Đất nước mùa xuân

Từ an dân đến xây dựng đất nước

Trong suốt cuộc đời mình, trong mỗi lời nói, việc làm, Bác luôn nhất quán quan điểm là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Chính vì đó, khi đất nước giành được độc lập, vấn đề kiến thiết, phát triển kinh tế - xã hội được Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tiên quan tâm thực hiện. Ngày 31/12/1945, Người ký Sắc lệnh số 78 về việc thiết lập “Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết” của Chính phủ. Phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban ngày 10/1/1946, Bác mong muốn mọi người “đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội”, “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”.

Bác Hồ với nhân dân (Tác phẩm: Nghe lời Bác dạy của họa sĩ Vương Trình, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Ảnh: Tư liệu

Tư tưởng ấy của Người lại được nhấn mạnh tại Đại hội II của Đảng (1951): “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, phú cường”.

Khát vọng đó được Người gửi gắm vào mỗi người dân Việt. Chỉ ba ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong bức thư gửi các em học sinh, nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, ngày 05/9/1945, Bác Hồ đã nói về khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, Bác viết: "Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

Khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh cũng được Người gửi gắm trong thư gửi các giới công thương Việt Nam: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người nhấn mạnh, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Các nhà công nghiệp, thương nghiệp hãy cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp”, do đó “Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”.

Với tầm nhìn sâu rộng, Bác hiểu rằng, muốn đất nước phát triển cường thịnh, phải phát huy tối đa các nguồn lực bên trong, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, có chính sách mở cửa, hỗ trợ phát triển nền kinh tế nhằm tạo nội lực dân tộc vững mạnh. Người tuyên bố: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực. Quan điểm của Người trong việc mở cửa, hợp tác quốc tế không chỉ nhằm mục đích nhận được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, mà thông qua đó thu hút ngoại lực, thu hút đầu tư, tạo ra những điều kiện phát huy tiềm năng của đất nước, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Do đó, Người luôn cố gắng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước bạn cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành thành công cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Người rất coi trọng các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế nhằm đạt tới sự ổn định và phát triển xã hội, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Chính nhờ thực hiện triệt để các chính sách vì dân, từ một nước ngân khố rỗng tuếch, gần 2 triệu người chết đói, 95% người mù chữ năm 1945, thì đến đầu năm 1946, chỉ sau 4 tháng, sản lượng hoa màu đã tăng gấp bốn lần so với thời kỳ Pháp thuộc; đến tháng 5-1946 nông nghiệp đã đạt 614.000 tấn, qui ra thóc là 506.000 tấn. Giặc đói bị đánh lui. Và chỉ trong ba năm, đến tháng 9/1948, cả nước đã có gần 8 triệu người thoát nạn mù chữ. Cũng nhờ thực hiện các chính sách lớn mà cách mạng Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ của các nước anh em để có đủ nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mang lại độc lập cho đất nước, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Tiếp tục thực hiện ý nguyện của Bác

Tiếp nối kỳ vọng, niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu, Đảng, Nhà nước ta đang  hiện thực khát vọng ấy trong công cuộc đổi mới toàn vẹn đất nước. Sự phát triển của Việt Nam trong 35 năm qua rất đáng ghi nhận. Đổi mới kinh tế từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Trong giai đoạn 2011 – 2015, tăng trưởng kinh tế bình quân nước ta đạt 5,9%/năm; giai đoạn 2016  - 2019 đạt 6,8%/năm. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020.

 

Xuân đã về trên mọi miền tổ quốc. Ảnh minh họa: Lê Thương

Năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có cùng mức thu nhập; chỉ số phát triển bền vững tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kể từ khi bắt đầu mở cửa năm 1986, đến nay, Việt Nam đã trở thành đối tác cởi mở và tin cậy của thế giới trên nhiều phương diện. Đặc biệt, Việt Nam đảm nhận xuất sắc 2 trọng trách lớn: Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Những thành tựu về kinh tế - xã hội cho thấy thế và lực của đất nước đang đi lên, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định.

Những thành tựu rực rỡ đó được điểm trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là “rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật” và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trong 2 năm qua, thế giới chao đảo vì dịch bệnh COVID-19, Việt Nam không nằm ngoài những thiệt hại mà cả thế giới đang gánh chịu. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước ta luôn nhanh chóng, kịp thời đưa ra các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động, thể hiện qua những văn bản như Nghị quyết 68/NQ-CP; Nghị quyết 105/NQ-CP; Nghị định 92/2021/NĐ-CP; Nghị quyết 116/NQ-CP;… Các chính sách trợ cấp, hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm cho người dân; chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, chính sách điều trị, hỗ trợ, tiêm phòng COVID-19 cho toàn dân đã mang lại những hiệu quả xã hội to lớn. Chính vì đó, năm 2020, khi kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng (thuộc nhóm cao nhất thế giới) đạt 2,91%; sang năm 2021, tăng 2,58%. Đây là thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh. Niềm vui hơn nữa khi diện bao phủ vắc xin của ta đứng trong nhóm 6 nước cao nhất thế giới, người dân đang được tiêm bổ sung mũi thứ 3 và nền kinh tế vận hành trong điều kiện “bình thường mới”, thì kinh tế Quý IV/2021 của ta đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2020. Điều này hoàn toàn khiến chúng ta tin tưởng đại dịch sắp bị đẩy lùi và sự hồi sinh mạnh mẽ đất nước.

“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là chủ trương mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện. Khát vọng đó vẫn đang chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam, trở thành hành động mạnh mẽ để biến ước mơ trở thành hiện thực. Trên hành trình xây dựng đất nước giàu mạnh đầy chông gai, thử thách đó, chứa đầy ý chí quyết tâm, công sức và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân ta.

Xuân đã đến trên mọi miền tổ quốc. Sự thay đổi của tiết trời, của vũ trụ và vạn vật khiến mỗi người trào dâng cảm xúc, niềm tin và hy vọng về một đất “càng ngày càng Xuân”, là động lực để mỗi người dân Việt cùng nhau phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, nhằm đạt bằng được mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website