Thanh Hóa làm theo lời Bác

Cuộc đời và sự nghiệp quang vinh của Người mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân ta noi theo. Bởi gia tài đồ sộ, di sản hết sức quý báu của Người, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.  Điều đầu tiên chúng ta cần phải ghi nhớ và có nhận thức đúng và đầy đủ về ý nghĩa sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ đối với Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, có lẽ là rất ít địa phương được Bác quan tâm đến như vậy. Một số ví dụ xin được nêu lên để minh chứng cho tình cảm đặc biệt mà Bác đã dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa, như: Ngoài hàng trăm bức thư, điện gửi động viên, thăm hỏi, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và chiến đấu. Bác Hồ đã 4 lần về thăm tỉnh ta, trong khi đó quê hương Nghệ An cũng chỉ về thăm được có 2 lần để chúng ta thấy sự quan tâm của Bác thế nào đối với Thanh Hóa. Trong số các lần ấy, đặc biệt là trong những ngày tháng gian khó, ác liệt khi toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 20 - 02 -1947, Bác Hồ về thăm Thanh Hoá lần đầu tiên, gặp gỡ nói chuyện với các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào; nói chuyện với nhân dân thị xã Thanh Hoá. Qua nói chuyện, Bác bày tỏ mong ước: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”, Bác cũng đã gợi ý cho cách làm, hướng phấn đấu và giao nhiệm vụ, gửi những lời động viên “Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”. Từ lời căn dặn của Bác trong lần về thăm đầu tiên, đáp lại tình cảm sâu nặng, nghĩa tình của Người, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh luôn ghi lòng, tạc dạ, quyết tâm phấn đấu thực hiện lời căn dặn của Người bằng những hành động cách mạng thiết thực, cụ thể. Việc thực hiện lời dạy của Bác đã trở thành hành động cách mạng vô cùng to lớn, thống nhất về tư tưởng và hành động, bằng nhiều kế hoạch và phong trào làm theo lời Bác dạy.

Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đảng bộ đã lãnh đạo quân, dân trong tỉnh vừa sản xuất, vừa chiến đấu, tham gia tiếp lương, tải đạn chi viện cho tiền tuyến, góp phần cùng toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ghi nhận đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một trong những địa phương của miền Bắc XHCN, chịu sự đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ. Song, với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu bảo vệ vững chắc hậu phương, chi viện kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Ghi nhận những công lao to lớn của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta; lực lượng vũ trang tỉnh ta đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đã có 4.208 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 202 tập thể, 93 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 13 tập thể và 6 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Đây là niềm vinh dự lớn lao, là nguồn lực tinh thần to lớn cổ vũ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh bước vào giai đoạn cách mạng mới. 

Thực hiện Di huấn thiêng liêng của Người, Thanh Hóa đã và đang dần trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, quốc phòng mạnh của cả nước. Mỗi bước đi lên của tỉnh nhà, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hoá luôn khắc sâu những lời khen ngợi, dặn dò, phê bình cũng như sự chỉ bảo ân cần của Bác. Qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; song với truyền thống đoàn kết và cách mạng, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Từ một địa phương thường xuyên thiếu lương thực, nhiều năm qua, Thanh Hóa không những đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, mà còn có một phần lương thực hàng hoá; các vùng sản xuất cây nguyên liệu phát triển ổn định; cơ giới hoá trong nông nghiệp được đẩy mạnh; một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhiều trang trại chăn nuôi tập trung được hình thành. Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng và đạt kết quả tích cực trong nhiều năm qua, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng xi măng, mía đường và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Các khu công nghiệp, khu Kinh tế Nghi Sơn được thành lập và phát triển, một số ngành công nghiệp then chốt của tỉnh, như: sản xuất vật liệu, nhiệt điện, lọc hoá dầu,...  được hình thành và ngày càng phát triển. Các ngành dịch vụ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Nhiều dự án lớn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, kỹ thuật đã hoàn thành và đang được đầu tư, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được triển khai thực hiện. Điển hình như: Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, lớn nhất nước ta từ trước đến nay; nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi đã hoàn thành đưa vào sử dụng, nhiều dự án quy mô lớn đang được đầu tư đã tạo điều kiện để tỉnh ta tăng tốc đi lên và tạo diện mạo mới của một tỉnh trên con đường hướng tới đích cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030. Thu ngân sách Nhà nước luôn vượt dự toán và năm sau cao hơn năm trước, thu ngân sách năm 2016 đạt gấp 3 lần so với năm 2010 là một kỳ tích rất đáng tự hào và khâm phục của sự phát triển vượt bậc về kinh tế của tỉnh. Các hoạt động văn hoá - xã hội chuyển biến tích cực; theo hướng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa; nhiều thế hệ học sinh, vận động viên của tỉnh đạt thành tích cao trong các kỳ thi Ô-lim-pích quốc gia, quốc tế và luôn duy trì ở vị trí tốp đầu cả nước; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11,4%, cao nhất trong 30 năm đổi mới. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,05%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và cao nhất khu vực Bắc Trung bộ; thu ngân sách nhà nước đạt 12.300 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán, gấp 3 lần so với năm 2010; huy động vốn đầu tư phát triển đạt trên 125 nghìn tỷ đồng, là mức huy động cao nhất từ trước đến nay; đã khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án khá lớn, góp phần quan trọng nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo sự thay đổi sâu sắc cho diện mạo của tỉnh. Những thành tựu đó đã và đang tạo ra thời cơ, vận hội mới; mở ra tương lai tốt đẹp và là tiền đề vững chắc để tỉnh ta thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước và đến năm 2030, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nghĩ về quá khứ, để xứng đáng với những tình cảm đặc biệt mà Bác Hồ đã dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa trong chặng đường 70 năm qua, dưới góc độ tuyên giáo, thiết nghĩ rằng trong thời gian tới tỉnh ta cần tập trung và đẩy mạnh quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt những lời Bác căn dặn, mọi hoạt động của các cấp, các ngành cần tập trung hướng vào mục tiêu sớm xây dựng Thanh Hóa trở thành “Tỉnh kiểu mẫu”, trước mắt cần hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đã đề ra, đó là: (1) Tổ chức thực hiện quyết liệt với tinh thần truyền thống cách mạng để đạt hiệu quả cao nhất 05 chương trình trọng tâm, 4 khâu đột phá và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các cơ chế, chính sách đã ban hành. Rà soát, cập nhật quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2040. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. (2) Các cấp ủy đảng cần tập trung lãnh đạo tháo gỡ các khó khăn,  vướng mắc, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển gắn với đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới và các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường...(3) Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững và nâng cao hơn nữa thành tích giáo dục mũi nhọn và thể dục - thể thao, nhất là thể thao thành tích cao; chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chăm lo cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt chính sách người có công; giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. (4) Một trong những vấn đề theo chúng tôi là các cấp, các ngành cần tạo được đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước thực sự; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tích cực thực hành tiết kiệm, phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tăng cường quốc phòng - an ninh; giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển, ổn định chính trị; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch, trong đó chú trọng nhất là âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. (5) Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự là những người có “tâm”, có “tầm”, thực hiện nhất quán “nói đi đôi với làm”, hết lòng phấn đấu vì lợi ích nhân dân, tạo được niềm tin, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của mọi tầng lớp nhân dân vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. (6) Quán triệt sâu sắc bài học “Lấy dân làm gốc” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” một cách thực sự tránh hình thức nhằm phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong cán bộ, công chức và toàn xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; xem xét, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân, đi liền với đó là phải giải quyết nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm dân chủ, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, đấu tranh phòng chống tham ô, tham nhũng đạt hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và tôn giáo góp phần tích cực vào xây dựng tình đoàn kết dân tộc cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững. Từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị, tập thể, gia đình và mỗi công dân cần xây dựng cho mình kế hoạch để hoàn thiện và đạt tiêu chí “Kiểu mẫu” của tập thể, gia đình và cá nhân.

Phía trước đối với tỉnh ta sẽ có rất nhiều thời cơ và vận hội mới với tất cả tấm lòng thành kính đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu, chắc chắn rằng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, quân và dân Thanh Hóa đang cố gắng học tập, khắc sâu và phấn đấu thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, tăng cường đoàn kết, nhất trí, phát huy tốt mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, vượt qua khó khăn, thách thức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, hòa nhịp cùng sự phát triển chung của cả nước, nêu cao quyết tâm xây dựng một Thanh Hóa Anh hùng trong thời kỳ mới và phấn đấu sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như Bác Hồ hằng mong muốn./.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Theo http://baothanhhoa.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website