Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm
21 năm gắn bó với nghề, trải qua bao thăng trầm nhưng thầy Nguyễn Công Tôn Ngọc - giáo viên Trường Tiểu học Long Thuận (xã Long Thuận), vẫn giữ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với nghề và luôn hết lòng vì học trò. Bởi, nghề giáo là tình yêu và một phần cuộc sống của thầy từ những ngày đầu dấn thân vào nghề.
Thầy Nguyễn Công Tôn Ngọc luôn hết lòng vì học trò của mình
Sinh ra và lớn lên nơi xã vùng sâu của huyện Thủ Thừa, đường tìm “con chữ” của thầy Ngọc cũng lắm gian nan. Thầy Ngọc kể: “Thời ấy, học sinh muốn đến trường phải dậy sớm bơi xuồng hoặc đi bộ băng qua những cánh đồng để đến lớp. Đời sống giáo viên thì khó khăn nên ít người bám trụ lại để dạy chúng tôi. Bởi vậy, tôi thương và trân quý thầy, cô của mình lắm! Từ đó, tôi muốn trở thành giáo viên để tiếp bước sứ mệnh của thầy, cô mình”.
Đến với nghề bằng tiếng gọi của trái tim nên thầy Ngọc luôn học Bác để nêu cao tinh thần trách nhiệm của người thầy, không ngại khó, ngại khổ và luôn hết lòng, tận tụy vì đàn em thân yêu. "Chân ướt, chân ráo" bước vào nghề, thầy Ngọc mang theo sức trẻ, lòng nhiệt huyết và tình yêu nghề. Được phân công về một trường tiểu học ở xã biên giới, huyện Vĩnh Hưng, lần đầu đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng thầy Ngọc chưa bao giờ nản lòng.
“Bắt đầu cuộc sống xa nhà, dạy học trong điều kiện khó khăn nhưng tôi thích nghi rất nhanh. Bởi, tôi thương học trò vùng biên giới, nhiều em phải đi vài cây số để đến lớp học, điều đó làm tôi nhớ đến tuổi thơ của mình và lý do muốn trở thành giáo viên” - thầy Ngọc trải lòng.
Sau 5 năm công tác ở huyện biên giới, thầy Ngọc chuyển về Trường Tiểu học Long Thuận. Thầy tiếp tục mang tâm huyết để phục vụ quê nhà. Thầy thường xuyên học hỏi đồng nghiệp, trau dồi kinh nghiệm về phương pháp dạy học và đặc biệt là quan tâm học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh của các em để có hướng dạy chữ, rèn người phù hợp. Khi cơ sở vật chất trường học còn khó khăn, thầy Ngọc tự làm đồ dùng dạy học để phục vụ công tác giảng dạy tốt hơn. Thầy Ngọc mạnh dạn áp dụng một số phương pháp dạy học mới như học nhóm, đóng vai, đưa trò chơi vào giảng dạy cho học sinh; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng giáo án điện tử, E-leaning, bảng tương tác,… để tạo hứng thú, kích thích sự tò mò, ham thích học tập cho các em.
Ngoài giáo dục kiến thức, thầy còn lồng ghép giáo dục đạo đức cho các em thông qua các môn học, phong trào như Chiếc áo mùa xuân, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, công trình măng non,... Bên cạnh đó, thầy Ngọc cũng không quên nhiệm vụ giáo dục kỹ năng sống cho các em. Theo đó, thầy tổ chức cho các em tham gia các hoạt động như vệ sinh lớp, sân trường, chăm sóc cây xanh, bồn hoa, Ngày Chủ nhật xanh; đồng thời, hướng dẫn các em kỹ năng tự bảo vệ bản thân và phòng, chống tai nạn, thương tích,… đặc biệt là thực hiện tốt thông điệp "5K" trong phòng, chống dịch Covid-19. Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy Ngọc luôn động viên, theo sát quá trình học tập và kịp thời hỗ trợ khi các em cần.
Thầy Ngọc chia sẻ: “Bản thân thấm nhuần đức tính “nêu cao trách nhiệm” từ Bác nên tôi luôn nhắc nhở mình phải thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách của một giáo viên. Đó là truyền thụ kiến thức, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh để sau này các em trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Ngoài ra, với những nhiệm vụ khác, tôi cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm để mỗi việc làm đều phải thực hiện đến nơi, đến chốn”.
Nhờ những nỗ lực của mình, thầy Ngọc được ghi nhận với những thành tích nổi bật như nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, năm học 2015-2016; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019- 2020;… Đặc biệt, thầy Ngọc là 1 trong 3 cá nhân của huyện Thủ Thừa được đề nghị biểu dương cấp tỉnh về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.
Sống giản dị, hết lòng vì công tác xã hội
Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, ông Thi Văn Đức (58 tuổi) học Bác lối sống giản dị, gần gũi người dân và hết lòng vì hoạt động xã hội. Ông Đức là 1 trong 3 cá nhân của huyện Thủ Thừa được đề nghị biểu dương cấp tỉnh về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.
Ông Thi Văn Đức và vợ - bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp cùng chuẩn bị bữa cơm chiều
Có dịp về lại khu phố 3 Nhà Thương, chúng ta sẽ nhận ra nơi ấy có nhiều thay đổi. Những con đường đất, đá xanh ngày nào giờ đã được nhựa hóa. Ánh sáng an ninh, trật tự, camera giám sát an ninh được lắp đặt ở một số tuyến đường lớn, tạo nên một diện mạo mới cho khu phố 3 Nhà Thương. Giao thông thuận lợi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng dần được nâng lên. Những thành quả đó có “bóng dáng” và công sức của ông Đức trong ấy.
Ông Đức thổ lộ: “Là Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải có trách nhiệm trong việc làm giàu đẹp cho quê hương. Tôi học Bác ở những điều hết sức đời thường và giản dị. Đó là lắng nghe, thấu hiểu, gần gũi người dân để đề ra những kế hoạch sát với nhu cầu thực tế. Đặc biệt là sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường trong khu phố. Tôi luôn chọn những tuyến đường cấp bách để vận động người dân chung tay cùng Nhà nước làm trước. Hiện 100% tuyến đường trên địa bàn khu phố được hoàn thành”.
Để có những tuyến đường đẹp, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, ông Đức cũng vất vả không ít. Ông đến từng nhà vận động người dân tham gia đóng góp kinh phí, cùng Nhà nước làm đường giao thông. Có những gia đình chưa hiểu hết ý nghĩa của việc đó nên chần chừ, không tham gia. Ông Đức phải đi nhiều lần để thuyết phục và nêu những lợi ích, những tấm gương đi trước để người dân hiểu rõ.
Trong quá trình làm các tuyến đường giao thông, ông Đức công khai, minh bạch về kinh phí đóng góp của người dân và thành lập tổ giám sát do người dân làm nòng cốt. Ông Đức cũng thường xuyên theo sát và kịp thời phản ánh nếu đơn vị thi công làm chưa tốt. Nhờ vậy, các tuyến đường trên địa bàn khu phố vẫn bền, đẹp qua thời gian dài.
Trong gia đình, ông Đức là người chồng, người cha, người ông mẫu mực. Mặc dù dành nhiều thời gian tham gia công tác xã hội nhưng ông chưa bao giờ bỏ bê việc chăm lo gia đình, nhất là gìn giữ hạnh phúc. “Những thành viên trong gia đình tôi không phân biệt việc nhà của ai mà người nào rảnh, về sớm thì làm. Những việc như giặt đồ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa tôi đều làm. Bởi, đó không phải là việc của riêng vợ mà cũng là trách nhiệm của mình” - ông Đức kể.
Những việc quan trọng trong gia đình, ông Đức luôn bàn bạc với vợ để đưa ra quyết định. Với các con, ông Đức thường có những cuộc nói chuyện riêng để thăm hỏi, động viên bên cạnh những bữa cơm gia đình ấm áp. Chính sự yêu thương, chia sẻ từ các thành viên dành cho nhau nên gia đình ông Đức luôn tràn ngập tiếng cười. Năm 2019, gia đình ông Đức được tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh.
Thầy Ngọc, ông Đức có thể xem là những bông hoa tươi đẹp giữa đời thường. Họ sống chan hòa, giản dị, hết lòng với công việc và xứng đáng là tấm gương sáng cho mọi người noi theo./.
Ngọc Thạch
Theo https://baolongan.vn