy Trịnh Hải có niềm đam mê với nhiếp ảnh, nhà báo cách mạng lão thành Phạm Văn Hảo (bác ruột vợ ông), khi ấy là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam giới thiệu ông về Báo Nhân Dân. Nhưng con đường đến với nghiệp phóng viên ảnh của ông cũng vốn gian truân. Ông “hí hửng” vì tưởng khi về Báo Nhân Dân sẽ được làm đúng nghề mình thích, nhưng ai dè, khi lên gặp nhà báo Tạ Quang Đạm, lúc đó đang giữ chức Uỷ viên Ban Biên tập, Trưởng Phòng Ban Bí thư (tức Ban Thư ký biên tập hiện nay), đã khiến ông gắn mình với công việc vẽ ma-két báo và sửa mo-rát tại nhà in. Ông Trịnh Hải còn nhớ như in ngày đầu tiên đến Báo Nhân Dân, ông kể: “Hôm đó là ngày 1-6-1955, tôi lên Báo Nhân Dân để nhận công việc. Vốn nghĩ trước đó đã có người đến thẩm tra thái độ chính trị, lý lịch bản thân, gia đình và kiểm tra tay nghề, tôi chắc sẽ về làm phóng viên ảnh. Ai dè khi gặp đồng chí Tạ Quang Đạm, đồng chí có dặn tôi: “Cậu là thanh niên đi kháng chiến về làm báo Đảng là tốt, nhưng có hai điều bắt buộc. Một là làm bất cứ công tác gì cũng là công tác cách mạng, phân công thế nào thì làm thế đấy. Hai là không được đứng núi này trông núi nọ, phải yên tâm công tác”. Khi đó, đồng chí Quang Đạm có chia sẻ là công tác xuất bản in ấn của Báo Nhân Dân lúc đó thiếu người, nên ông phù hợp về đó công tác. Vậy là trong suốt 5 năm, ông làm công việc mà mình thiếu đam mê. Tuy nhiên, ông vẫn bồi hồi chia sẻ: “Đúng làm công việc này và được đồng chí Tạ Quang Đạm rèn giũa, tôi có được tính kỷ luật, dẹp bớt tính tự do và trên hết là học được cách tận tuỵ với nghề, không sợ khó, sợ khổ. Có những hôm trở về nhà từ nhà in lúc 2-3 giờ sáng, đặt lưng lên giường ngẫm nghĩ một hồi thấy hình như bản in có lỗi, tôi lại lóc cóc đạp xe lên nhà in ở 24 Tràng Tiền (Nhà in Báo Nhân Dân) để kiểm tra, sửa lại cho chuẩn”.
Sau 5 năm làm công tác xuất bản, tình cờ thấy được mẩu tin vắn về việc mở lớp đào tạo nhiếp ảnh cho các phóng viên ở các ty thông tin của các tỉnh phía bắc, ông mạnh dạn xin đi học. Chính thức năm 1960, ông được “trả về” với đam mê nhiếp ảnh của mình khi được cơ quan điều sang bộ phận phóng viên ảnh. Và sự nghiệp nhiếp ảnh của ông bắt đầu từ đó với nhiều tấm ảnh để đời, đặc biệt gắn bó với Bác Hồ.
Những bức ảnh về Bác
Ông tâm sự, nếu tính tới thời điểm hiện tại, trong số những anh em phóng viên báo chí được đi theo đưa tin, chụp ảnh Bác Hồ thời đó, chắc giờ chỉ có ông còn sống. Được đi theo Bác, ông lại càng thấm thía đức tính giản dị, lối sống kỷ luật, tự giác và giàu lòng yêu thương của Bác.
Từng câu chuyện, từng kỷ niệm về mỗi chuyến công tác được đi theo Bác, ông đều ghi nhớ rõ đến từng chi tiết. Ông chia sẻ với tôi 3 câu chuyện về Bác mà ông khắc cốt ghi tâm với giọng điệu hồ hởi và đầy cảm xúc. Ông chia sẻ: “Trong thời gian làm phóng viên ảnh Báo Nhân Dân, có nhiều dịp được chụp ảnh Bác Hồ nhưng có mấy kỷ niệm này tôi không bao giờ quên. Kỷ niệm thứ nhất là lần đầu được toà soạn phân công đi chụp ảnh Bác trong một cuộc mít-tinh tại Nhà hát Nhân Dân (nay là Cung Văn hoá Hữu nghị Việt - Xô) lúc mới về Tổ nhiếp ảnh của Báo Nhân Dân. Đó mãi là kỷ niệm và bài học khắc cốt ghi tâm của tôi”.
Ông chia sẻ, mình đã rất sung sướng khi lần đầu tiên được chụp ảnh Bác với danh nghĩa chính thức là phóng viên ảnh báo Đảng. Ngày hôm trước, ông chuẩn bị kỹ lưỡng đồ nghề là máy ảnh và đèn chụp loại tốt nhất của cơ quan khi đó. Tuy nhiên, với điều kiện thời đó, máy móc còn chưa được đầu tư, đèn chụp đã rất cũ, khi chụp có lúc sáng, lúc không. Nhưng ông rất cẩn thận, trước khi vào lễ khai mạc, ông đến từ sớm để thử máy và mọi thứ đều ổn. Tuy nhiên, khi vào giờ khai mạc, lúc Bác Hồ bước ra từ cánh gà sân khấu Nhà hát giữa làn sóng vỗ tay hoan hô của đông đảo đồng bào dự mít-tinh, sự việc không may xảy ra. “Tôi tự tin bước lên sân khấu cách Bác Hồ khoảng 2 mét. Tôi chỉnh nhanh máy ảnh và đợi Bác Hồ cười, bấm liền ba kiểu. Không may cho tôi, cái đèn lúc ấy giở chứng không phát sáng. Chụp đến kiểu thứ tư, thứ năm, cái đèn vẫn tịt. Lúc đó, Bác Hồ ngửng lên nhìn tôi nhưng không nói gì, có lẽ vì thấy tôi đứng hơi lâu. Trời rét, tôi mặc áo bông mà mồ hôi lạnh toát sống lưng, chảy thành dòng. Tôi đành rút lui, tiu nghỉu về xin ảnh đơn vị báo chí khác để kịp đăng tải mà lòng buồn bã, mất hết sự tự tin vì thất bại quá lớn”, NSNA Trịnh Hải chia sẻ.
Thất bại đó lại là bài học lớn đối với NSNA Trịnh Hải. Ngay sau đó, ông lao vào học tập, trau dồi nâng cao tay nghề. Ông học cách chụp ảnh không cần đèn, học thêm các kỹ thuật mới về máy ảnh thông qua tài liệu nước ngoài và hỏi thêm phóng viên các nước bạn.
Câu chuyện thứ hai liên quan đến bức ảnh “Bác Hồ tặng hoa nữ nhà báo Madeleine Riffaud, phóng viên Báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp (người đã xin được nhận làm con nuôi Bác Hồ và đã viết nhiều bài báo về Bác cũng như về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta)” của NSNA Trịnh Hải. Ông chia sẻ “Tại cuộc mít-tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5-1968 ở Hội trường Ba Đình, do vấn đề an ninh, phóng viên ảnh, quay phim đều phải đứng rất xa Đoàn Chủ tịch để tác nghiệp. Thời đó, trang bị kỹ thuật của phóng viên chúng tôi rất nghèo nàn, đứng xa thì không thể chụp được. Bác Hồ trông thấy rất thông cảm. Người đứng lên vẫy tay và gọi to: “Photographes!” (những người chụp ảnh). Thế là chúng tôi, gồm cả phóng viên nước ngoài ùa lên trước sự bất lực của cảnh vệ. Bác rút hoa bày trên bàn tặng mỗi người một bông. Tôi mải mê chụp ảnh. Sau khi chụp chị Madeleine Riffaud đang cười tươi hạnh phúc vì nhận hoa Bác tặng, đến lượt tôi thì trên bàn hết sạch hoa. Bác nhìn tôi mỉm cười thông cảm”. NSNA Trịnh Hải dù không nhận được hoa nhưng ông không coi đó là nỗi buồn mà ngược lại là niềm vinh hạnh của bản thân “Mọi người có được hoa, còn tôi thì lại có được bức ảnh “để đời” thể hiện được tình cảm của Bác Hồ với phóng viên quốc tế”, ông mỉm cười chia sẻ.
|
Bức ảnh "Bác Hồ tặng hoa nữ nhà báo Madeleine Riffaud, phóng viên Báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp" (ảnh tư liệu).
Một kỷ niệm nữa là khi ông được chụp ảnh Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai và cũng là lần cuối năm 1961. Ngay thời điểm đó, NSNA Trịnh Hải đang công tác tại Vinh nên được "theo chân" Bác tác nghiệp và đã chụp được bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ về thăm quê”. Ngày hôm đó, tại Hội trường Công đoàn của tỉnh là một ngôi nhà lá năm gian, đối tượng đến dự là các cụ lão thành cách mạng. Khi đang đứng trên sân khấu chuẩn bị phát biểu, Bác có chỉ vào một người tương đối trẻ tuổi ngồi ở hàng ghế đầu, có lẽ dành riêng cho các cán bộ của tỉnh và hỏi: “Chú có thấy một cụ không có chỗ, đứng thập thò ở cửa không? Chú còn trẻ phải ra xin lỗi và mời cụ ấy vào”. Thế là những cán bộ còn trẻ lặng lẽ đứng lên và mời các cụ cao tuổi phía ngoài vào Hội trường ngồi. Đó là bài học giáo dục thế hệ trẻ luôn quan tâm, kính trọng người lớn tuổi một cách nhẹ nhàng, tình cảm của Bác Hồ mà NSNA Trịnh Hải nhớ mãi tới ngày hôm nay.
Bức ảnh "Bác Hồ về thăm quê" (ảnh tư liệu).
Nhà báo, NSNA Trịnh Hải sinh năm 1932 tại thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ông là hội viên sáng lập Hội NSNA Việt Nam, là Ủy viên Ban Chấp hành của Hội trong 2 khóa (từ năm 1983 đến năm 1993) và có 15 năm là Chi hội trưởng Chi hội NSNA báo chí Trung ương và Hà Nội. Ông đã giành được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh uy tín ở trong nước và quốc tế.
Ông cũng từng nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam,…
|
Đỗ Anh
Theo http://xaydungdang.org.vn