Yêu nước gắn với yêu Đảng và yêu chủ nghĩa xã hội

Yêu nước gắn với yêu Đảng là không thể phủ nhận

Yêu nước vốn là một khái niệm đẹp đẽ, gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, con người, thiên nhiên… và yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là thuộc tính chung của con người, của người Việt Nam gắn liền với Tổ quốc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng. Sinh ra và lớn lên khi đất nước đang đắm chìm trong đêm trường nô lệ, lại thấm đẫm trong tâm khảm của mình lời ru của mẹ, những căn dặn, chỉ dạy của cha cùng những nét đặc sắc của nền văn hiến Việt Nam, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nặng lòng với quê hương, đất nước, với nhân dân, mà Người còn nhấn mạnh rằng “tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”[3].  

Bởi thế, thấu hiểu sâu sắc rằng, trong mỗi người con đất Việt, thì chỉ “trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước”[4] và để cổ vũ, phát huy lòng yêu nước của nhân dân nhằm nhân nguồn sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2/1930) là: “2.  Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa c.m đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến. 3. Đảng phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia. 4. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh Niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản c.m (Đảng Lập hiến, v.v.) thì phải đánh đổ”[5]. Đây chính là quy tụ, đoàn kết mọi tầng lớp, tổ chức chính trị xã hội và mọi cá nhân yêu nước để cùng tranh đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc “a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập. c) Dựng ra Chính phủ công nông binh”. Thực tế là, lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, tinh thần yêu nước nồng nàn hiển hiện trong trái tim, khối óc của mỗi người dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng – với một đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp yêu cầu của dân tộc và xu thế phát triển tất yếu của nhân loại (chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản), Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á đã ra đời.

Vì thế, có thể khẳng định rằng lịch sử cách mạng Việt Nam thời cận hiện đại (trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời) đã chứng minh rằng: Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn, nhưng các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân (dưới sự lãnh đạo của giai cấp phong kiến/phong trào Cần vương) liên tiếp nổ ra chống lại ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, song đều đã bị dìm trong biển máu. Cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo cũng kết thúc trong thất bại và các phong trào Đông Du, cải cách duy tân của 2 nhà chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… cũng không thể đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Mà chỉ có là, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với đường lối chính trị đúng đắn (xác định rõ con đường cách mạng Việt Nam theo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin…) và phát huy lòng yêu nước, nhân nguồn sức mạnh của lòng yêu nước Việt Nam trên tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết, “vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được Độc lập, Tự do”[6] thì sự nghiệp đấu tranh chống ách thống trị của ngoại xâm của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng mới giành được thắng lợi trọn vẹn. Đó chính là đánh đuổi phát xít Nhật, thực dân Pháp và đánh đổ chế độ phong kiến để sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đưa những thân dân/người nô lệ của xứ An Nam thuộc địa trở thành chủ nhân của nước Việt Nam độc lập, tự do được bảo đảm về quyền con người, quyền công dân của mình…

Nên mới nói rằng, yêu nước không đơn thuần chỉ là “cảm xúc thuần túy” của con người, mà phải là hành động/nghĩa là gắn yêu nước với Đảng/với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của thì truyền thống yêu nước Việt Nam/tinh thần yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam mới đạt đến thắng lợi có ý nghĩa thời đại. Đó là đưa tên đất nước Việt Nam trở lại bản đồ chính trị thế giới; mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội - kỷ nguyên làm chủ vận mệnh của chính mình, dân tộc mình của mỗi người Việt Nam yêu nước! Đây không phải là “lợi dụng lòng yêu nước để đạt được các mục đích chính trị” như sự xuyên tạc các phần tử bất mãn, cơ hội, phản động, mà chính là nâng chủ nghĩa yêu nước truyền thống của Việt Nam lên một tầm cao mới, mang hơi thở của thế giới đương đại. Đó chính là yêu nước gắn liền với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày 19/9/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng là nơi gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong – một trong những Đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Ảnh tư liệu

 Yêu nước gắn với yêu chủ nghĩa xã hội là tất yếu

Yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn là gắn khát khao độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa bình với thương người, thương nhân loại cần lao và phấn đấu cho một nước Việt Nam độc lập, tự do và nhân dân Việt Nam được ấm no, hạnh phúc. Vì thế, Người không chỉ tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân; thực hiện việc quy tụ sức mạnh lòng yêu nước của mọi người dân Việt Nam để đấu tranh giành độc lập dân tộc và kiên quyết bảo vệ, giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, mà còn khẳng định “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” và chủ nghĩa xã hội là “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”, “là làm sao cho dân giàu nước mạnh”…

Thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và phát huy sức mạnh của lòng yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và nhất quán trong đường lối, chủ trương của Đảng được khẳng định từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên (tháng 2/1930) đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Việt Nam, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (cách mạng giải phóng dân tộc tiến đến cách mạng xã hội chủ nghĩa) chính là điều kiện để giữ vững độc lập dân tộc và thực hiện các quyền tự do, dân chủ, hạnh phúc của nhân dân. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là chính xây dựng một xã hội tốt đẹp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc; và “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[7] được ghi rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Thực tế, ở Việt Nam, những thành tựu trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… từ năm 1945 cho đến nay đã không chỉ chứng minh rằng: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất”[8], mà còn khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước; của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo dựng niềm tin, củng cố niềm tin vững chắc cho nhân dân trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời tạo thế và lực cho dân tộc vững vàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Và thực tế cũng chứng minh, tư tưởng Hồ Chí Minh về “yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”[9] đã được triển khai đồng bộ trong Đảng và cả hệ thống chính trị; trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, tư tưởng của Người về yêu nước gắn với chủ nghĩa quốc tế vô sản trên tinh thần: “Quan sơn muôn dặm một nhà,/Vì trong bốn biển đều là anh em[10] không chỉ được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt và thực hiện chiến lược đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại trong tiến trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, mà còn góp phần xác định, triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, với tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, việc kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng càng cho thấy “động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[11] quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc đến nhường nào. Vì vậy, cần phải khẳng định rằng: Truyền thống yêu nước, tinh thần yêu nước nồng nàn của mỗi người dân Việt Nam luôn là sức mạnh và càng được nhân lên khi gắn với sự lãnh đạo của Đảng; với việc kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội/nghĩa là gắn với thể chế chính trị nhất nguyên (một Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước và xã hội) như Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định; với việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn từ mùa Xuân năm 1930. Đó không phải là lòng yêu nước “bị áp đặt” mà là làm cho lòng yêu nước trở nên sinh động hơn, hiện thực hơn bởi chủ nghĩa xã hội và những giá trị của chế độ xã hội chủ nghĩa đã, đang và tiếp tục mang đến cho mỗi người dân Việt Nam trên hành trình hướng đến tương lai. Thực tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng thì yêu nước - “yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”[12] và đây chính là sự thật không thể phủ nhận.

Vì thế, yêu nước gắn với yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội là lòng yêu nước đó, tinh thần yêu nước đó của mỗi người dân Việt Nam gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và cũng vì thế, luận điệu xuyên tạc rằng ở Việt Nam, yêu nước “thường bị đồng hóa” với yêu Đảng và yêu chủ nghĩa xã hội là “thủ đoạn” tuyên truyền nhằm “bảo vệ quyền lực và sự độc quyền của Đảng Cộng sản” chỉ là sự suy diễn phản động, cần phải bác bỏ. Hơn nữa, có một sự thật không thể bẻ cong là sẽ chẳng có cơ quan tuyên truyền nào; người tuyên truyền nào làm được việc gắn yêu nước với Đảng, yêu nước với chủ nghĩa xã hội, nếu thực sự truyền thống yêu nước/tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản không mang lại một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, ngày càng phát triển giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc; nếu không mang lại một đời sống vật chất và tinh thần thực sự ngày càng được nâng cao cho mỗi người dân để không ai bị bỏ lại phía sau. Cho nên, mọi luận điệu xuyên tạc, bẻ cong sự thật về lòng yêu nước, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh của các phần tử bất mãn, cơ hội, phản động chính là thủ đoạn, là chiêu trò “diễn biến hoà bình” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cần phải bác bỏ./.

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.38

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.219

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.38

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.516

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.3

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.595

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.496

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.487

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.558

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.34

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.401

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website