(HCM.VN) - Sau 3 năm triển khai thực hiện, mô hình "Tủ sách cho xã nghèo" của Liên chi Đoàn khoa Kinh tế - Luật, trường Đại học Thương Mại Hà Nội đã góp phần duy trì và phát triển văn hóa đọc, từng bước góp phần nâng cao tri thức cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Đây là một trong những Mô hình tình nguyện tiêu biểu được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương tại hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
|
|
Tủ sách cho xã nghèo được Liên chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật liên tục triển khai trong những năm qua- ảnh: Ngô Hà |
|
Là người đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình Tủ sách cho xã nghèo, Lương Nguyệt Ánh cho biết: tháng 3/2014, trường Đại học Thương Mại tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình tình nguyện tiêu biểu. Theo đó, mỗi liên chi trong trường cần đăng ký và thực hiện một mô hình tình nguyện. Thời điểm đó, khoa Kinh tế - Luật kết hợp với khoa Quản lý - Đào tạo bắt đầu phát động tìm kiếm ý tưởng xây dựng mô hình tình nguyện của mình. Mỗi đoàn viên thanh niên là sinh viên, giảng viên trong khoa lại có một ý tưởng khác nhau.
“Có lần tình cờ chị xem chương trình thời sự, thấy một bé gái chia sẻ về ước mơ có được tủ sách để đọc thường xuyên, nhưng vì quê em nghèo quá nên ước mơ của em khó thành hiện thực nếu không có sự giúp sức từ các tổ chức và cộng đồng. Sau khi xem chương trình này, tôi cứ suy nghĩ mãi về ước mơ của cô bé đó, tôi đã mạnh dạn đề xuất và nhận được sự ủng hộ của các thầy cô trong khoa.” Chị Ánh cho biết.
Là lần đầu tiên thực hiện mô hình tủ sách cho xã nghèo nên từ khâu khảo sát, lựa chọn địa chỉ xã nghèo cho đến cách thức vận động, thu gom, phân loại sách được Ban chấp hành Liên chi đoàn khoa Kinh tế - Luật làm rất nghiêm túc, bài bản. Việc lựa chọn địa điểm để đặt tủ sách cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Và thôn Đống Long, xã Hòa Long, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là địa điểm đầu tiên được Liên Chi đoàn khoa Kinh tế - Luật đã lựa chọn. Đây là địa điểm quen thuộc trong mỗi chuyến tình nguyện của Đoàn trường Đại học Thương Mại.
Đống Long được biết đến là mảnh đất có truyền thống hiếu học với nhiều thủ khoa, á khoa. Dù cách trung tâm thành phố Hà Nội không xa nhưng xét về cơ sở vật chất, tiếp cận với sách báo, tri thức mới của người dân còn nhiều hạn chế. Qua khảo sát, được biết tại một số điểm trường cách trung tâm huyện vẫn còn thiếu thốn về sách, vì thế Liên chi Đoàn đã quyết định chọn Đống Long là điểm đầu tiên để thực hiện chương trình, với mong muốn duy trì và phát triển văn hóa đọc, từng bước góp phần nâng cao tri thức cho học sinh tiểu học ở vùng còn khó khăn.
Sau hơn 2 tuần phát động, Ban Tổ chức đã quyên góp thu về 2.050 đầu sách báo, tạp chí, sách tham khảo, truyện…cùng gần 4 triệu đồng tiền mặt từ những tấm lòng hảo tâm của các thầy, cô giáo trong và ngoài khoa Kinh tế - Luật, phòng Quản lý Đào tạo, toàn thể các đoàn viên Liên chi đoàn khoa Kinh tế - Luật cùng các nhà hảo tâm ngoài trường.
Sáng 16/03/2014, một tủ sách với 2.050 đầu sách trên đã được trao tặng cho thôn Đống Long. Vì thôn chưa có nhà sinh hoạt văn hóa nên tủ sách được đặt ngay tại ngôi đình cổ Hồng Phúc Tự trong không khí ấm áp, và háo hức của các em nhỏ nơi đây.
“Món quà tuy không lớn về vật chất nhưng có ý nghĩa to lớn về tinh thần. Bản thân những người thực hiện chương trình như chúng tôi luôn hi vọng tủ sách sẽ phần nào giúp các em có cơ hội tiếp cận gần hơn với nguồn tri thức phong phú, để tiếp tục phát huy truyền thống đất học của địa phương.” Chị Ánh chia sẻ.
Anh Kim Xuân Cường, cựu sinh viên của trường Đại học Thương Mại, một trong những người tham gia thực hiện chương trình “Tủ sách cho xã nghèo” từ những ngày đầu tiên cho biết: Tôi vẫn nhớ như in những khuôn mặt háo hức của các em học sinh khi sách vừa được chuyển tới nơi. Chúng ùa ra, giúp các tình nguyện viên mang sách vào và cùng xếp sách lên tủ, rồi cùng hò reo mỗi khi gặp được một cuốn sách “hấp dẫn” từ truyện tranh hay cuốn báo nhi đồng… Hình ảnh của các em nhỏ là động lực tiếp thêm niềm tin cho những người làm chương trình tủ sách cho xã nghèo.
Tủ sách cho xã nghèo là một trong những mô hình được Thành đoàn tặng Bằng khen trong đợt sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị - ảnh: An Nhiên
|
Sau khi chương trình tặng sách ở Đống Long thành công, từ năm 2014 đến nay, Liên chi Đoàn tiếp tục thực hiện các chương trình “Tủ sách cho xã nghèo” ở xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Mới đây, tháng 3 năm 2017, Liên chi Đoàn đã tổ chức quyên góp sách để trao tặng Trường tiểu học Trung Sơn B, thuộc xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ - một xã nghèo miền núi thuộc diện 135 - nơi mà các em không chỉ thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống hàng ngày mà còn thiếu thốn cả về công cụ tạo nên tri thức của nhân loại - đó là sách.
Theo chị Ngô Ngân Hà, Bí thư Liên Chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật, thời gian tới Liên chi đoàn tiếp tục nhân rộng mô hình Tủ sách cho xã nghèo tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, ngoài việc đến tặng quà, tặng sách thì Đoàn thanh niên sẽ tổ chức kết hợp các hoạt động vui chơi khác nhằm tạo thêm cơ hội cho các em học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa tiếp cận với sách cũng như được hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả. Từ đó, khơi dậy tình yêu sách trong các em nhỏ, từng bước nâng cao tri thức cho học sinh tiểu học.
Với thông điệp “Mỗi cuốn sách - một ngọn lửa thắp sáng ước mơ”, chị Ngân Hà mong muốn chương trình Tủ sách cho xã nghèo trong thời gian tới sẽ nhận được thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội để ngày càng có thêm nhiều trẻ em nghèo được tiếp cận với những quyển sách phù hợp với độ tuổi và sở thích”./.
An Nhiên