Đoàn kết Việt - Lào theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane

 

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào phát triển từ quan hệ truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Kaysone Phomvihane, đồng chí Souphanouvong và các thế hệ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước dày công vun đắp; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với Chủ tịch Kaysone Phomvihane năm 1966.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với Chủ tịch Kaysone Phomvihane năm 1966.

Tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào không chỉ có từ rất sớm, mà còn khá bền chặt. Lịch sử của hai dân tộc đã chứng minh: Nếu không có sự liên minh chiến đấu, đoàn kết Việt - Lào thì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước trước đây khó có thể giành được thắng lợi trọn vẹn; và nếu không có mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào, thì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới ở mỗi nước không thể có được những thành tựu to lớn như ngày nay.

Kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane kính mến trực tiếp xây dựng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện trong thực tế hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược; được hun đúc bằng công sức và xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ, bằng sự hy sinh phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào, đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của cách mạng mỗi nước.

Năm nay, nhân dân Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào vui mừng kỷ niệm hai sự kiện trọng đại trong lịch sử quan hệ hai nước: 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác chiến lược toàn diện (18/7/1977 - 18/7/2017) và 55 năm Ngày thiết lập quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2017). Chúng ta tự hào và khẳng định rằng, quan hệ đoàn kết Việt - Lào là quan hệ đặc biệt hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế. Lịch sử hai dân tộc luôn kề vai sát cánh, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, quan hệ Việt Nam - Lào luôn trong sáng, thủy chung và đặc biệt tin cậy.

Nhân dân hai nước Việt - Lào cùng tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mekong, sát cánh bên nhau, chung một chiến hào đấu tranh giành và gìn giữ, bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam đã từng đúc kết một cách cô đọng về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào: “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Mối quan hệ thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai nước đã trở thành quan hệ mẫu mực, hiếm có trên thế giới, như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã nhiều lần khẳng định:  “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.   

Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược, sự phối hợp giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam, Lào là một trong những nhân tố quyết định đưa đến mọi thắng lợi của cách mạng mỗi nước. Hòa chung với những thắng lợi vang dội trên chiến trường, hai nước đã cùng phối hợp ủng hộ lẫn nhau trên mặt trận ngoại giao, cùng đấu tranh vận động quốc tế ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Lào tại Hội nghị Geneve về Đông Dương năm 1954, buộc chính quyền thực dân Pháp cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương, công nhận địa vị pháp lý của lực lượng cách mạng Lào trong đời sống chính trị ở Vương quốc Lào. Trước sự can thiệp ngày càng sâu của chủ nghĩa thực dân mới ở Đông Dương, Việt Nam đã phối hợp với Lào đấu tranh chống sự phá hoại Hiệp định Geneve năm 1954; ký kết Hiệp định Geneve 1962 về Lào để bảo vệ chủ quyền, độc lập, trung lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Sau Hiệp định Geneve năm 1962 về Lào, ngày 05/9/1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện này có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong khi nhân dân hai nước đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn lịch sử mới đầy khó khăn và ác liệt nhất của cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Kể từ sau ngày lịch sử đó, Việt Nam và Lào đã không ngừng tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ nhau xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng và củng cố các vùng căn cứ địa kháng chiến ở Lào. Đồng chí Kaysone Phomvihane đã nhấn mạnh: “Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết sức tận tình và vô tư”. Biết bao người con ưu tú, những chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống trên đất Lào, dòng máu của họ luôn quyện vào những dòng máu đỏ của những người con của nhân dân các bộ tộc Lào, thấm sâu vào lòng đất, vì nền độc lập của đất nước Lào anh em.

Nhằm giúp nhân dân Lào xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, tháng 10-1954, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương chấn chỉnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam. Trên tinh thần không tổ chức thêm lực lượng mà chỉ kiện toàn các đơn vị hiện có, Bộ Tổng tham mưu tiến hành chỉnh huấn chính trị, quân sự, sắp xếp đội ngũ cán bộ, cơ quan chỉ huy và phân chia lại các khu vực chỉ huy Quân tình nguyện cho thích hợp. Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hiệp định đình chiến ở Lào, các lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Lào Ít-xa-la khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, chuyển trọng tâm hoạt động phù hợp với tình hình cách mạng.

Từ năm 1969, đáp trả các hoạt động quân sự của Mỹ đưa chiến tranh đặc biệt ở Lào lên một bước mới, Bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng Pa-thét Lào tổ chức chiến dịch Cánh đồng Chum (1970, 1972), Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), giải phóng A-tô-pơ, cao nguyên Bô-lô-ven, Sa-ra-van, v.v. Các chiến dịch trên tạo ra những bước nhảy vọt cho chiến tranh cách mạng Lào; đồng thời, hỗ trợ đắc lực, tạo thời cơ thuận lợi cho các bước chuyển biến của chiến tranh cách mạng ở Việt Nam. Những thắng lợi to lớn cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, đặc biệt là quân sự trên chiến trường ba nước Đông Dương đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri (27-01-1973) rút quân khỏi Việt Nam, ký Hiệp định Viên Chăn về Lào (21-02-1973).

Tháng 12-1973, tại cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu cấp cao Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, hai Đảng thống nhất đưa các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam đứng chân ở tuyến sau, giúp bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng, hỗ trợ cho bộ đội giải phóng Lào chiến đấu ở phía trước. Thực tế lịch sử đó đã chứng minh, sự liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Lào chỉ có hiệu quả khi Đảng Cộng sản Đông Dương - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào ngày nay, ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đã giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30-4-1975, bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non song thu về một mối. Cũng trong năm 1975, được thắng lợi của nhân dân Việt Nam cổ vũ, chớp thời cơ, nhân dân Lào anh em bằng “ba đòn chiến lược” đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2-12-1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời, kết thúc vẻ vang cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài gần 200 năm. Đó là thắng lợi vĩ đại chưa từng có trong lịch sử hai dân tộc Việt Nam và Lào. Có được thắng lợi vĩ đại ấy, ngoài tinh thần bất khuất, ý chí vì độc lập tự do của mỗi dân tộc thì tinh thần đoàn kết gắn bó, liên minh chiến đấu giữa nhân dân và quân đội hai nước là một trong những nhân tố quyết định nhất. Có thể nói cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, chiến đấu trên đất nước Lào, không chỉ là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam mà còn là những người con ưu tú của nhân dân các bộ tộc Lào. Họ xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”.

Những năm gần đây, Việt Nam và Lào đều là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực như: Liên hợp quốc, Ủy ban kinh tế-xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP), Phong trào Không liên kết (NAM), Tổ chức Cộng đồng Pháp ngữ, ASEAN, AIPO, ASEM, GMS, CLV, CLMV, WEC… Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào phát triển hết sức tốt đẹp. Trong bối cảnh mới, bên cạnh thời cơ, thuận lợi chúng ta còn không ít khó khăn, thách thức, hai bên cần tập trung vào mở rộng hợp tác giữa hai nước do Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội X Đảng Nhân dân cách mạng Lào đề ra, thực hiện thật tốt thỏa thuận hợp tác giữa hai Đảng, hai nhà nước Việt Nam - Lào bước sang thời kỳ mới.

Tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Kaysone Phomvihane, với sự quan tâm của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân hai nước, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong giai đoạn cách mạng mới sẽ không ngừng được củng cố và phát triển, góp phần vào sự nghiệp đổi mới ở mỗi nước và đưa mối quan hệ đặc biệt hiếm có giữa hai Đảng, hai nhà nước lên tầm cao mới. Đây chính là sự kiên định về mục tiêu, sự rõ ràng về đường lối của hai đảng, hai nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trên cơ sở những bài học quý báu của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, hai Đảng, hai nhà nước Việt – Lào sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tự lực, tự cường, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam và Lào ngày càng phát triển phồn vinh, thịnh vượng; mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhân dịp chuyến thăm nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 24 đến 26 tháng 11 năm 2016./ .

Đại tá, PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân và Đại tá, TS Sỉ Phon Kẹo Ca May - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn TCCT QĐND Lào


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website