Bài 3: Sức lan tỏa của việc học và làm theo Bác

Quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền

 

Những cán bộ, chiến sỹ Công an ngày đêm thực hiện việc làm
căn cước công dân cho người dân trên địa bàn Thành phố. (Ảnh: Tự Trung)

Báo cáo kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Để những nội dung của Chỉ thị đi vào cuộc sống, bên cạnh những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị thông qua nhiều nội dung, hình thức, giải pháp thiết thực; chú trọng lựa chọn nội dung, vấn đề trọng tâm chỉ đạo; quan tâm lãnh đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm; đề cao việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình học tập và làm theo Bác.

Các cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, tích cực triển khai thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy trách nhiệm, tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở; nghiêm túc đăng ký, cam kết thực hiện kế hoạch cá nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Với phương châm “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện” cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quận ủy Tân Bình đã gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW với việc xác định các nội dung đột phá, các vấn đề nổi cộm phát sinh trên địa bàn để tập trung giải quyết. Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 05, từ quận đến cơ sở đã thực hiện 335 nội dung, chương trình đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều nội dung trên từng lĩnh vực (cấp quận có 17 nội dung, cấp cơ sở có 318 nội dung).

Các chương trình đột phá được tập trung lựa chọn và đăng ký thực hiện, xây dựng kế hoạch cụ thể và phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, xác định rõ lộ trình thực hiện; từ đó đã xuất hiện nhiều phong trào, mô hình tại cơ sở được nhân rộng trên địa bàn quận, từng bước nâng cao chất lượng công tác phục vụ nhân dân (tỷ lệ hồ sơ hành chính được giải quyết đúng luật, đúng hạn đạt trên 97%; mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan chính quyền đạt trên 90%) như: phong trào “5 biết, 3 hơn” (biết cười, biết chào hỏi, biết lắng nghe, biết nhận lỗi, biết sửa sai; nhanh hơn, thân thiện hơn, chính xác hơn), phong trào “Nụ cười công sở”, phong trào “Cán bộ, đảng viên học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”...

 

 Từ quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 05, nhiều cá nhân, tập thể đã được
Thành phố Hồ Chí Minh biểu dương trong thời gian qua. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các quận 2, 9, Thủ Đức (cũ) và Thành ủy Thủ Đức, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã từng bước trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong công việc cũng như hoạt động hằng ngày của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo đã phát huy hiệu quả tích cực: Chuyên trang điện tử “Học tập và làm theo Bác” với điểm nhấn là chuyên mục “Kỷ yếu điện tử giới thiệu các gương điển hình”; tổ chức thành công Hội thi tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020. Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 9 vinh dự được nhận giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần 1 năm 2019…

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm, nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Cấp ủy, người đứng đầu đơn vị, bộ phận, trưởng các tổ chức đoàn thể Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã căn cứ những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; những ưu điểm và hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, bộ phận, cá nhân… để xác định rõ những nội dung cần đột phá, xây dựng kế hoạch của cá nhân, có lộ trình thực hiện cụ thể và nghiêm túc thực hiện nêu gương cho cán bộ, đảng viên và người lao động noi theo. Xây dựng tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, công nhân viên ngành điện Thành phố với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện” với nội dung “4 có, 3 không”. Nhờ vậy, nhiều chương trình, kế hoạch luôn được Tổng công ty và các đơn vị thành viên hoàn thành trước tiến độ, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

Sức lan tỏa mạnh mẽ của Chỉ thị 05

 

 Những nhu yếu phẩm miễn phí được hội viên phụ nữ phương 14, quận 10 trao trực tiếp
đến những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Hoàng Mẫn)

Sự quyết liệt từ cấp ủy đảng, chính quyền, và sự gương mẫu từ những người đứng đầu cấp ủy đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ của Chỉ thị 05 vào đời sống, thấm nhuần trong mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Không phải ngẫu nhiên, khi nhắc đến Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài sự năng động, phát triển, nhiều người còn ấn tượng bởi sự nghĩa tình của người dân Thành phố mang tên Bác. Ở bất cứ nơi nào của mảnh đất này, cũng dễ dàng bắt gặp được việc nghĩa. Người dân Thành phố Hồ Chí Minh làm việc nghĩa như một "thao tác" bình thường, thấy việc nên làm thì làm mà không hề tính toán thiệt hơn. Họ giúp người trong khả năng của mình và không bao giờ đòi hỏi sự đền đáp hay trả công.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Phan Kiều Thanh Hương, phẩm chất nghĩa tình của người Sài Gòn - Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh được kế thừa từ tinh thần yêu nước, thương người vốn là phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã kết tinh qua nhiều thế hệ.

Đợt dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 5, Thành phố hiện có hơn 150 điểm “nóng” phải phong tỏa, cách ly để giám sát dịch bệnh. Và cũng từ trong dịch bệnh, dễ dàng bắt gặp nhiều hơn những mô hình thiện nguyện: Cây ATM gạo, ATM khẩu trang, Nhà ăn 0 đồng, Siêu thị 0 đồng, quán cơm miễn phí, bánh mỳ miễn phí với tấm biển “ai cần cứ lấy”… Còn ngay trong khu vực cách ly, phong tỏa, không thể kể xiết bao phần ăn, phần quà đã được trao đi.

Đó là hình ảnh của màu áo xanh tình nguyện, đại diện cho thế hệ trẻ đầy ắp trong tim một tình yêu to lớn dành cho Thành phố tự hào mang tên Bác. Để bảo vệ Thành phố trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hơn 6.000 lượt đoàn viên, thanh niên đăng ký sẵn sàng hỗ trợ các y, bác sĩ, đơn vị chức năng địa phương trong công tác xét nghiệm, tuyên truyền và hậu cần, tham gia hỗ trợ tại các chốt kiểm soát dịch; giải cứu các loại nông sản; tình nguyện hiến máu; tham gia chương trình “Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19”.

Không chỉ hăng hái tình nguyện tham gia phòng, chống dịch tại địa bàn, các y, bác sỹ trẻ Thành phố Hồ Chí Minh còn xung phong đến “tâm dịch” Bắc Giang để hỗ trợ đồng bào, đồng nghiệp. Đó là hành động cụ thể mà tuổi trẻ đang tham gia góp sức xây dựng, bảo vệ thành phố, đất nước bằng trái tim, khối óc của mình.

 

 1.200 suất cơm miễn phí mỗi ngày được chị Ngô Mỹ Dung ở quận 1 và nhân viên của mình  chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng dành cho những người lao động tự do, người bán vé số, nhặt ve chai và một số hộ dân trong khu vực bị cách ly. (Ảnh: Hoàng Mẫn)

Còn đó biết bao những thế hệ cán bộ, người dân Thành phố mang tên Bác ở nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau đang miệt mài học tập, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo góp sức xây dựng Thành phố ngày một phát triển, hiện đại, văn minh. Đó là anh Nguyễn Kỳ Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, Đảng ủy Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện đúng lời dạy: ''Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", nêu cao phẩm giá con người Việt Nam trong thời kỳ mới, anh Nam tích cực lao động, học tập, công tác với tinh thần lao động sáng tạo có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Anh đã tham mưu đề xuất ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật giao thông, cũng như từng bước hình thành trung tâm điều hành giao thông đô thị; anh cùng đồng nghiệp đã học hỏi, tìm hiểu những công nghệ tiên tiến trên thế giới, vận dụng vào đặc thù theo mô hình tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phối hợp đơn vị chức năng, kết nối chia sẻ hình ảnh camera giám sát giao thông nhằm tăng cường giám sát an ninh trật tự an toàn xã hội, thành lập trung tâm giám sát, trung tâm chỉ huy thống nhất của Thành phố trong các dịp lễ, tết.

Đó còn là câu chuyện về Bí thư Chi bộ, Giám đốc cơ sở Cai nghiện ma túy- Bảo trợ xã hội Phú Văn (Đảng ủy Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) Tạ Đình Chiến với sáng kiến “Đổi gạo và cây xanh lấy rác thải nhựa” cho đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Thác Dài, thôn 3, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước nơi địa bàn đơn vị trú đóng. Đến nay, tổng số lượng gạo được đổi hơn 2.200kg, 75 thùng mì tôm; số lượng cây giống như: điều giống, keo lai là 850 cây. Số lượng rác thải nhựa được thu gom là 750kg; 1.100 lon nước… Sáng kiến của anh đã góp phần cùng địa phương nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường sống và hình thành thói quen sinh hoạt và sản xuất hạn chế thấp nhất sử dụng rác thải nhựa cho người dân trên địa bàn.

Từ quá trình thực hiện Chỉ thị, những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, những tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo thành những hình mẫu thiết thực, cụ thể, chân thực và thuyết phục, trở thành động lực của nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân;góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành nghề, cũng như đóng góp chung vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cùng cả nước, vì cả nước; xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh xứng đánh là Thành phố Anh hùng, Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình./.

Hoàng Mẫn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website