Những bài học không bao giờ cũ

Nhiều câu chuyện đẹp giữa đời thường

Vài năm gần đây, phong trào thi đua học Bác sôi nổi trong cán bộ, đảng viên đã tạo sức lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Nhiều câu chuyện đẹp, cảm động từ noi theo gương Bác đã thật sự truyền cảm hứng và nhân lên giá trị sống tốt đẹp trong cộng đồng.

 

 Thương binh Danh Văn Thoại (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) được

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tuyên dương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác. Ảnh: H.T

Chuyện người "vác tù và hàng tổng"

Về ấp Long Đức (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long), nghe nhiều người dân trong ấp nhắc đến thương binh Danh Văn Thoại khiến chúng tôi hết sức tò mò và tìm gặp. Năm 18 tuổi, thanh niên Danh Văn Thoại đã tình nguyện tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Trong một trận đánh ác liệt, Văn Thoại bị thương nặng, phải cắt bỏ một cánh tay và xuất ngũ vì điều kiện sức khỏe không cho phép. Khi trở về địa phương, khắc sâu lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế”, Văn Thoại luôn lạc quan với cuộc sống, nỗ lực vượt qua khó khăn bằng nhiều kế sinh nhai: trồng trọt, chăn nuôi, làm thuê… Những nỗ lực đó đã giúp ông không chỉ vững vàng vượt qua bệnh tật mà còn nuôi 2 người con ăn học thành tài.

Đời sống kinh tế tuy vẫn còn chật vật nhưng thương binh Danh Văn Thoại vẫn rất tích cực với công tác xã hội của địa phương. Là Chi hội trưởng Cựu Chiến binh ấp, kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật thị trấn Phước Long, ông Thoại luôn tích cực hỗ trợ cán bộ địa phương trong công tác y tế, dân số, vận động bà con tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới. Nhận nhiệm vụ “vác tù và hàng tổng”, có hôm ông lội bộ gần 20km để đến từng hộ dân tuyên truyền các chủ trương, chính sách, rồi lên trụ sở ấp, thị trấn, thậm chí cả huyện để giúp bà con hoàn thành nhanh các thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực.

Để kể về những việc tốt mà ông Thoại đã làm thì bà con trong ấp đều gần như nhớ vanh vách: nào là đã vận động Nhân dân làm lộ đất đen, trồng hàng rào cây xanh, rồi phát quang các tuyến đường. Không chỉ vậy, với sự tin tưởng, thương yêu của mọi người, ông Thoại cũng đã vận động gạo, nhu yếu phẩm, tiền mặt… cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Ông Thoại chia sẻ: “So với những đồng đội đã hy sinh khi tham gia chiến đấu thì tôi may mắn hơn rất nhiều. Tôi nghĩ rất đơn giản, không cần làm những điều to tát, tôi học Bác ở những việc làm gần gũi với cuộc sống mình nhất. Vì vậy tôi càng cảm thấy mình có ích hơn khi được giúp mọi người, đặc biệt là góp phần cùng địa phương trong nhiều phong trào, hoạt động”.

Đại úy Trần Thanh Liêm - Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong học và làm theo Bác tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị do Tỉnh ủy tổ chức. Ảnh: H.L

Rực rỡ những đóa hoa đời

Mỗi người, với những công việc, nghề nghiệp khác nhau, đều có thể nỗ lực học và làm theo Bác, góp phần lan tỏa các giá trị, ý nghĩa tốt đẹp của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hơn 1.050 tập thể, cá nhân được điển hình tiêu biểu và được khen thưởng, tôn vinh trong 5 năm qua thật sự như những đóa hoa đời rực rỡ sắc hương trong vườn hoa học Bác. Sự muôn màu muôn vẻ được điểm tô trên các lĩnh vực với đa dạng thành phần: từ những nhà giáo ưu tú, những chiến sĩ quân đội, công an đến những doanh nhân tiêu biểu, người nông dân, công nhân, cựu chiến binh và cả những người dân bình thường đều cho thấy rằng họ đã thành công trong việc học và làm theo Bác, để rồi tỏa sáng theo cách của riêng mình.

Đó là Đại úy Trần Thanh Liêm - Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với tâm huyết “cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, anh cùng đồng đội đã trăn trở, miệt mài nghiên cứu chế tạo và thực nghiệm thành công hơn 50 mô hình, học cụ phục vụ huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh trong suốt thời gian qua. Từ những cống hiến trên không chỉ giúp anh “rinh” về rất nhiều giải thưởng ở các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật mà còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Tiếp tục thực hiện theo lời dạy của Bác “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, Đại úy Trần Thanh Liêm đã và đang hoàn thành mô hình nghiên cứu mới về loại súng hỏa lực mạnh; dự định xây dựng công trình nghiên cứu sắp tới nhằm phục vụ huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ biển.

Hay như có rất nhiều giáo viên tình nguyện về vùng sâu, vùng xa để tiếp sức học sinh nông thôn, khó khăn đến trường, chinh phục tri thức. Cũng có không ít những cựu chiến binh, nông dân, người cao tuổi dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tình nguyện hiến đất xây trường, xây nhà văn hóa ấp, mở đường, vận động tặng tập sách, học bổng cho học sinh nghèo… Bằng những việc làm thiết thực, đầy tính nhân văn ấy đã góp phần cùng địa phương trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội.

Theo lời Bác dạy, mỗi khi khó khăn, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân ta lại được khơi dậy. Quả thật, những câu chuyện đầy cảm xúc đã lan tỏa sâu rộng trong thời gian qua khi không ít cá nhân, tập thể thiện nguyện đã sẻ chia cùng cộng đồng, địa phương, đất nước trong quyết tâm phòng chống và đẩy lùi đại dịch COVID-19. Hình ảnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các em học sinh… tự nguyện quyên góp tiền tiết kiệm gửi đến “tuyến đầu” chống dịch; những phụ nữ đảm đang, cần mẫn may hàng ngàn chiếc khẩu trang từ thiện; những nhóm thiện nguyện quyên góp nhu yếu phẩm, xây dựng cây ATM gạo… đã thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc ta như Bác hằng mong mỏi.

Những tấm gương người tốt, việc tốt khi được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng sẽ làm “sinh sôi, nảy nở” nhiều hơn nữa những câu chuyện đẹp, bình dị, chân thực giữa đời thường. Đây cũng chính là những tấm gương gần nhất dành cho những ai chưa tham gia sẽ có động lực học tập, làm theo mạnh mẽ và hiệu quả.

 

Hoàng Uyên

Theo http://www.baobaclieu.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website