Hòa Bình: Lựa chọn đột phá trong học và làm theo Bác

Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đi vào hoạt động từ tháng 8/2017, đến nay đã tiếp nhận 191.737 hồ sơ, đã xử lý 184.840 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99% (Ảnh: baohoabinh.com.vn)

Lựa chọn những khâu đột phá

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05-CT/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Kế hoạch, trong đó gợi ý mỗi cơ quan, đơn vị chọn việc cụ thể có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện; tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan Nhà nước, nâng cao đạo đức công vụ,... Một trong những nội dung đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW được tỉnh xác định là đẩy mạnh cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nâng cao đạo đức công vụ, gắn với thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 08/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Triển khai khâu đột phá, các cơ quan hành chính trên địa bàn tập trung cải tiến lề lối làm việc; thực hiện niêm yết công khai quy trình thủ tục giải quyết công việc tại trụ sở, duy trì hòm thư góp ý, công khai số điện thoại nóng để kịp thời tiếp nhận, giải quyết những phản ánh, kiến nghị và các ý kiến của doanh nghiệp và người dân.

Kết quả, 80% các văn bản chính thức giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện trên mạng điện tử; 100% đơn vị cấp huyện có Bộ phận Một cửa hiện đại; 100% thủ tục hành chính (TTHC) được chuẩn hoá, công khai, minh bạch. Tỷ lệ TTHC của tỉnh được giải quyết theo hướng hiện đại đạt 100%. Đáng chú ý, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đi vào hoạt động từ tháng 8/2017, đến nay đã tiếp nhận 191.737 hồ sơ, đã xử lý 184.840 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99%. Tính liên thông trong giải quyết TTHC được tăng cường, đảm bảo TTHC được giải quyết nhanh gọn, công khai, minh bạch; ngăn chặn, xoá bỏ khâu trung gian; rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, giảm tối đa chi phí thực hiện TTHC. Cán bộ, công chức, viên chức thi hành công vụ với tinh thần “Làm hết việc chứ không làm hết giờ”, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả công việc; do đó, được người dân tin tưởng và đánh giá cao.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, sau 5 năm triển khai khâu đột phá, năm 2018, chỉ số CCHC của tỉnh tăng 9 bậc so với năm 2017, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố; năm 2019, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh đạt 63,84 điểm, xếp thứ 48; trong đó, điểm tác động CCHC với phát triển kinh tế, xã hội khá cao, đạt trên 3,5 điểm. Hiện nay, công tác CCHC tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hướng tới phục vụ người dân tốt hơn.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ được triển khai thực hiện có hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Một trong những thành tựu nổi bật trong giai đoạn 2016-2020 của Hòa Bình là toàn tỉnh giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 59/210 đơn vị hành chính cấp xã (đứng đầu cả nước về tỉ lệ giảm đơn vị hành chính cấp xã); giảm 248 đơn vị sự nghiệp công lập, 576 thôn, xóm, tổ dân phố, 2.304 người hoạt động không chuyên trách và 2.880 tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố.

Học tập đi đôi với làm theo

Để đẩy mạnh việc học và làm theo Bác, BCH Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, từ khâu xây dựng văn bản, chỉ đạo đến tổ chức triển khai thực hiện với những cách làm sinh động, thiết thực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và điều kiện của địa phương.

100% các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã kịp thời cụ thể hoá, ban hành kế hoạch tổ chức học tập quán triệt và triển khai thực hiện; đồng thời, biên tập nội dung các chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW để triển khai theo hướng ngắn gọn, sát với tình hình thực tế. Trong 5 năm (2016-2020), trên 96% cán bộ, đảng viên trên địa bàn đã xây dựng Phiếu đăng ký thực hiện các chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII và nộp về cấp ủy nơi sinh hoạt để theo dõi, làm căn cứ đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên.

Hòa Bình chú trọng học và làm theo lời Bác gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng Nông thôn mới. (Ảnh chụp tại xóm Mè, xã Tu Lý (Đà Bắc), nguồn: hochiminh.vn)

Cấp ủy các cấp cũng tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ với phương châm “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”; xây dựng chuẩn mực cán bộ, công chức, viên chức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tinh thần “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hòa Bình có trên 98% cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, niêm yết chuẩn mực đạo đức công vụ theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình, với phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học tập đi đôi với làm theo”, trong 5 năm, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp toàn khoá và hằng năm. Đến nay, việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ đã trở thành nội dung quan trọng, thường xuyên trong sinh hoạt Đảng.

Để tạo chuyển biến rõ nét trong học và làm theo Bác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình cũng đã lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện, trong đó tập trung vào giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài, gây bức xúc trong xã hội; trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên; tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,... Cùng với đó, tại các cuộc họp giao ban chuyên đề hàng quý, chỉ đạo các cơ quan cấp tỉnh, các doanh nghiệp đỡ đầu xã khó khăn và yêu cầu phải đảm bảo có kết quả, hiệu quả; phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã thuộc chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh; các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề ra giải pháp giúp đỡ, tập trung xây dựng mỗi xã có 01 sản phẩm đặc trưng để phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo sức lan tỏa trong xã hội

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu học và làm theo gương Bác trên các lĩnh vực như: chị Vì Thị Thuận (Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu) thành lập Cơ sở Bảo trợ xã hội Thuận Hòa, dạy nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 40 chị em, trong đó có nhiều lao động khuyết tật; ông Bùi Văn Tý (xã Hợp Phong, huyện Cao Phong) mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình còn rất khó khăn nhưng đã 3 lần hiến đất với diện tích trên 1.400 m2 để làm Trạm Y tế xã và Trường Mầm non xã; Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng (xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn) - người con dân tộc Mường say mê khảo cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát triển văn hoá dân gian Mường, được Chủ tịch Nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; ông Bàn Văn Thân, xã Vầy Nưa, Đà Bắc hằng năm mở 2-3 lớp dạy chữ Dao cho hàng trăm con em dân tộc Dao bằng nguồn kinh phí cá nhân và quyên góp ủng hộ...

Để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, toàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền các gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình tiên tiến trong học và làm theo Bác, nhờ đó tác động tích cực đến nhận thức và hành động của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Hòa Bình cũng đã chú trọng thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là các phong trào thi đua yêu nước; thi đua lao động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh giỏi; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, văn hoá công sở; gương người tốt - việc tốt,…

Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đến năm 2020, tỉnh Hòa Bình có thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và 88 xã về đích nông thôn mới, trong đó: Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 (hoàn thành trước 01 năm so với kế hoạch). Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính mới, đến nay, tỉnh có 54/131 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới (chiếm 41,22%); huyện Lạc Thủy đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khoảng 8,56%. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

 

 Chị Vì Thị Thuận (áo xanh) - một trong những cá nhân điển hình của Hòa Bình được nhận Bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Thủ tướng Chính phủ (Ảnh: NVCC)

Nhiều chuyển biến tích cực

Theo đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, có được những phong trào rộng khắp và lan tỏa đó là nhờ thực hiện có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” 5 năm qua của tỉnh Hòa Bình. Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã xây dựng và duy trì 1.777 mô hình, điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những kết quả đạt được trong 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW trên địa bàn tỉnh đã tác động mạnh mẽ đến cán bộ, đảng viên, lan toả rộng rãi trong nhân dân; đã và đang trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh ngày càng được cải thiện. Các địa phương đã xây dựng được sản phẩm đặc trưng của vùng miền, tạo nên thương hiệu, từng bước khai thác hiệu quả; nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo được nhân rộng; xuất hiện nhiều gương người tốt - việc tốt, những tấm gương bình dị mà cao quý trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; nhiều vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận được tập trung giải quyết đạt hiệu quả, chuyển biến tích cực. Việc gắn thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, sự xuống cấp một số mặt của đạo đức xã hội...

Đồng chí Bùi Đức Hinh khẳng định, kết quả đạt được trong những năm qua là sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình thực hiện lời Bác dạy. Đây là động lực to lớn, tạo nên sức mạnh nội sinh thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá,...; là tiền đề quan trọng giữ vững ổn định chính trị, đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thiết thực đẩy mạnh học tập và làm theo Bác, trong giai đoạn tới, Hòa Bình xác định tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xây dựng chuẩn mực đạo đức theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị; gắn việc học và làm theo Bác với triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững; phát động các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đăng ký công trình thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, với mục tiêu, nội dung, lộ trình cụ thể; triển khai thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cơ quan, địa phương, đơn vị; không ngừng đổi mới phong cách, tác phong công tác gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với Nhân dân;.../.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website